Ngày 6-8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại một số cơ sở sản xuất, thương mại dịch vụ tại TP.HCM. Tham gia đoàn còn có Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng và lãnh đạo các sở ngành liên quan.
Kiến nghị không tiếp tục phương án "3 tại chỗ"
Tại Công ty Vissan, ông Nguyễn Phúc Khoa - Chủ tịch HĐQT công ty - cho rằng đơn vị dự kiến ngày 15-8 sẽ bắt đầu sản xuất lại. Tuy nhiên, để đảm bảo lao động, đơn vị kiến nghị được hoạt động như bình thường, xét nghiệm 1 lần/tuần và nhờ đơn vị y tế hỗ trợ.
Còn tại công ty Vifon, báo cáo với đoàn công tác, bà Bùi Mai Phương - chủ tịch HĐQT Vifon - cho biết để bố trí đúng theo phương án sản xuất "3 tại chỗ", số lượng công nhân làm việc hiện giảm từ 1.300 xuống còn khoảng 500, kéo theo sản lượng sụt giảm rất nhiều.
Ngoài cung ứng cho thị trường trong nước, Vifon cũng xuất khẩu rất nhiều, nếu không đáp ứng được các đơn hàng theo hợp đồng đã ký sẽ bị phạt rất nặng thậm chí mất thị trường.
"Nếu cứ kéo dài "3 tại chỗ" như thế này thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng hàng hóa. Chúng tôi mong muốn các cấp xem xét lại có cần thực hiện tiếp phương án này nữa không hoặc tìm một phương án khác để giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất 100%, đáp ứng nhu cầu khan hiếm hàng hóa của TP cũng như của các tỉnh lân cận" - bà Phương trình bày.
Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM - riêng về mặt hàng mì ăn liền TP có 2 đơn vị lớn là Acecook và Vifon với sản lượng tổng cộng trên 4 tỉ gói/năm. Do đó nếu 2 nhà máy này có vấn đề thì sản lượng mì ăn liền của cả nước sẽ bị "đứt gãy" theo.
"Lúc trước các doanh nghiệp chỉ nghĩ rằng sẽ sản xuất "3 tại chỗ" trong điều kiện khoảng 1 tháng. Nếu kéo dài phương án này các doanh nghiệp sẽ không làm nổi. Người lao động sẽ bức bách, sinh hoạt khó khăn… cho nên tôi kiến nghị nghiên cứu không nên tiếp tục phương án này mà để cho các nhà máy tự chủ, quản lý theo bộ quy tắc với các tiêu chí an toàn để không để xảy ra dịch bệnh" - bà Chi báo cáo.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, phương án "3 tại chỗ" chỉ có thể áp dụng tối đa 3 tuần. Không thể áp dụng giống như trường hợp 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang được, phuơng án cứng rắn này chỉ là giải pháp tạm thời.
Tuy nhiên Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đặt vấn đề với doanh nghiệp: "Nếu chúng tôi cho chủ trương các doanh nghiệp tự chủ thì doanh nghiệp sẽ tổ chức như thế nào?"
Về vấn đề này, bà Lý Kim Chi cho biết đã tiếp thu được một số kiến nghị từ các doanh nghiệp: "Có đơn vị đề nghị sản xuất 2/3 công nhân. Tuyên truyền cho công nhân khi về thì ở yên trong nhà, nhà máy sẽ đi chợ cho công nhân của mình.
Thứ 2, tòan bộ công nhân phải được "phủ vắc xin" để đảm bảo an toàn.
Thứ 3, nhiều doanh nghiệp tính phương án sản xuất 50%, ví dụ công nhân đi ca 15 ngày thì sẽ cho nghỉ 1 tuần, sau đó sẽ xét nghiệm trước khi vào làm việc" - bà Chi kiến nghị.
Phó Thủ tướng đề nghị TP.HCM phân loại các nhà máy buộc phải duy trì sản xuất (vật tư y tế, lương thực, thực phẩm) phải coi như tuyến đầu, ưu tiên tiêm vắc xin cho cán bộ nhân viên.
"Những doanh nghiệp quan trọng hàng đầu thì nên tạo điều kiện để họ chủ động hợp tác với các đơn vị y tế tư nhân, để làm nhiệm vụ giám sát y tế ngay tại nhà xưởng và chỗ ở của công nhân, bất kể ai có triệu chứng bệnh gì phải có bác sĩ khám ngay.
Công ty phải nắm rõ được bao nhiêu công nhân đang ở trong "vùng xanh", bao nhiêu ở "vùng đỏ" thì mới có phương án sản xuất phù hợp. Nếu công nhân ở "vùng đỏ" thì công ty có thể thuê nhà trọ hoặc ở tại công ty số lượng ít" - Phó thủ tướng đề nghị.
Đánh giá hàng hóa thiết yếu một cách linh hoạt
Cùng ngày, đoàn công tác đến kiểm tra tại kho lưu trữ hàng hóa của Công ty Tiki tại đường Bạch Đằng - là 1 trong 3 kho lớn nhất của Tiki, chiếm 60% sản lượng hàng hóa và gần 30% sản lượng hàng hóa thương mại điện tử, bao gồm các sản phẩm thiết yếu phục vụ người dân từ thực phẩm khô đến thực phẩm tươi.
Theo ông Ngô Hoàng Gia Khánh - phó tổng giám đốc Tiki - hiện nay shipper bị một số chốt kiểm soát chặn lại dù giao hàng rau củ quả.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công thương TP.HCM - cho biết, TP đã thống nhất các chốt kiểm tra sẽ đánh giá các loại hàng thiết yếu một cách linh hoạt. "Nhu cầu hàng thiết yếu của mỗi người khác nhau, ví dụ một gia đình bị đứt cầu chì thì đối với họ cầu chì là thiết yếu. Chúng tôi sẽ nhắc các quận huyện" - ông Vũ nói.