Chuyển nhượng cổ phiếu làm từ thiện
Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Thế Giới Bán Lẻ do ông Nguyễn đức Tài làm Chủ tịch, sẽ tặng 100.000 cổ phần MWG tại Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động cho Quỹ từ thiện Mái ấm Thế Giới Di Động. Giao dịch được thực hiện theo hình thức chuyển quyền sở hữu thông qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) trong thời gian từ 5-8 đến 3-9.
Sau chuyển nhượng, Thế Giới Bán Lẻ còn nắm giữ gần 51,3 triệu cổ phiếu MWG, tương đương 10,784% vốn điều lệ của MWG. Hiện ông Tài đang sở hữu hơn 12 triệu cổ phiếu MWG, tương đương 2,53% vốn.
Cũng trong thời gian từ 5-8 đến 3-9, Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Trần Huy, do ông Trần Huy Thanh Tùng, Thành viên HĐQT của MWG làm Giám đốc, sẽ tặng 20.000 cổ phiếu MWG cho Quỹ từ thiện Mái ấm Thế Giới Di Động. Sau chuyển nhượng, công ty này sẽ còn lại 10,78 triệu cổ phiếu MWG, tương đương tỷ lệ sở hữu 2,268%. Hiện ông Tùng đang nắm giữ 3,54 triệu cổ phiếu MWG, tương ứng 0,745% vốn.
Tổng cộng, hai công ty của ông Nguyễn Đức Tài và ông Trần Huy Thanh Tùng sẽ tặng 120.000 cổ phiếu MWG cho quỹ từ thiện. Tính theo thị giá hiện nay, số cổ phiếu trên có giá trị khoảng 20 tỷ đồng.
Quỹ từ thiện Mái ấm Thế Giới Di Động dự kiến sẽ nhận 240.000 cổ phiếu MWG trong các ngày từ 5-8 đến 3-9. Như vậy, ngoài hai công ty nói trên, vẫn còn tổ chức hoặc cá nhân khác tặng cổ phiếu cho quỹ.
Đây không phải lần đầu lãnh đạo MWG làm từ thiện bằng cổ phiếu. Hồi tháng 6 và tháng 7 vừa qua, công ty riêng của ông Nguyễn Đức Tài và ông Trần Huy Thanh Tùng cũng đã tặng tổng cộng 55.000 cổ phiếu MWG cho Quỹ từ thiện mái ấm Thế Giới Di Động.
Được biết, Quỹ từ thiện Mái Ấm Thế Giới Di Động được UBND Tỉnh Bình Dương cấp phép thành lập vào ngày 5-1-2019, và được công nhận Quỹ đủ điều kiện hoạt động từ ngày 18-3-2019. Quỹ hoạt động không vì lợi nhuận, minh bạch tài chính 100%, nhằm 2 mục đích sau:
Thứ nhất là hỗ trợ sinh hoạt phí cho các em sinh viên, học sinh dưới hình thức học bổng không hoàn lại (dành cho học sinh cấp 1,2,3) hoặc cho mượn không lãi suất và hoàn trả sau khi ra trường đi làm (dành cho sinh viên trung học, cao đẳng, đại học, trường nghề).
Theo ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Quản lý Quỹ, để bảo đảm tính minh bạch đến cùng này, Quỹ không nhận đóng góp của nhà hảo tâm bằng tiền mặt, thay vào đó Quỹ sẽ phối hợp với ngân hàng để nhận đóng góp của nhà hảo tâm vào tài khoản Quỹ bằng chuyển khoản hoặc bằng cách nộp tiền mặt tại quầy ngân hàng.
Quỹ chỉ sử dụng tiền đóng góp của các nhà hảo tâm trực tiếp cho việc cấp học bổng, cho mượn sinh hoạt phí và chi tiêu trực tiếp cho hoạt động của các nhà tình thương nuôi trẻ không nơi nương tựa. Không sử dụng tiền của Quỹ để chi liên quan đến đội ngũ nhân sự quản lý điều hành Quỹ.
Trước đó, vào năm 2017, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình do Doanh nhân Lê Viết Hải làm Chủ tịch, cũng đã thành lập Quỹ từ thiện Hòa Bình. Với vai trò người sáng lập Quỹ, Chủ tịch Lê Viết Hải đóng góp 2 triệu cổ phiếu, tương đương 126 tỷ đồng theo giá cổ phiếu HBC lúc bấy giờ. Ngoài ra, ông Lê Viết Hưng, Cố vấn cao cấp của Hòa Bình, cũng đóng góp 100.000 cổ phiếu HBC.
Ở thời điểm thành lập Quỹ, ông Hải tin tưởng, nguồn lực tài chính cho Quỹ Hòa Bình sẽ còn tăng thêm, từ sự chung tay đóng góp của các cán bộ công nhân viên, cổ đông lẫn các đối tác, bạn bè bên ngoài. Chưa kể, qua các đợt chia cổ phiếu thưởng, chia cổ tức bằng cổ phiếu, số lượng cổ phiếu HBC mà Qũy Hòa Bình nắm giữ, quản lý sẽ tăng lên.
Số cổ phiếu đóng góp thuộc quyền sở hữu của Quỹ Hòa Bình nhưng không được bán ra để lấy tiền ngay mà sử dụng cổ tức công ty chia hằng năm làm nguồn tài chính hoạt động. Theo ước tính của ông Hải, với mức cổ tức bằng tiền mặt 15% vốn điều lệ, tức khoảng 3 – 4 tỷ đồng cổ tức. Trường hợp cần tiền nhiều hơn và được sự đồng thuận, Quỹ Hòa Bình sẽ bán ra cổ phiếu. Toàn bộ số tiền này sẽ tài trợ từ thiện trực tiếp. Những chi phí khác như lương sẽ do Công ty tài trợ thêm.
Sự ra đời của Quỹ sẽ cho phép Hòa Bình thực hiện nhiều chương trình từ thiện hơn. Trong đó đặc biệt điểm nhấn là tập trung phát triển y học dân tộc với những bài thuốc Nam chữa tận gốc, có khả năng phòng ngừa bệnh và tăng cường khả năng phục hồi sức khỏe cho con người.
Đóng góp từ thiện bằng cổ phiếu: Nhiều mô hình quỹ khủng
Còn trên thế giới, việc các doanh nhân dùng cổ phiếu của mình để đóng góp cho các Quỹ từ thiện cũng khá phổ biến. Đình đám nhất phải kể đến tỷ phú Bill Gates với Quỹ Bill và Melinda Gates. Vào năm 2017, ông Bill Gates đã quyên tặng 64 triệu cổ phiếu của mình ở Microsoft (tương đương 4,6 tỷ USD) cho các hoạt động từ thiện xã hội. Mức đóng góp kỷ lục này đã làm giàm cổ phiếu nắm giữ của ông ở Microsoft xuống còn 1,3%.
Hay như mới đây, vào ngày 23-6, tỷ phú Warren Buffett tuyên bố sẽ quyên góp 4,1 tỷ USD bằng cổ phiếu của Công ty đầu tư Berkshire Hathaway cho 5 tổ chức từ thiện. Khoản quyên góp khổng lồ này đánh dấu một nửa chặng đường làm từ thiện theo cam kết năm 2006 của nhà đầu tư huyền thoại.
Theo đó, vào năm 2006, tỷ phú Warren Buffett đã cam kết dành toàn bộ số cổ phiếu Berkshire của mình thông qua các khoản quyên góp hàng năm cho 5 tổ chức từ thiện, bao gồm Bill & Melinda Gates Foundation, Susan Thompson Buffett, NoVo Foundation, Howard G. Buffett Foundation và Sherwood Foundation.
Khi đó, tỷ phú Buffett sở hữu 474.998 cổ phiếu Berkshire A. Hiện tại ông đã sở hữu 238.624 cổ phiếu, trị giá khoảng 100 tỷ USD.
Trên thực tế, các quỹ từ thiện được góp bằng cổ phiếu đều đi theo mô hình của một công ty cổ phần, nghĩa là có ban quản trị, điều hành riêng, có tổ chức khoa học và công khai minh bạch thông tin với người tham gia. Tuy nhiên, nếu quỹ từ thiện nước ngoài, như quỹ tín thác Bill & Melinda Gates Foundation Trust đầu tư vào rất nhiều cổ phiếu, quỹ trên toàn cầu, thì Quỹ từ thiện Hòa Bình hay Quỹ từ thiện Mái Ấm Thế Giới Di Động không tham gia đầu tư, do nguồn vốn góp không nhiều sẽ dễ gặp rủi ro, cũng chưa phát triển đi theo mô hình công ty cổ phần, mà chủ yếu do chính các nhà tổ chức sáng lập quản lý.
Có thể nói, quỹ từ thiện bằng cổ phiếu ở Việt Nam chỉ mới bắt đầu xuất hiện, quy mô còn nhỏ, nhưng nếu so sánh với hình thức đóng góp từ thiện tự phát, thì hình thức lập quỹ từ thiện bằng cổ phiếu, tiến tới có ban quản lý công khai minh bạch thông tin, sẽ có tính ổn định và lâu dài hơn. Qua đó, cũng cho giúp doanh nghiệp thực thi trách nhiệm xã hội một cách chuyên nghiệp và hiệu quả.