Nghị quyết 98 mở ra nhiều cơ hội phát triển cho TPHCM

(ĐTTCO) - Sáng nay 31-8, Báo SGGP phối hợp cùng Sở TT-TT, Hội Nhà báo, tổ chức buổi tọa đàm "Lực đẩy phát triển từ Nghị quyết 98/2023/QH15".

Phát biểu đề dẫn khai mạc tọa đàm, Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong, nhấn mạnh Nghị quyết 98 của Quốc hội khóa 15 với những cơ chế, chính sách vượt trội giúp tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, đồng thời kiến tạo những động lực mới để TPHCM phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với vai trò đầu tàu kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ và cả nước.

Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh Hoàng Hùng

Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh Hoàng Hùng

Chủ động, quyết liệt trong việc triển khai Nghị quyết 98

Ông Tăng Hữu Phong chia sẻ: “Thời gian qua, chúng ta thấy rất rõ sự chủ động, quyết liệt của TP trong triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách mới của nghị quyết. Ngay khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch triển khai chuẩn bị thực hiện nghị quyết mới với 11 đầu việc phải hoàn thành trong quý II, 37 đầu việc hoàn thành trong 6 tháng cuối năm 2023. Đồng thời, UBND TPHCM ban hành quyết định thành lập Tổ công tác triển khai thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù với 26 thành viên".

Ngày 24-6, Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM với 481/484 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Ngay sau khi Nghị quyết được thông qua, Thành ủy TPHCM ban hành Chỉ thị số 27 về lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cùng các đại biểu bàn luận trước thềm tọa đàm. Ảnh: Việt Dũng
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cùng các đại biểu bàn luận trước thềm tọa đàm. Ảnh: Việt Dũng

Tại kỳ họp thứ 10 diễn ra từ ngày 10 đến 12-7, HĐND TPHCM khóa X đã thông qua Nghị quyết 18 về triển khai Nghị quyết 98 và thông qua 3 nội dung quan trọng về việc điều chỉnh và nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài (Tây Ninh) theo phương thức đối tác công tư; bố trí thêm 2.900 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP vào kế hoạch trung hạn 2026-2030; chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; bổ sung quy định tiêu chí, điều kiện, mức, nội dung và hình thức hỗ trợ cho đối tượng này với tổng kinh phí thực hiện dự kiến 15.144 tỷ đồng.

HĐND TPHCM cũng thông qua việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó bổ sung 99.833 tỷ đồng từ nguồn thu tăng thêm của TP. “Tròn 1 tháng kể từ ngày Nghị quyết 98 có hiệu lực, đến nay TP đã thể chế hóa nhiều nội dung của Nghị quyết 98, như thí điểm thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP Thủ Đức gồm Trung tâm An sinh xã hội, Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP Thủ Đức”, ông Tăng Hữu Phong điểm lại một số kết quả cụ thể.

Theo Tổng Biên tập Báo SGGP, chúng ta cũng có thể thấy rõ sự chỉ đạo, vào cuộc, đồng hành của các cơ quan Trung ương về triển khai thực hiện nghị quyết này, qua việc Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98 vào ngày 15-7, do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban.

Về quyết tâm của TPHCM trong triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98, thông qua việc Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi ký quyết định thành lập Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98. Đầu tháng 8, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM cũng thành lập Ban chỉ đạo, Ban điều hành và Tổ giúp việc triển khai thực hiện Nghị quyết 98, do Bí thư Thành ủy TPHCM làm Trưởng Ban chỉ đạo.

Tuy nhiên, Tổng Biên tập Báo SGGP nhìn nhận, còn một số cơ chế, chính sách tại Nghị quyết 98 chưa được quy định tại các luật, nên việc triển khai thực hiện khó tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Cho nên, để việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98, đòi hỏi bên cạnh trách nhiệm, nỗ lực lớn của TP cũng cần sự tham gia, hỗ trợ thường xuyên, kịp thời và mạnh mẽ của các cơ quan Trung ương, chuyên gia, doanh nghiệp cũng như sự đồng hành, hưởng ứng, cùng bắt tay thực hiện của nhân dân TP.

Tinh thần nhập cuộc thể hiện rõ nét ở các địa phương

Có thể nói, tinh thần nhập cuộc triển khai Nghị quyết 98 được thể hiện rõ nét ở các địa phương. Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Nguyễn Kỳ Phùng, chia sẻ thông tin, trong 1,5 tháng qua, thời gian khá ngắn, TP Thủ Đức đã khẩn trương triển khai nhiều công việc, nhằm góp phần phát huy hiệu quả của Nghị quyết 98, đưa TP Thủ Đức thực sự trở thành động lực tăng trưởng mới của khu vực. Trong đó có tổ chức hội nghị chuyên đề quán triệt Nghị quyết 98 trong toàn hệ thống chính trị.

HĐND TP Thủ Đức cũng tổ chức kỳ họp ngày 12-8 và thông qua nhiều nội dung, đồng thời đang làm thủ tục để bổ sung Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức. Trước đó, TP Thủ Đức đã tích cực xây dựng các dự thảo, đề xuất kiến nghị cơ chế chính sách để triển khai thực hiện Nghị quyết 98.

Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Nguyễn Kỳ Phùng. Ảnh Việt Dũng

Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Nguyễn Kỳ Phùng. Ảnh Việt Dũng

Theo ông Nguyễn Kỳ Phùng, từ tháng 7, UBND TP Thủ Đức đã giao các phòng ban chuyên môn chuẩn bị, tham mưu các nội dung như chấp thuận chủ trương đầu tư dự án của các nhà đầu tư trong nước; thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu trên địa bàn TP Thủ Đức, phát triển TOD… Đồng thời, trình cơ cấu tổ chức bộ máy, đơn vị sự nghiệp công lập, trung tâm phát triển quỹ đất TP Thủ Đức, đề án vị trí việc làm.

“Đây là nền tảng để thực hiện cơ chế chính sách Quốc hội ban hành. Những nội dung này TP Thủ Đức đang tham mưu để UBND TPHCM trình HĐND TPHCM phê duyệt vào kỳ họp tháng 9 năm nay”, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức nói.

Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng. Ảnh Việt Dũng

Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng. Ảnh Việt Dũng

Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng, cho biết trong nội dung nghị quyết 98 có nhiều cơ chế chính sách mà Cần Giờ có thể tận dụng để trở thành thế mạnh, thu hút đầu tư như Cần Giờ có chiều dài tiếp giáp biển 23km, 34.000ha rừng ngập mặn từ đó thu hút phát triển giao thông xanh, phát triển điện áp mái, thị trường chứng chỉ Carbon.

Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng giao thông

Phó Giám đốc Sở GTVT Bùi Hòa An đánh giá, Nghị quyết 98 với cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải của TP trong bối cảnh công tác đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của TP chưa đạt như kỳ vọng.

Thực tế, hệ thống giao thông TPHCM còn một số điểm nghẽn như: công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư còn chậm với nhiều khó khăn, vướng mắc; khả năng huy động nguồn lực đầu tư còn hạn chế do khả năng đáp ứng từ ngân sách TP, các hình thức đầu tư khác ngoài đầu tư công chưa hấp dẫn nhà đầu tư quan tâm, phạm vi áp dụng các hình thức hợp đồng PPP chưa phù hợp với hiện trạng và quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông của TP, nhất là đối với các tuyến đường trục chính đô thị, tuyến đường cửa ngõ, đường trên cao.

Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết thêm, về quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP, theo Quyết định số 568/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, trong đó các tuyến đường trên cao (gồm 5 tuyến) dự kiến sẽ được đầu tư trên cơ sở các tuyến đường hiện hữu, khi đầu tư đường trên cao, đồng thời sẽ phải thực hiện mở rộng đường hiện hữu theo lộ giới quy hoạch đáp ứng bố trí tuyến đường trên cao theo đúng tiêu chuẩn.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được TP thông qua bố trí cho lĩnh vực giao thông là 52.744 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 19,8% so với tổng nhu cầu vốn.

Liên quan đến nguồn lực đầu tư, trong bối cảnh khả năng cân đối ngân sách, ông Bùi Hòa An nhìn nhận, TP không thể đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội do nguồn vốn ngân sách còn hạn chế.

Theo Nghị quyết 98, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) là công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước, thực hiện chức năng quỹ đầu tư phát triển địa phương. VỚi mô hình mới này, bà Lê Ngọc Thùy Trang, Tổng Giám đốc HFIC, chia sẻ đơn vị này đã ban hành kế hoạch triển khai trên cơ sở rà soát các nguồn lực về vốn và các nguồn lực khác để triển khai công việc.

Cũng theo bà Lê Ngọc Thùy Trang, những nội dung mà HFIC tập trung là xây dựng kế hoạch nguồn vốn, rà soát cân đối các nguồn lực để đảm bảo quy mô, vốn nhằm đáp ứng đủ năng lực tài trợ cho các dự án đầu tư theo danh mục lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.

Nhân lực là yếu tố quan trọng hàng đầu

Phát biểu tại tọa đàm, PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, khẳng định nguồn nhân lực có vai trò quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển của TPHCM nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung. Nhân lực chất lượng cao chính là yếu tố then chốt, là điều kiện tiên quyết để TP thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98. Đại học Quốc gia TPHCM đã ký kết và triển khai hợp tác toàn diện với TPHCM và thành lập tổ công tác để triển khai 5 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023.

PGS-TS Vũ Hải Quân, khẳng định nguồn nhân lực có vai trò quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển của TPHCM

PGS-TS Vũ Hải Quân, khẳng định nguồn nhân lực có vai trò quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển của TPHCM

Cụ thể, Đại học Quốc gia TPHCM sẽ phối hợp thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Khu đô thị ĐH Quốc gia TPHCM. Nghiên cứu xây dựng các chính sách thúc đẩy kinh tế - xã hội của TPHCM; đề xuất các mô hình, cơ chế có tính đột phá nhằm giải quyết các vấn đề quan trọng, đặc thù của TP.

Cùng với đó, xây dựng và triển khai chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ vi mạch cho TPHCM. Xây dựng và triển khai các chương trình/dự án nghiên cứu phục vụ phát triển bền vững TPHCM. Cuối cùng là phối hợp triển khai “Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TPHCM giai đoạn 2021-2025”.

Trong Chiến lược phát triển Đại học Quốc gia TPHCM giai đoạn 2021-2030, ĐH Quốc gia TPHCM đã xác định mục tiêu đến năm 2030 sẽ thuộc nhóm 100 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á, kiến tạo động lực tăng trưởng mới, không gian phát triển mới, nhanh và bền vững cho vùng Đông Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung.

PGS-TS Vũ Hải Quân nhấn mạnh, Đại học Quốc gia TPHCM đóng trên địa bàn TP, do vậy mong muốn sẽ có nhiều đóng góp cho sự phát triển của TP thông qua các hoạt động đào tạo nhân lực trình độ cao, nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học và đổi mới sáng tạo.

Ý tưởng về sàn giao dịch tín chỉ Carbon

Phân tích khái niệm “lực đẩy” từ chủ đề của tọa đàm, TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho rằng qua 1,5 tháng quán triệt thực hiện Nghị quyết 98, có thể nhìn nhận rõ 3 lực đẩy mà nghị quyết mang lại.

TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM

TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM

Thứ nhất là Nghị quyết 98 giúp TPHCM làm tốt hơn những nhóm công việc mà trước đây đã làm tốt như chương trình kích cầu, mở ra các cơ chế cho các dự án kích cầu trước đây bị vướng các chính sách khi thực hiện.

Thứ hai, Nghị quyết 98 giúp TPHCM thực hiện những nhóm việc đã có trong tính toán nhưng chưa có cơ chế thực hiện như thực hiện đầu tư bằng phương thức PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; phát triển TP Thủ Đức thành trung tâm đổi mới sáng tạo, tương tác cao. Mấu chốt là Nghị quyết 98 đã giải quyết những vướng mắc về con người, về bộ máy, đây là tiền đề để TP Thủ Đức và TPHCM phát triển.

Thứ ba, Nghị quyết 98 đã mở ra cho TPHCM nhiều ý tưởng phát triển mới mà trước đây chưa nghĩ tới. Như trước đây, ít ai nghĩ đến việc thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ, giao dịch tín chỉ carbon với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế để tạo nguồn thu ngân sách. Từ khi có Nghị quyết 98, nhiều ý tưởng gửi về cho Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM về giao dịch tín chỉ carbon. Huyện Cần Giờ huyện nay trong định hướng phát các lĩnh vực cũng đã gắn với tín chỉ Carbon này.

Tuy nhiên, TS Trương Minh Huy Vũ cho rằng, chỉ Nghị quyết 98 là chưa đủ. Dẫn chứng cụ thể, để TPHCM triển khai thực hiện loạt đường sắt đô thị trong vòng 20 năm nữa cần một cơ chế tài chính rất lớn mà riêng Nghị quyết 98 là chưa đủ. Do đó, song song với Nghị quyết 98, TPHCM cần nhanh chóng khởi động đền án trung tâm tài chính quốc tế để tạo nguồn lực mạnh mẽ hơn nữa.

Tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế và hạ tầng

TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98, nhấn mạnh Nghị quyết 98 ra đời tạo công cụ pháp lý để gỡ 2 vấn đề điểm nghẽn làm cho TPHCM ngày càng mất vị trí, vai trò trong những năm qua, đó là điểm nghẽn về thể chế. Khi tháo gỡ được điểm nghẽn về thể chế, điểm nghẽn về hạ tầng cũng sẽ được tháo gỡ.

Nghị quyết 98 tạo ra công cụ, để tận dụng công cụ này triển khai thực hiện có hiệu quả là một quá trình. Do đó, TPHCM cần chọn những việc làm trọng tâm, trọng điểm, có điểm nhấn, kiểu mẫu để nhanh nhất có sản phẩm, người dân thụ hưởng và tin tưởng Nghị quyết 98 đi vào cuộc sống.

TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98. Ảnh Hoàng Hùng

TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98. Ảnh Hoàng Hùng

"Khi có niềm tin rồi, chúng ta có một sức mạnh”, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh và nhắc lại đề nghị cần một khung pháp lý để bộ máy vận hành hiệu quả nhất, từ đó trên khung pháp lý này đề xuất những sáng tạo thông qua các mô hình cụ thể.

"Chưa bao giờ, từ Trung ương đến TPHCM có quyết tâm chính trị rất cao để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 98”, TS Trần Du Lịch đánh giá và tin tưởng Nghị quyết 98 sẽ là lực đẩy để tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy TPHCM phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới. Đồng thời tin tưởng và kỳ vọng, từ đây đến năm 2030, mức tăng trưởng kinh tế của TPHCM phải đạt 2 con số để thay đổi vị trí của TPHCM trên bản đồ trong khu vực...

Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 98, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh đến việc tạo một khung pháp lý để vận hành, tạo trách nhiệm, sự an tâm, an toàn và xóa đi tâm lý sợ sai khi làm ở đội ngũ cán bộ trong bộ máy chính quyền TPHCM. TS Trần Du Lịch cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định liên quan đến chính sách thuế đối với hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Giải quyết bất cập điện áp mái

Liên quan đến vấn đề năng lượng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) Bùi Trung Kiên, cho biết ngay khi Nghị quyết 98 có hiệu lực, đơn vị này đã phối hợp với Sở Công thương xây dựng kế hoạch triển khai phát triển năng lượng tái tạo trình UBND TPHCM.

Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) Bùi Trung Kiên

Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) Bùi Trung Kiên

Theo ông Bùi Trung Kiên, UBND TPHCM đã thông qua kế hoạch bước đầu, EVNHCMC đã tiếp nhận nhiều ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo TP, song đơn vị này cho rằng cần tập trung tháo gỡ 3 nội dung. Đó là bố trí nguồn vốn cho các dự án. Cùng với đó, TP cần chỉ đạo các địa phương, đơn vị nhận làm chủ đầu tư bởi trong quá trình trao đổi, một số địa phương, đơn vị chưa dám nhận vai trò này; tập trung đầu tư năng lượng điện mặt trời (ĐMT) mái nhà.

Dù vậy, theo EVNHCMC, Nghị quyết 98 có điều khoản nêu rất rõ về đầu tư ĐMT mái nhà ở các trụ sở công, nhưng phát sinh tình trạng thời gian nghỉ trưa là thời gian bức xạ nhiệt lớn nhất hoặc trong những ngày nghỉ sẽ dôi dư sản lượng điện rất lớn. Nếu không cho phát ngược lên lưới điện thì không tính được hiệu quả đầu tư dự án. Do đó, EVNHCMC kiến nghị cần có hệ thống lưu trữ năng lượng ở thời gian nghỉ trưa, ngày nghỉ.

Trong các sản phẩm xuất khẩu, nước ngoài rất quan tâm đến năng lượng tái tạo trong cấu phần sản phẩm này. Cần bổ sung thêm việc cho phép đầu tư hệ thống ĐMT ở các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 98 chỉ nêu cho phép UBND TPHCM quyết định sử dụng mái nhà ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở các cơ quan đơn vị được xác định là tài sản công nhưng chưa có phát triển ĐMT mái nhà ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trong khi những nơi này có diện tích lớn. Trong đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được TP thông qua bố trí cho lĩnh vực giao thông là 52.744 tỷ đồng (đáp ứng khoảng 19,8% so với tổng nhu cầu vốn).

Chọn khâu đột phá khi triển khai Nghị quyết 98

Từng là Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV, TS Nguyễn Đức Kiên chia sẻ, điều tâm đắc nhất trong Nghị quyết 98 là TPHCM được chủ động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và được sử dụng HFIC như một công cụ mà các địa phương khác thực hiện cơ chế đặc thù không có.

TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Ảnh Hoàng Hùng

TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Ảnh Hoàng Hùng

TS Nguyễn Đức Kiên cũng bày tỏ ấn tượng khi TPHCM đã xóa bỏ độ trễ về triển khai chính sách. Bởi chưa đầy 2 tháng qua, TPHCM đã triển khai được rất nhiều việc. “Nếu nói Nghị quyết 98 là cả nước vì TP, thì giờ đây là đòi hỏi TP vì cả nước, cùng cả nước. Cần thống nhất nhận thức rằng, TPHCM cần tiếp tục duy trì vai trò đầu tàu, mà vì là đầu tàu, nên TPHCM phải có toa tàu, là các tỉnh bạn”, TS Nguyễn Đức Kiên chia sẻ.

Theo TS Nguyễn Đức Kiên, để triển khai Nghị quyết 98 cần chọn khâu đột phá. Hiện TPHCM đang chọn bất động sản, tập trung chủ yếu vào hạ tầng giao thông. Nhưng hạ tầng của TP mới tập trung cho đường bộ, chưa nói đến đường sắt, đường thủy, hàng không. Mục tiêu phát triển hạ tầng của TPHCM là giảm được chi phí logistic, nếu giữ nguyên thì rất khó.

Chuyên gia này cũng góp ý thêm, muốn phát triển đô thị phải phát triển bất động sản nhà ở và bất động sản công nghiệp, trong khi hiện TP chưa chú trọng đến bất động sản công nghiệp. Với Nghị quyết 98, phát triển TOD thì phải phát triển bất động sản công nghiệp, việc này thuộc thẩm quyền của TP. Về đột phá trong công nghiệp, TS Nguyễn Đức Kiên góp ý nên thành lập hệ thống viện, trường, doanh nghiệp để sản xuất chip.

TPHCM phải cạnh tranh được với khu vực và quốc tế

Thứ trưởng Bộ KH–ĐT Trần Duy Đông khẳng định, Trung ương rất quan tâm đến TPHCM khi xây dựng chính sách nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng TP trong huy động nguồn lực. Trong quá trình tham gia, Thứ trưởng đánh giá tất cả các cấp, lãnh đạo cao nhất của đất nước, của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đều khẳng định và thể hiện rõ quyết tâm xác định TPHCM là đầu tàu kinh tế của đất nước, là trung tâm kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; là TP đáng sống, cạnh tranh được với khu vực và quốc tế.

Theo Thứ trưởng Bộ KH–ĐT Trần Duy Đông, Trung ương rất quan tâm đến TPHCM khi xây dựng chính sách. Ảnh Cao Thăng

Theo Thứ trưởng Bộ KH–ĐT Trần Duy Đông, Trung ương rất quan tâm đến TPHCM khi xây dựng chính sách. Ảnh Cao Thăng

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, ngoài cơ chế chính sách được quy định tại Nghị quyết 98, Quốc hội cũng có điều khoản trong quá trình triển khai, trường hợp cần những ưu đãi đặc biệt, cần huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thì TPHCM phối hợp với Chính phủ báo cáo cơ cơ quan có thẩm quyền báo cáo Quốc hội. “Đây là quy định rất quan trọng, thể hiện sự đồng hành rất sát của Chính phủ, Quốc hội với TPHCM ngoài những chính sách, điều khoản cứng tại Nghị quyết 98”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhận định.

"Trong thời gian tới, ngoài Nghị quyết 98, Bộ KH-ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với TP để thực hiện lập quy hoạch của TP và quy hoạch vùng Đông Nam bộ một cách đồng bộ, để thể hiện được TPHCM là trung tâm, là đầu tàu của cả vùng", Thứ trưởng cho biết thêm.

Thứ trưởng Trần Duy Đông tin tưởng TPHCM triển khai hiệu quả các định hướng trên bởi thành phố đã có hạ tầng sẵn, có các tập đoàn lớn trong lĩnh vực và nguồn nhân lực rất lớn khi tập trung nhiều trường đại học; đồng thời tin tưởng, với các cơ chế chính sách tại Nghị quyết 98, TPHCM sẽ cất cánh trong giai đoạn tiếp theo.

Các tin khác