![]() |
Ngành dệt may Việt Nam mỗi năm có nhu cầu tiêu thụ khoảng 400.000 tấn bông, song cho đến nay sản lượng bông nội địa mới đáp ứng được 2%, 98% nhu cầu bông sợi còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu.
Năm 2011, kim ngạch nhập khẩu bông 1,1 tỷ USD, vải các loại 6,6 tỷ USD, chiếm 70% kim ngạch nhập khẩu toàn ngành. Việc phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu những năm qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các DN dệt may.
DN thường xuyên phải đối mặt với những đợt tăng giảm giá không ổn định, khiến sản phẩm phải chạy theo giá bông, điều chỉnh liên tục.
Nhận thấy những rủi ro đó, vấn đề phát triển nguyên liệu bông đã được chú trọng với mục tiêu gia tăng tỷ trọng nguyên, phụ liệu trong cơ cấu giá thành sản phẩm dệt may, nâng cao giá trị gia tăng cho các loại vải sợi và giảm nhập siêu.
Chiến lược phát triển cây bông vải đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 đã được phê duyệt cách đây 2 năm.
Theo đó, đến năm 2015, diện tích cây bông vải trên cả nước sẽ đạt 30.000ha và tiếp tục tăng lên hơn 2,5 lần, đạt 76.000ha vào năm 2020 nhằm từng bước giúp các DN dệt may có thể chủ động nguyên liệu trong nước. Thế nhưng cho đến nay, diện tích trồng bông của cả nước mới đạt khoảng 30% so với mục tiêu đề ra cho năm 2015, đạt 12.000ha, nhưng không ổn định do việc tham gia đầu tư để trồng bông đạt lợi nhuận rất thấp, không hấp dẫn các DN.
Bên cạnh đó, các dự án đầu tư trồng bông Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) triển khai trong 2 năm qua, tình trạng chậm tiến độ do thủ tục đầu tư phức tạp đã trở nên phổ biến với hầu hết dự án trồng bông có tưới.
Đây là một vấn đề cần phải cải thiện nhanh chóng để tháo gỡ khó khăn cho ngành bông sợi, tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho ngành dệt may.
Nhiều DN cho rằng Quyết định 29/QĐ-TTg về phát triển cây bông vải Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, cùng với việc Bộ Công Thương đã chỉ đạo Vinatex và DN trong ngành bông triển khai thực hiện chương trình mà chưa khuyến khích các thành phần kinh tế khác tham gia, nên DN không có quỹ đất thích hợp để đầu tư trồng trọt.
Nhiều DN tư nhân phải tự mày mò tìm hướng đi mới để tạo ra nguồn cung trong bối cảnh thiếu nguyên liệu. Cụ thể, một số DN đã tiến hành đầu tư triển khai trồng bông ở Lào theo chính sách khuyến khích phát triển kinh tế đối ngoại vùng biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia để tự cung ứng nguồn nguyên liệu.
Trong bối cảnh như vậy, các DN đang rất cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ để có thể phát triển tham gia vào chương trình trồng bông nguyên liệu cả trong và ngoài nước.
Nhiều DN cũng đang mong mỏi Nhà nước xem xét tạo nguồn dự trữ bông trong nước nhằm đảm bảo một tỷ lệ an toàn nhất định để đối phó với tình hình biến động không ngừng của thị trường bông thế giới và đặc biệt là với các tác động từ chính sách tăng cường bông dự trữ quốc gia của các nước khác gây hạn chế nguồn cung trên thị trường.