Nghị định Bộ Công Thương vượt qua 2 luật!

(ĐTTCO) - Dù chỉ là văn bản ở cấp nghị định, quy định những vấn đề chi tiết của luật, nhưng lại đưa ra các quy định điều chỉnh hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, lưu trữ và kinh doanh đối với các loại khoáng sản. Dù chỉ mới là dự thảo, nhưng xem ra Bộ Công Thương đưa ra rộng hơn Luật Khoáng sản (chỉ dừng ở việc khai thác khoáng sản),  Luật Đầu tư (chỉ yêu cầu quy định điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh khoáng sản).

(ĐTTCO) - Dù chỉ là văn bản ở cấp nghị định, quy định những vấn đề chi tiết của luật, nhưng lại đưa ra các quy định điều chỉnh hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, lưu trữ và kinh doanh đối với các loại khoáng sản. Dù chỉ mới là dự thảo, nhưng xem ra Bộ Công Thương đưa ra rộng hơn Luật Khoáng sản (chỉ dừng ở việc khai thác khoáng sản),  Luật Đầu tư (chỉ yêu cầu quy định điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh khoáng sản).

Can thiệp hoạt động DN

Theo Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với vai trò đại diện chủ sở hữu đối với khoáng sản, Nhà nước chỉ duy trì quyền quản lý, khi đã chuyển quyền sở hữu tài sản này cho chủ thể khác, vai trò này chấm dứt. Thời điểm chuyển sở hữu đối với khoáng sản là lúc khoáng sản được khai thác một cách hợp pháp lên khỏi mặt đất, nghĩa là sau khai thác DN có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với tài sản là khoáng sản đó.  

Dự thảo của Bộ Công Thương thể hiện một bộ phận cán bộ quản lý vẫn còn tư duy vơ quyền, tăng chức năng khi xây dựng văn bản thuộc lĩnh vực liên quan đến ngành mình.

Như vậy tại sao Nhà nước can thiệp vào việc DN chế biến, vận chuyển, lưu trữ và kinh doanh tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của DN? Vì sao có rất nhiều loại nguyên liệu thô đầu vào sản xuất như nước thiên nhiên, dầu mỏ, khí tự nhiên, gỗ rừng tự nhiên, thủy sản tự nhiên… nhưng chỉ khoáng sản có quy định quản lý này?

Đối với chế biến khoáng sản, hiện nay đã có quy định yêu cầu các dự án phải được thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư theo pháp luật đầu tư; việc xây dựng có quy định về dự án đầu tư xây dựng và giấy phép xây dựng; môi trường có pháp luật về bảo vệ môi trường; công nghệ chế biến có pháp luật về chuyển giao công nghệ điều chỉnh… Như vậy, việc bổ sung thêm các quy định về quản lý dự án chế biến khoáng sản như trong dự thảo là trùng lặp, chồng chéo về nội dung quản lý, không giải quyết được vấn đề trên thực tế. Nếu cơ quan soạn thảo cho rằng các biện pháp trên được thực thi không tốt cần đưa chính sách củng cố việc thực thi, không nên ban hành các quy định chồng chéo. Tương tự, các vấn đề về vận chuyển, lưu trữ và kinh doanh khoáng sản đều đã có các quy định pháp luật khác điều chỉnh. Chỉ duy nhất một nội dung hiện pháp luật chưa đầy đủ trong việc quản lý khoáng sản, là truy xuất nguồn gốc khoáng sản, hay hồ sơ khoáng sản để phân biệt với khoáng sản được khai thác bất hợp pháp. Hiện nay, có tình trạng khoáng sản khai thác trái phép (không có giấy phép hoặc vượt sản lượng nộp thuế) được xuất khẩu, vận chuyển, buôn bán hoặc đưa vào chế biến, sản xuất không được kiểm soát đầy đủ. Đây là vấn đề chưa có công cụ quản lý một cách phù hợp, nhưng được thể hiện rất sơ sài trong dự thảo.

Khai thác khoáng sản.

Khai thác khoáng sản.

Can thiệp vào sự tự quyết của DN

Ngoài ra, Điều 5.1.a dự thảo quy định về điều kiện đối với dự án khai thác khoáng sản và căn cứ vào Điều 53.2.a của Luật Khoáng sản: "Dự án đầu tư khai thác khoáng sản phải có phương án sử dụng nhân lực chuyên ngành, thiết bị, công nghệ, phương pháp khai thác tiên tiến phù hợp". Thế nhưng, Điều 53.2.a của Luật Khoáng sản không quy định chi tiết nội dung này. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 không cho phép cơ quan nhà nước được ban hành văn bản quy định chi tiết vượt quá nội dung được giao.

Đó là về mặt hình thức, còn về nội dung, Điều 5.1.a quy định dự án khai thác khoáng sản phải đảm bảo cung cầu thị trường và đáp ứng nguyên liệu cho các cơ sở có sản phẩm chế biến sâu. Quy định này can thiệp quá sâu quyền tự quyết của DN và không phù hợp với quy luật của thị trường. Bởi lẽ, cung cầu thị trường được quyết định dựa trên cơ sở thuận mua vừa bán với mức giá cả hợp lý, cơ quan nhà nước không nên can thiệp. Việc ưu đãi các hoạt động chế biến sâu là cần thiết, song điều này nên được thực hiện bằng các chính sách ưu đãi, không nên bắt buộc các dự án khai thác khoáng sản phải đáp ứng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến sâu. Bên cạnh đó, các quy định “đảm bảo cung cầu” hay “đáp ứng nguyên liệu” là định tính và khó xác định. Thí dụ, cầu thị trường sẽ được tính dựa trên cơ sở nào? Theo mức giá nào? Như thế nào được coi là đáp ứng? Công suất khai thác phải đạt bao nhiêu % công suất tiêu thụ của nhà máy chế biến?...

Ôm thêm quyền thanh tra

Dự thảo quy định thẩm quyền của Bộ Công Thương trong việc kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm đối với thực hiện quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, công nghệ, kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường trong khai thác mỏ và chế biến khoáng sản trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, theo VCCI, các nội dung này đều đã có văn bản quy định về thẩm quyền thanh tra, kiểm tra cho các cơ quan khác. Điều 7 của Luật Thanh tra đưa ra nguyên tắc: “Hoạt động thanh tra không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra”. Như vậy, quy định của dự thảo đã vi phạm nguyên tắc này khi quy định thêm thẩm quyền thanh tra chồng chéo với thẩm quyền thanh tra đã có.

Theo VCCI, dự thảo chỉ nên quy định thẩm quyền thanh tra của Bộ Công Thương đối với các nội dung chưa có cơ quan nhà nước khác đảm nhận. Trường hợp cơ quan soạn thảo thấy rằng việc thanh tra của các bộ, ngành khác chưa bảo đảm, có thể yêu cầu cơ chế bắt buộc phối hợp trong hoạt động thanh tra (thí dụ tổ chức đoàn liên ngành) nhằm giảm tần suất thanh tra, kiểm tra trùng lặp đối với DN.

Các tin khác