Nghị định 08: Động lực khơi thông thị trường trái phiếu

(ĐTTCO) - Nhiều thay đổi từ Nghị định 08 về trái phiếu doanh nghiệp được đánh giá là điều kiện cần để khơi thông thị trường.
Nghị định 08: Động lực khơi thông thị trường trái phiếu

Nghị định 08/2023/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 5/3 được đánh giá mang nhiều tính hỗ trợ, giúp cho cả nhà phát hành và trái chủ tìm được điểm chạm trên bàn đàm phán cùng nhau tháo gỡ khó khăn.

Có thể nói là giới đầu tư đang rất kỳ vọng vào sự ra đời của Nghị định 08 sửa đổi 65 để hỗ trợ thị trường trái phiếu, doanh nghiệp bất động sản và qua đó là cả thị trường vốn. Có thể thấy ngay sự kỳ vọng qua sắc tím của nhiều cổ phiếu bất động sản trên sàn chứng khoán ngày 6/3.

Vậy khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tiễn bao xa?

- Doanh nghiệp phát hành được phép kéo dài kỳ hạn của trái phiếu tối đa không quá 02 năm.

- Thay vì trả nợ bằng tiền, doanh nghiệp có thể hoán đổi tài sản thanh toán nợ trái phiếu bằng cổ phần hay bất động sản.

Tuy nhiên những điều khoản mang tính hỗ trợ cho doanh nghiệp này chỉ được kích hoạt nếu có sự đồng tình của trái chủ.

Theo thống kê, tốc độ quay vòng hàng tồn kho của doanh nghiệp bất động sản hiện đang ở mức cao nhất nhiều năm trở lại đây. Nếu cuối năm 2018, doanh nghiệp cần trung bình hơn 1000 ngày để bán hết nguồn cung hàng thì cuối năm 2022, con số đã tăng lên đến gần 2.500 ngày.

Nút thắt pháp lý của thị trường bất động sản

Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, nguồn cung hàng đang bị tắc nghẽn có một nguyên nhân rất lớn tới từ sự vướng mắc pháp lý của các dự án bất động sản.

Ông Lê Minh Khang, Giám đốc Xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, nói: "Mấu chốt hiện nay là khả năng trả nợ bằng chính dòng tiền doanh nghiệp, làm sao tạo nên nguồn thu từ việc bán hàng, số ngày tồn kho đã lên cao nhất 7 năm, gặp ách tắc pháp lý, rất khó tìm kiếm nguồn vốn mới, gia hạn thanh toán, tái cấu trúc nội vay, cốt lõi là khơi thông pháp lý".

Ông Trần Quang Trung, Giám đốc Kinh doanh, CTCP One Mount Real Estate, cho biết: "Tháng 10 sẽ thông qua Luật sửa đổi đất đai, sau đó việc giải quyết mặt khó khăn sẽ giảm tải nhiều. Còn tác động bây giờ chỉ tới các doanh nghiệp có tài sản bất động sản pháp lý sẵn sàng để họ đi đàm phán và có sức đề kháng để tiếp tục hành trình tiếp theo".

Nghị định 08 cũng đã có những hỗ trợ cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu tăng thời gian phân phối của mỗi đợt từ 30 ngày lên 90 ngày. Ngoài ra sẽ ngưng hiệu lực thi hành quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân và quy định về bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đến hết ngày 31/12/2023. Liệu điều này có khiến nhà đầu tư cá nhân lại quay trở lại cảnh mua phải trái phiếu khi chưa có đủ thông tin minh bạch không?

Theo giới phân tích, có giai đoạn ta cần phải tiến nhanh, có những giai đoạn ta cần phải đi chậm lại và quan sát. Về mặt hành lang pháp lý luôn phải tiến lên nhưng có giai đoạn sức đề kháng của doanh nghiệp và thị trường chưa thích ứng kịp. Việc để chậm lại các quy định về NĐT chuyên nghiệp và xếp hạng tín nhiệm được cho là tạo thêm không gian cho doanh nghiệp phát hành và phân phối giải bài toán then chốt lúc này là thanh khoản trước đã.

Còn về phía nhà đầu tư cá nhân, đây cũng là giai đoạn họ cần được khôi phục niềm tin vào thị trường trái phiếu và giải pháp cần đến tự sự tham gia của những nhà đầu tư tổ chức

Thị trường trái phiếu cần sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức

Ngân hàng - người chơi lớn trên thị trường lại đang không tham gia được nhiều vào sân chơi trên thị trường trái phiếu thứ cấp. Để đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, quy định các ngân hàng không được bán và mua lại cùng một trái phiếu doanh nghiệp trong vòng 12 tháng đang làm sụt giảm thanh khoản của thị trường.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích đầu tư, CTCP Chứng khoán SmartInvest, cho biết: Muốn cứu thị trường thì mở Thông tư 16 là thị trường lại mua bán nhộn nhịp, hồi trước ngân hàng mua trái phiếu là mua buôn bán lẻ vì nhà đầu tư cá nhân họ chỉ cầm 1-2-3 tháng đáo hạn là nhiều. Ngân hàng hồi trước cam kết mua lại nhưng bây giờ không mua lại được nữa rồi vì vướng Thông tư.

Ông Lê Minh Khang, Giám đốc Xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, nói: "Điều chỉnh Thông tư 16, thay vì gói gọn nợ xấu không nhỏ hơn 3% mới được đầu tư thì thay bằng đánh giá điểm tín nhiệm của ngân hàng thương mại hay xem xét dư nợ trái phiếu nếu tỷ lệ ở mức yếu kém hay thấp thì tạo điều kiện cho ngân hàng tham gia lại và khai thông nhu cầu cho thị trường".

Tăng cường sự tham gia của ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm cũng là tăng cường tính bền vững cho thị trường trái phiếu. Theo thống kê, lượng nhà đầu tư cá nhân nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam chiếm tới 33%, trong khi ở 1 số quốc gia châu Á như Ấn Độ có hơn 5% hay ở Hàn Quốc thậm chí chỉ là 0,4%.

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhận định: "Nhà đầu tư tổ chức đóng vai trò sống còn của thị trường, chúng tôi sẽ thúc đẩy thành lập quỹ đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp, nhà đầu tư cá nhân qua đó đầu tư vào trái phiếu chuyên biệt và quỹ được quản lý bởi các đội ngũ chuyên nghiệp".

Sẽ cần thời gian để những thay đổi của Nghị định 08 được thẩm thấu và hỗ trợ thị trường nhưng theo các chuyên gia, việc đưa thị trường trái phiếu quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cần tới nỗ lực của tất cả chủ thể tham gia thị trường:

- Đối với tổ chức phát hành: Chủ động minh bạch thông tin là chìa khóa

- Đối với cơ quan quản lý: Cần nhiều hơn các nhóm giải pháp đồng bộ từ NHNN, Bộ Xây dựng, Bộ TN và MT để vực dậy thị trường trái phiếu doanh nghiệp

- Đối với nhà đầu tư: Hãy chọn mặt gửi vàng! Ở thị trường đầu tư, trong nguy có cơ, rất nhiều doanh nghiệp tốt với rủi ro vỡ nợ gần như không có đang phải đưa mức lãi suất lên cao để huy động vốn. Đây vẫn được coi là khoản đầu tư đáng chú ý trong năm 2023 nhiều thách thức.

Các tin khác