Nghị quyết mới cho TPHCM cần hạn chế tối đa cơ chế 'xin - cho'

(ĐTTCO) - Bộ máy công quyền TPHCM đang từng ngày trông chờ kết quả kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 15, trong đó có nghị quyết mới về cơ chế đặc thù cho TPHCM.
Cần trao quyền tự chủ nhiều hơn cho TPHCM. Đơn cử như triển khai một dự án như một khu dân cư không nhất thiết phải làm hồ sơ báo cáo giải trình đến nhiều bộ.
Cần trao quyền tự chủ nhiều hơn cho TPHCM. Đơn cử như triển khai một dự án như một khu dân cư không nhất thiết phải làm hồ sơ báo cáo giải trình đến nhiều bộ.

Vậy nếu nghị quyết (NQ) mới được thông qua và ban hành thì tình hình của TPHCM sẽ có biến chuyển? Chắc chắn là có, nhưng nếu kỳ vọng khai thông cần phải hạn chế tối đa cơ chế “xin - cho”.

NQ mới vẫn trên cái nền của NQ54

Thật ra những nội dung được soạn thảo cho NQ mới lần này bao gồm quản lý đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TPHCM và bộ máy của TP Thủ Đức. Nếu so sánh sẽ thấy nó được mở ra rộng hơn, nhưng về cơ bản vẫn trên cái nền của NQ54.

Vậy một câu hỏi đặt ra ở đây là NQ54 ban hành từ năm 2017, nhưng tại sao TPHCM không hiện thực hóa nó được, mặc dù lãnh đạo và nhân dân TPHCM đã cố gắng “chòi đạp”, nhưng kết quả mang lại không đáng kể. Thực chất vấn đề là ở đâu? Ở NQ hay thực thi.

Chúng ta phải thừa nhận một NQ đúng sẽ mở rộng cửa cho các địa phương, nhưng nói cho cùng NQ hay đến mấy cũng chỉ là công việc của lập pháp và văn bản, còn đưa nó vào đời sống lại là câu chuyện của hành pháp và hoạt động của bộ máy Chính phủ từ trung ương đến địa phương. Không ai khẳng định chắc chắn rằng NQ mới ra đời sẽ chấm dứt chuyện "xin - cho" và giải trình. Bởi cần phải hiểu thật rõ và đúng, cơ chế quản lý và điều hành ở đất nước ta theo mô hình tập trung hóa cao và thống nhất.

Mọi hoạt động của các tỉnh thành đều phải được sự chỉ đạo từ trung ương và nằm dưới sự quản lý nhà nước của các bộ. Triển khai một dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật như đường vành đai, xây dựng mới một khu dân cư, thu phí cảng biển, giải tỏa dân cư… nhất nhất phải làm hồ sơ báo cáo và giải trình 5 đến 6 bộ, kể cả việc TPHCM sử dụng nguồn ngân sách riêng của địa phương cho tuyến Metro số 1, hay tăng thêm thu nhập cho cán bộ cũng phải xin và giải trình.

Kỳ vọng một NQ mà muốn vừa tháo gỡ hết vướng mắc, vừa tạo hết động lực để phát triển thành phố, tôi e không được. Vẫn phải cần có thêm những chính sách khác, văn bản khác để giải quyết những vấn đề thực tiễn phát triển TPHCM.

Ông PHAN VĂN MÃI, Chủ tịch UBND TPHCM

Như đã biết, TPHCM được coi là nơi có nhiều cái nhất: dân số đông nhất, nền kinh tế năng động nhất, đóng góp cho quốc gia nhiều nhất, tiềm năng lớn nhất, nhưng cũng là nơi có những vướng mắc lớn nhất và nhiều nhất liên quan đến thể chế, định chế, chính sách, chủ trương trên hầu hết các lĩnh vực như tài chính, nhân lực, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đầu tư…

Do vậy phải có văn bản báo cáo giải trình và chờ phản hồi từ nhiều bộ, nên số văn bản gửi đi có lẽ lên đến hàng ngàn. Có thể nói đây là một quy trình rất phức tạp, chồng chéo và mất thời gian.

Một quy trình quá “lòng vòng” làm mất cơ hội

Nói như Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác TPHCM vào ngày 27-7: “TPHCM nếu cứ làm theo quy trình như hiện nay thì không ổn”. Đó là một quy trình tập trung hóa cao, rất chặt chẽ, nhiều tầng nấc và phức tạp. Bất cứ vấn đề nào được cho là quá thẩm quyền của tỉnh, thành phải báo cáo, giải trình bằng văn bản, và con đường đi của văn bản mà theo lời của Thủ tướng “rất lòng vòng, có khi 6 tháng, 1 năm chưa đến được Thủ tướng Chính phủ”.

Chính cái “lòng vòng” này mà dẫn đến mất cơ hội, chậm tiến độ, phát sinh thêm nhiều hệ quả không lường được ở nhiều dự án. Thực tế cho thấy có nhiều kiến nghị hợp lý, đề xuất đúng của TPHCM, nhưng khi đi lòng vòng qua nhiều bộ ngành, cục, vụ thì bị chậm, đợi thu nhận đủ ý kiến phản hồi của các bộ có khi đã mất cả năm trời, chưa kể nhiều thông tin bị “khúc xạ”, bị diễn giải khác đi theo cách hiểu của mỗi vị lãnh đạo các đơn vị, và không loại trừ cả lợi ích của bộ ngành đó.

Do vậy khi đến bàn Thủ tướng và Quốc hội tinh thần của nó đã bị khác đi nhiều. Thủ tướng từng có ý định Chính phủ sẽ thành lập một tổ công tác thường xuyên làm việc với TPHCM để tháo gỡ nhanh các vướng mắc phát sinh, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà tổ công tác này không ra đời được.

Người dân rất ấn tượng với hoạt động của Thủ tướng, ông đi thị sát từ công trình lớn đến công trình nhỏ liên quan đến một cây cầu, vài ha đất, một con đường. Nhưng quả thật những chuyện nho nhỏ ấy lại ngoài tầm của thành phố. Có những chuyện chỉ cần gật đầu của ông lãnh đạo cao nhất thành phố là xong, không cần phải họp hành triền miên.

Đơn cử như chuyện cho phép các quán karaoke hoạt động trở lại sau khi nâng cấp PCCC, hay giảm ngay 2% thuế VAT. Ngay trong dự thảo NQ lần này, TPHCM đề xuất một chuyện thấy không đáng tầm mức, là được sử dụng mái nhà của các cơ quan công sở để lắp đặt hệ thống điện mặt trời nhằm cung cấp điện cho chính trụ sở đó. Không đáng tầm mức nhưng lại không nằm trong tầm quyết của TPHCM.

Do vậy, đã đến lúc phải tính đến một “Chính phủ kiến tạo, địa phương hành động”, tức là Nhà nước và Chính phủ lập hành lang pháp lý, còn tiêu chuẩn kỹ thuật, công cụ kiểm soát phải “phân quyền theo lãnh thổ cho các tỉnh thành” thực hiện trên địa bàn của mình. Đó là quản trị hiện đại mà các nước phát triển đang áp dụng.

Nhìn sang Trung Quốc, một nước có thể chế khá gần với nước ta, nhưng chính nhờ có phân quyền sâu rộng và quyết liệt mà họ có được Thâm Quyến, Chu Hải, Thượng Hải, Quảng Đông. TPHCM không cần "cơi nới" chính sách, mà cần những quyết sách để TPHCM được phát triển hết tiềm năng của nó trên tinh thần “vì cả nước”.

Các tin khác