Để có thêm cơ sở uốn nắn giới showbiz, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đã dự thảo Bộ quy tắc ứng xử chung dành cho giới nghệ sĩ. Bên cạnh những ràng buộc giúp chấn chỉnh đạo đức và thăng hoa sáng tạo, thì một tiêu chuẩn mới được xác lập mà công chúng rất quan tâm, là các nghệ sĩ phải có trách nhiệm minh bạch trong các hoạt động từ thiện.
Vì sao phải cần sự minh bạch khi nghệ sĩ làm từ thiện? Vì lâu nay nghệ sĩ cứ làm từ thiện một cách ngẫu hứng và tùy tiện. Hay nói thẳng thắn hơn, nghệ sĩ quá tự tin vào hào quang của mình, nên cứ kêu gọi đám đông quyên góp mà không thèm hồi đáp cho tấm lòng của họ.
Danh hài Trấn Thành từng phân bua khá vu vơ rằng “nhiều người cứ bắt nghệ sĩ chúng tôi phải giải trình số tiền từ thiện, nếu như thế có lẽ chúng tôi sẽ không làm nữa. Đây không phải là nhiệm vụ chúng tôi sinh ra phải làm”.
Câu chuyện của danh hài Trấn Thành quả thật có yếu tố chọc cười thiên hạ. Bởi lẽ, nếu tự nghệ sĩ bỏ tiền túi cá nhân để tặng quà cho vài mảnh đời bất hạnh thì không ai bắt bẻ làm gì. Nhưng khi nghệ sĩ đã nhân danh cứu giúp đồng bào khó khăn để vận động người khác cùng chung tay, thì không thể thoải mái muốn làm gì thì làm.
Scandal dây dưa 14 tỷ đồng từ thiện của Hoài Linh chính là một bài học đau đớn cho giới nghệ sĩ. Lòng tin từ khán giả đã giảm sút nghiêm trọng đối với danh hài Hoài Linh và hình ảnh thần tượng từ giới mộ điệu cũng sụp đổ đối với Hoài Linh. Thế nhưng, phía sau Hoài Linh vẫn còn không ít khuất tất nữa mà giới nghệ sĩ làm từ thiện cần phải xem lại chính mình.
Nếu đã ngại khó ngại khổ, nếu đã không đủ thành ý, thì đừng a dua "trưng trổ" sự nhân ái. Trấn Thành ứng phó kiểu khôn ngoan nửa vời, mà lẽ ra anh cần phải trả lại sự công bằng cho các nhà hảo tâm, bằng cách đề nghị những “đối tác từ thiện” như diễn viên Đại Nghĩa hoặc mẹ ruột ca sĩ Hồ Ngọc Hà, phải công khai những khoản tiền tỷ mà khán giả đóng góp đã dùng chi cho ai, lúc nào.
Dù sử dụng ngôn từ bổ bã, nhưng doanh nhân Nguyễn Phương Hằng không phải hoàn toàn vô lý, khi cho rằng ca sĩ Thủy Tiên và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nên sao kê đầy đủ các giao dịch trong thời gian phát động quyên góp từ thiện. Bởi lẽ, một đồng của nhà hảo tâm cũng cần được trân trọng và nâng niu, chứ không thể nào ung dung đại khái “quan tám cũng ừ, quan tư cũng gật”.
Sao kê tài khoản, không phải là hành vi quá khó, với những nghệ sĩ muốn làm từ thiện đàng hoàng và tử tế. Ngoài khả năng tránh điều tiếng cho chủ tài khoản, thì tính rõ ràng của quá trình sao kê cũng tránh những hiểu nhầm vô lối khác. Chẳng hạn, nếu ca sĩ Thủy Tiên sao kê nghiêm túc thì danh hài Trấn Thành không thể tuyên bố đã chuyển 3 tỷ đồng cho ca sĩ Thủy Tiên, sau đó lại biện minh là... nhớ nhầm.
Nhà nước khuyến khích nghệ sĩ tham gia công tác từ thiện để tăng nguồn lực xã hội hỗ trợ đối tượng gieo neo, nhưng mỗi nghệ sĩ cũng cần ý thức chuyên nghiệp của một Mạnh Thường Quân đúng nghĩa.
Nghệ sĩ muốn kêu gọi từ thiện thì mở tài khoản riêng biệt, chứ không thể dùng chung tài khoản mà mình vẫn dành cho những giao dịch dân sự khác. Sự mập mờ ấy khiến cho khoản đóng góp từ thiện gửi đến tài khoản, rất dễ lẫn lộn với cat-xê biểu diễn hay thù lao quảng cảo của nghệ sĩ, và khi sao kê sẽ dẫn đến những cãi vã ồn ào.
Nghệ sĩ làm từ thiện phải có trách nhiệm minh bạch, là một vấn đề nóng bỏng hiện nay. Đưa tiêu chí này vào Bộ quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ, rất đáng hoan nghênh.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, với tư cách Ủy viên thường trực của Ủy ban Văn hóa, giáo dục Quốc hội, nhận định: “Các nghệ sĩ là người của công chúng, nên những hành vi của họ trên mạng xã hội và cả ngoài đời thực có ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ, lối sống của công chúng.
Vì thế, xã hội trông chờ rất nhiều vào những hành vi đúng đắn, suy nghĩ cẩn trọng, chia sẻ có trách nhiệm của nghệ sĩ trên mạng và ngoài đời thực”.