Đã có không ít giải pháp xử lý rác thải được triển khai một cách tốn kém và quy mô, nhưng trên thực tế rác thải vẫn đổ bừa tràn lan bởi sự ý thức kém của một bộ phận cư dân đô thị.
Là công nhân của Công ty TNHH thoát nước TPHCM, trong công việc thường ngày, anh Ngô Chí Hùng phải đối mặt với những điều tồi tệ không phải ai cũng tưởng tượng được: "Có những hôm lần mò trong cống đạp phải kim tiêm, vật kim loại tứa máu, đau đến thấu tim. Rồi có khi đang loay hoay đưa rác ra ngoài thì nước thải của các nhà vệ sinh xối thẳng vào đầu… Nhưng vì công việc tui tôi cắn răng mà chịu”. Không thể che giấu sự xúc động khi được bộc bạch nỗi niềm không dễ kể ra, anh Ngô Chí Hùng tha thiết: “Mong sao bà con mình để rác đúng nơi đúng chỗ, đừng xả hết xuống cống nữa".

Cái cống thoát nước không phải nơi chứa rác thải. Thế nhưng, rác thải vẫn được dồn xuống cống thoát nước, như một chọn lựa của lối sống ích kỷ và tùy tiện. Những người công nhân như anh Ngô Chí Hùng hoàn toàn lãnh đủ hậu quả của vấn nạn này.
Vì vậy, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM nghẹn ngào sau những bộc bạch của anh công nhân Ngô Chí Hùng: "Việc để rác đúng nơi đúng chỗ không chỉ góp phần giảm ngập, làm cho thành phố xanh, sạch hơn. Giải pháp này không phải tốn tiền nhưng thời gian qua, chính quyền thành phố, mặt trận các đoàn thể chưa làm tốt vấn đề này. Thay mặt chính quyền TPHCM, tôi xin lỗi về những vất vả, nguy hiểm mà công nhân thoát nước như anh Hùng phải đối mặt".
Chống ngập nước mà lại gặp trở ngại bởi rác thải, nghịch lý quá. Bằng góc độ chuyên môn, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, phân tích dù cống thoát nước có làm thêm bao nhiêu, to cỡ nào nhưng rác cứ bít các miệng hố ga thu nước thì nước không thoát được. Ngỡ ngàng hơn, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng tiết lộ "có những con rạch rác nhiều tới mức người đi bộ qua được".
Mỗi khi mưa lớn, ngành thoát nước phải huy động hàng trăm người đi vớt, dọn rác tại các miệng cống thu nước, nhưng không thể nào bố trí đủ lực lượng tại hàng chục ngàn miệng cống trên khắp các tuyến đường hiện nay. Vì vậy, hiện tượng “phố bỗng thành dòng sông uốn quanh” một phần có sự góp tay vô tình và cố ý của chính người dân.