Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, giải pháp này không dễ để thực hiện, đòi hỏi hàng loạt điều kiện khắt khe. Nhiều địa phương đã làm rất tốt, nhưng cũng nơi còn bị động, lúng túng. Không chỉ phải chịu chi phí lớn hơn, các doanh nghiệp còn phải hết sức cảnh giác phòng ngừa, không để dịch xâm nhập từ bên ngoài, nếu có mầm bệnh phải nhanh chóng được xử lý, không để lây lan rộng.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc chống dịch và duy trì sản xuất trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 với biến chủng Delta là chưa có tiền lệ, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện, mở rộng dần.
Cần gì để thực hiện tốt “3 tại chỗ”?
Tại Bình Dương, một số doanh nghiệp triển khai phương án “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 điểm đến” nhưng không bảo đảm an toàn, để dịch bệnh xuất hiện và phải dừng sản xuất. Tuy vậy, hiện gần 3.500 doanh nghiệp của tỉnh vẫn duy trì được sản xuất. Trong tháng 7, sản xuất công nghiệp của Bình Dương tuy giảm 2,8% so với tháng 6 nhưng vẫn tăng 5,11% so với cùng kỳ năm 2020.
Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên) với gần 200 công nhân nằm trong số những doanh nghiệp này.
Ông Wada Masaharu, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, cho biết công ty đã thành lập Ban phòng chống Covid từ khi dịch bệnh bùng phát vào năm 2020. Mọi thông tin chính thống liên quan đến dịch bệnh của Việt Nam, của Bình Dương đều được đem ra đánh giá tác động và đưa ra giải pháp ứng phó phù hợp thực tế.
Nguyên tắc hàng đầu là phải đảm bảo “đầu vào âm tính với Covid-19”. Cụ thể, công nhân phải được test sàng lọc trước khi tham gia sản xuất tập trung. Những nhóm nhân viên có mối quan hệ có khả năng lây nhiễm cao, như có người nhà trong vùng dịch, nghỉ phép từ quê lên thì công ty yêu cầu cách ly tại nhà và trả lương đầy đủ.
Ngoài ra, vì bất cứ cá nhân, vật dụng nào cũng có khả năng chứa mầm bệnh, cho nên doanh nghiệp lập hàng rào chắn an toàn với người từ bên ngoài. Các vật dụng cá nhân như quần áo, mùng mền… đều do doanh nghiệp cấp phát, người lao động không mang từ ngoài vào. Các công nhân tuyệt đối không tiếp xúc với người bên ngoài. Tất cả việc kiểm tra, ký nhận chứng từ chuyển qua hình thức zalo, camera giám sát.
Để động viên, khích lệ người lao động tham gia sản xuất “3 tại chỗ”, ngoài chế độ lương, tiền ngoài giờ đầy đủ, doanh nghiệp còn hỗ trợ thêm cho mỗi người 5,5 triệu đồng. Doanh nghiệp cũng cung cấp đầy đủ 4 bữa ăn mỗi ngày, cà phê, sữa, tạo điều kiện cho công nhân giải trí sau giờ làm việc, cuối tuần…
Tuy nhiên, ông Wada Masaharu cũng thông tin, các công ty đối tác vận chuyển vẫn than phiền về tình trạng nhiều địa phương có những yêu cầu gây nhiều bất tiện trong lưu thông hàng hóa. Cùng với đó, các công nhân cũng mong muốn được sớm tiêm vaccine để chủ động những phương án cho sản xuất trong thời gian tới.
Chấp nhận tăng chi phí để giữ vững “trận địa”
Ngày 12-7, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh mời họp. Nắm được tình hình, ngày 13-7, Công ty bắt tay triển khai “3 tại chỗ”.
“Gần 4 tuần giữ được an toàn, giữ được sản xuất, đến hôm nay, thực sự trong lòng rất mừng, cả lãnh đạo và người lao động đều đã rất bình tĩnh, yên tâm, không còn thấy căng thẳng và chao đảo như những ngày đầu thực hiện”, ông Huỳnh Đức Trung, Giám đốc Thường trực Vĩnh Hoàn chia sẻ.
Mặc dù khẳng định đã giữ được “trận địa”, nhưng vị giám đốc của doanh nghiệp đang dẫn đầu ngành xuất khẩu cá tra, vẫn cho biết để đảm bảo sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh này, chi phí tăng gấp 2 lần so với bình thường.
“Nói vậy, chứ chi phí lớn cỡ nào cũng không bằng giữ được đơn hàng, giữ được uy tín với bạn hàng, không bị đứt gãy sản xuất. Cái lợi đó còn lớn hơn nhiều, không tính được”, ông Trung nói.
Các đối tác cũng phải “3 tại chỗ”
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Trưởng phòng Hành chính-Nhân sự Công ty Đông Phương tại Long An, cho biết doanh nghiệp ở khu vực tiếp giáp với TPHCM, do đó, ngay từ ngày 13-7, để đảm bảo “3 tại chỗ”, doanh nghiệp đã chuyển đổi công năng các phòng họp, văn phòng, kho hàng sản xuất… làm chỗ nghỉ cho người lao động với yêu cầu phải đảm bảo giãn cách.
Để đảm bảo an toàn, Đông Phương thực hiện ở mức cao hơn so với yêu cầu của tỉnh Long An đưa ra. Cụ thể, trong lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, doanh nghiệp không thực hiện test nhanh kháng nguyên cho người lao động mà triển khai xét nghiệm PCR định kỳ hàng tuần cho những nhóm có nguy cơ.
Với cách làm của doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Anh cho hay trong 3 tuần qua, tâm lý người lao động rất yên tâm để sản xuất.
Tuy nhiên, từ khi thực hiện “3 tại chỗ”, có khoảng 40% số lao động của doanh nghiệp đang nghỉ và ở ngoài nhà máy. Do đó, doanh nghiệp mong muốn tỉnh Long An sớm triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho những lao động này, để họ có thể bổ sung vào các dây chuyền, đưa công suất hoạt động trở lại như trước đây.
Tăng trưởng tốt nhờ tầm nhìn xa
Công ty Sanaky Việt Nam (đóng tại khu công nghiệp Mỹ Phước 3, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng điện lạnh) thực hiện “3 tại chỗ” đến nay là tuần thứ 3. Ông Đặng Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty cho hay, việc đầu tiên là phải chuẩn bị tâm lý cho người lao động để họ yên tâm ở lại.
Tại nhà máy ở Bình Dương với hơn 600 công nhân, doanh nghiệp tổ chức ăn ở và làm việc riêng từng bộ phận, sinh hoạt với từng khung giờ khác nhau nên đến nay không xảy ra lây nhiễm chéo.
Để tránh việc lây nhiễm từ bên ngoài, người lao động gần như tuyệt đối không có giao lưu với bên ngoài, trừ những trường hợp có bệnh mãn tính phải sử dụng thuốc chữa bệnh thì người nhà chuyển vào. Nhưng người lao động cũng không trực tiếp ra nhận thuốc men mà phải qua một quy trình an toàn riêng như khử khuẩn.
Không chỉ như vậy, trong thời gian này, để đảm bảo sức khỏe, doanh nghiệp thực hiện tăng khẩu phần ăn, lo cả mì gói ăn thêm, 2 hộp sữa mỗi ngày cho người lao động. Ngoài ra, còn trợ cấp thêm 1,5 triệu đồng mỗi người.
Sát cánh cùng doanh nghiệp
Việc thực hiện “3 tại chỗ” vừa đòi hỏi sự chủ động của các doanh nghiệp, vừa yêu cầu sự vào cuộc rất quyết liệt của các cấp, các ngành để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh trong quá trình thực hiện.
Thực tế, ngoài các giải pháp hỗ trợ chung cho các doanh nghiệp trên cả nước, Chính phủ, các cấp, các ngành đã liên tục có các chỉ đạo để tháo gỡ các vướng mắc, vấn đề đặt ra khi thực hiện “3 tại chỗ” tại nhà máy. Đơn cử như các giải pháp thay đổi đối tượng ưu tiên tiêm vaccine cho phù hợp; hay các giải pháp quản lý hoạt động vận tải hàng hóa bảo đảm thông suốt và an toàn phòng, chống dịch Covid-19…
Quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Chính phủ, Thủ tướng là kiên trì thực hiện mục tiêu kép, nhưng kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa mục tiêu chống dịch và mục tiêu duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội; tùy từng nơi, từng lúc để ưu tiên hơn một trong hai mục tiêu này hoặc cân bằng, hài hòa cả hai mục tiêu.
Trong lúc này, trên phạm vi cả nước cần tập trung ưu tiên số 1 cho nhiệm vụ chống dịch, bởi kiểm soát được dịch bệnh thì mới phát triển được kinh tế - xã hội. Cùng với đó, phải bám sát thực tiễn, tận dụng tối đa khả năng có thể để khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, những nơi an toàn có điều kiện thì mở rộng sản xuất, “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”.
Bởi phải phát triển kinh tế thì mới có nguồn lực cho cuộc chiến chống dịch còn rất trường kỳ, khó khăn, đồng thời để bảo đảm cuộc sống cho người dân và chăm lo cho mọi mặt hoạt động của đất nước.
Phải bám sát tình hình, hết sức linh hoạt để có quyết định phù hợp, nơi có ổ dịch thì cần phong tỏa chặt, cách ly nghiêm giữa người với người, gia đình với gia đình…; nơi không có dịch hoặc đảm bảo an toàn, thì vẫn triển khai sản xuất, kinh doanh, tránh trường hợp cực đoan; chủ động, linh hoạt các biện pháp như “3 tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến”... để bảo toàn hoạt động sản xuất. Kiên quyết đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đáp ứng các yêu cầu, điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch hoặc có nguy cơ cao.
Triển khai hàng loạt các biện pháp chưa có tiền lệ, Bắc Ninh là địa phương đầu tiên sáng kiến áp dụng “3 tại chỗ” trong nhà máy để duy trì sản xuất. Các nhà máy được yêu cầu giảm mật độ công nhân làm việc tối thiểu 50%, bố trí chỗ ăn, ở cho công nhân ngay trong nhà máy.
Hoặc doanh nghiệp có thể thuê địa điểm là ký túc xá, nhà nghỉ, khách sạn bên ngoài, nhưng đảm bảo “biệt lập”, có xe đưa đón hằng ngày tới nhà máy và ngược lại. Công nhân sẽ được yêu cầu xét nghiệm trước khi trở lại làm việc, sau đó 3 ngày và 7 ngày xét nghiệm lại để tầm soát nguy cơ.
Tỉnh đã yêu cầu các công ty trong các khu công nghiệp xây dựng kế hoạch trong 3 ngày từ 26-5 đến hết 29-5 và bắt đầu phải làm xét nghiệm lần 1 vào ngày 29-5, xét nghiệm lần 2 vào ngày 1-6.
Ban đầu chỉ có 97 doanh nghiệp đăng ký làm theo mô hình. Khi đó, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu thông tin nếu không đăng ký thì đóng cửa. Và đến đêm 29-5, số doanh nghiệp tăng lên 501 và đến ngày 18-6, có gần 1.000 doanh nghiệp đăng ký cho công nhân ăn, ở, làm việc tại nhà máy trong khu công nghiệp. T
ỉnh cũng trưng dụng, huy động nhiều khu ký túc xá, trường học để cho các doanh nghiệp mượn làm điểm ở cho công nhân. Chủ tịch UBND các huyện được giao chỉ đạo hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn, việc phòng, chống dịch mà chọn phương án đơn giản nhất, an toàn nhất và thuận lợi nhất là đóng cửa khu công nghiệp thì quá dễ dàng cho lãnh đạo tỉnh nhưng hệ lụy khôn lường đối với nền kinh tế.
“Những quyết định chưa có tiền lệ và chưa có quy chuẩn, hướng dẫn của Bộ Y tế đặt ra thử thách cho lãnh đạo Bắc Ninh. Chúng tôi buộc phải lựa chọn để duy trì sản xuất và khống chế được dịch”, ông Vương Quốc Tuấn chia sẻ.
Kinh tế là sinh kế của người dân
Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, cũng cho biết qua kiểm tra thực tế tại một số địa phương phía Nam gần đây, ông nhận được phản ánh của nhiều doanh nghiệp về vướng mắc. Đơn cử như quy định phải có nhân viên y tế mới công nhận kết quả xét nghiệm nhanh cho công nhân, dẫn đến doanh nghiệp không đảm bảo kế hoạch sản xuất.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, trong thời gian qua, tỉnh đã mạnh dạn tháo gỡ khó khăn bằng cách cho phép doanh nghiệp tự thực hiện xét nghiệm nhanh định kỳ cho công nhân và chịu trách nhiệm về kết quả xét nghiệm.
Qua một thời gian thực hiện, các doanh nghiệp tự nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn cho công nhân, sớm ổn định sản xuất. Qua đó, vừa giúp doanh nghiệp chủ động được việc xét nghiệm, bảo đảm kế hoạch sản xuất, vừa có thêm nhân lực y tế ra để hỗ trợ các cơ sở cách ly, thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19.
Sau nhiều ngày lăn lộn chỉ đạo công tác chống dịch tại các tỉnh phía Nam, phát biểu tại Hội nghị của Chính phủ ngày 30-7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh trong sản xuất công nghiệp, trọng tâm là phải bảo đảm an toàn. Nguyên lý là khi sản xuất phải giãn cách ở bên trong, giảm mật độ công nhân, phân ca, phân kíp để nếu có ca nhiễm thì chỉ trong phạm vi một bộ phận nhỏ và có thể cách ly ngay.
Đồng thời đảm bảo linh hoạt từng nơi, không áp dụng cứng nhắc, máy móc. Bắc Giang, Bắc Ninh là mô hình tốt nhưng không thể mang nguyên mô hình này áp nguyên cho TPHCM và các địa phương khác, “ba tại chỗ” ở TPHCM cũng phải khác và từng nơi tại TPHCM cũng phải khác.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng các kiến nghị của doanh nghiệp không trái với chủ trương của Chính phủ, của TPHCM. Lãnh đạo Thành phố, các sở, ban ngành cần theo rất sát, tháo gỡ rất cụ thể cho doanh nghiệp trong thời gian nhanh nhất. Phó Thủ tướng cũng đề nghị Thành phố khẩn trương tiêm vaccine cho người lao động tại những doanh nghiệp sản xuất quan trọng.
Chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đồng tình rất cao với quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng trong kiên trì thực hiện mục tiêu kép. Vì không kiểm soát được dịch bệnh thì không thể thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế. Nhưng điều này không phải là lý do để chính quyền một số địa phương vin vào, chỉ đặt mục tiêu chống dịch mà hy sinh hẳn lợi ích kinh tế.
Ưu tiên phòng dịch bệnh phải đi đôi với việc cố gắng hết sức để duy trì sản xuất kinh doanh. Không thể để người lao động, người dân vào tình trạng không có việc làm, thiếu ăn, thiếu mặc.
“Nhiều doanh nghiệp đã phản ánh với chúng tôi về tình trạng áp dụng các biện pháp thái quá, ít cân nhắc đến hoạt động của doanh nghiệp ở một số địa phương, khiến nhiều hoạt động kinh doanh bị ách tắc. Chính phủ, các bộ đã liên tục có văn bản chỉ đạo để tháo gỡ vướng mắc về lưu thông hàng hóa khi các địa phương áp dụng các điều kiện phòng chống dịch không thống nhất”, ông Vũ Tiến Lộc cho hay.
Ông Vũ Tiến Lộc đặc biệt ủng hộ quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, về việc phải tận dụng tối đa các cơ hội để duy trì sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. “Tôi nhấn mạnh điều này vì kinh tế là sinh kế của người dân. Có thể trong xã hội, có không ít người không bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19, nhưng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, với người lao động trong các doanh nghiệp này, kinh tế là sinh kế của họ.
Không duy trì được hoạt động sản xuất - kinh doanh là tước đi sinh kế của dân, thu nhập của người dân. Bệnh dịch tác động rất lớn, rất rộng tới đời sống kinh tế - xã hội, chúng ta tận sức chống dịch, nhưng cũng phải tận lực hỗ trợ các hoạt động kinh tế của người dân, doanh nghiệp”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Nhìn xa hơn, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc duy trì sản xuất dù ở mức tối thiểu, không bị đứt gãy vì dịch bệnh còn là bài toán giữ nền móng cho cả nền kinh tế, để phục hồi mạnh mẽ một khi dịch bệnh được khống chế.
“Covid-19 đặt nền kinh tế vào tình thế thách thức chưa từng có, nhưng cũng mang lại cơ hội cho thúc đẩy cải cách. Trong lúc này, những nỗ lực cải cách thể chế, xử lý những vướng mắc, xung đột về thể chế lâu nay dễ được đồng thuận, thực hiện nhanh hơn. Chúng tôi tin rằng Chính phủ không chỉ điều hành để vượt qua khó khăn trước mắt, mà còn đủ năng lực để đón nhận những cơ hội đang đến”, Chủ tịch VCCI chia sẻ.