NH lần lượt công bố lãi lớn
Hiện các NH quy mô lớn chưa công bố báo cáo tài chính quý IV-2023, nhưng lợi nhuận cũng dần được hé lộ qua các báo cáo kết quả kinh doanh sơ bộ. Ở nhóm Big 4, lãnh đạo Vietcombank chia sẻ trong hội nghị tổng kết mới đây, lợi nhuận trước thuế (LNTT) năm 2023 tăng 10,2% so với năm 2022.
Nếu ước tính trên mức LNTT hợp nhất năm 2022 là 37.368 tỷ đồng, nhà băng này sẽ đạt LNTT khoảng 41.200 tỷ đồng và lập thêm kỷ lục mới về lợi nhuận. Tương tự, theo công bố của BIDV, LNTT hợp nhất năm 2023 đạt trên 27.400 tỷ đồng. Còn tại VietinBank, NH này đã đặt mục tiêu lợi nhuận riêng lẻ trước thuế ở mức 22.500 tỷ đồng, và lãnh đạo NH cho biết vượt mục tiêu kế hoạch đại hội đồng cổ đông giao trong năm 2023.
Nhiều NHTMCP cũng củng cố vị thế tại “câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ đồng”. Cụ thể, NHTMCP Quân đội (MBB) cho biết LNTT hợp nhất sơ bộ cả năm 2023 đạt 26.200 tỷ đồng, tăng 15% so với 2022. Tính riêng, NH mẹ đạt 24.688 tỷ đồng, tăng 22% so với 2022.
DN và NH là mối quan hệ cộng sinh, khi DN ăn nên làm ra NH cũng phát triển, nay DN khó khăn NH cũng nên chia sẻ để nuôi dưỡng nguồn thu.
Techcombank cũng công bố kết quả kinh doanh sơ bộ với LNTT 22.900 tỷ đồng, vượt so với kế hoạch đề ra 22.000 tỷ đồng. VIB tiếp tục điền tên vào danh này khi kết thúc năm 2023 LNTT đạt hơn 10.700 tỷ đồng.
Dự báo SHB và VPBank cũng sẽ nằm trong nhóm này, vì kết thúc quý III-2023 các nhà băng này đều đã ghi nhận lợi nhuận trên 8.000 tỷ đồng. Ngoài ra, LNTT quý IV-2023 của LPBank tăng 287% so với cùng kỳ, đạt 3.353 tỷ đồng, lũy kế cả năm đạt 7.039 tỷ đồng, tăng 24%. Sacombank báo lãi tăng 50% so với 2022, LNTT hợp nhất ước đạt hơn 9.500 tỷ đồng…
Bức tranh 2 gam màu đối lập
Năm 2023, tăng trưởng GDP ước tính tăng 5,05% so với năm trước, thấp hơn so với mục tiêu đề ra. Điều này đến từ việc sụt giảm đơn đặt hàng xuất khẩu, lãi suất cho vay cao trong 6 tháng đầu năm 2023, sự suy giảm niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN) và sự trì trệ của thị trường BĐS. Trong bối cảnh này, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN gặp không ít khó khăn.
Công bố bảng xếp hạng VNR500 (Top 500 DN lớn nhất Việt Nam) năm 2023, CTCP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), cho biết tỷ lệ DN ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuận chiếm chưa đầy 5%. Ngược lại, tỷ lệ DN ghi nhận sự giảm sút về đơn hàng, doanh thu, lợi nhuận đều gia tăng rõ rệt so với trước.
Hay các báo cáo tài chính được công bố đến 25-1-2024, đã có trên 130 DN báo lỗ quý IV-2023. Số liệu từ HoSE cho biết, trong năm 2023 sàn này chỉ niêm yết mới 4 cổ phiếu, trong khi có 11 mã cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc với khối lượng 1,3 tỷ cổ phiếu.
Sàn HNX chỉ có 4 cổ phiếu niêm yết mới trong khi hủy niêm yết tới 17 mã. Ngoài lý do vi phạm công bố thông tin, hàng loạt DN phải hủy niêm yết bắt buộc do kết quả kinh doanh thua lỗ liên tục.
Thị trường, DN và cả nền kinh tế khó khăn, song ở chiều ngược lại các NH vẫn lãi lớn. Ở thời điểm này, các chuyên gia phân tích, nhiều NH vẫn tích trữ được lợi nhuận lớn trong năm 2023 do mặt bằng lãi suất huy động giảm mạnh (trung bình 2,5-3%). Nhờ đó, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) toàn ngành chỉ giảm nhẹ xuống mức 3,2% trong quý IV-2023, cao hơn so với mặt bằng 2020-2021.
Đi vào chi tiết, bất chấp lãi suất huy động thấp, lượng tiền gửi vào hệ thống NH của cư dân và các tổ chức kinh tế vẫn tăng thêm 1,68 triệu tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 14,2%, đưa tổng tiền gửi lên mức cao nhất trong lịch sử ngành NH hơn 13,5 triệu tỷ đồng.
Trong đó, lãi suất huy động giảm sâu trong quý IV-2023, giúp các nhà băng có được lượng lớn vốn rẻ, chi phí vốn đầu vào giảm mạnh. Ngược lại, tác động của chính sách nới lỏng tiền tệ chưa thật sự rõ nét trong năm 2023 do DN gặp khó khăn về đầu ra, các kênh tài sản và đầu tư chưa thực sự hấp dẫn, đã dẫn đến lãi suất cho vay giảm chậm hơn và mức độ giảm tùy thuộc vào độ rủi ro của khách hàng.
Vì vậy, hệ số NIM của một số khoản vay, một số khách hàng cũng cao hơn so với bình quân, là nguồn giúp các NH cải thiện lãi.
Ngoài ra, một chi tiết khác cũng cho thấy các NH vẫn có nền tảng để tăng thu nhập lãi trong năm 2023, đó là tăng trưởng tín dụng dành cho nhà phát triển BĐS vẫn rất lớn. Trong báo cáo về thị trường nhà ở và BĐS năm 2023 công bố ngày 12-1-2024, Bộ Xây dựng dẫn số liệu từ NHNN, cho biết dư nợ cho vay với hoạt động kinh doanh BĐS đến hết tháng 11-2023 đạt khoảng 1,022 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 27% so với cùng kỳ 2022.
Dễ thấy với nhóm này, dù lãi suất huy động giảm sâu nhưng lãi suất cho vay khó có thể rẻ. Điều này được các NH giải thích lãi suất cho vay cao do còn tồn một lượng nhất định vốn huy động lãi suất cao trước đây và nợ xấu tiềm ẩn có nguy cơ tăng, nên phải neo lãi suất cao (nhất là lãi vay mua nhà, mua xe) để phòng ngừa nợ xấu. Hoặc không phải NH không hỗ trợ DN mà do vướng mắc từ các DN như không đủ điều kiện vay vốn, nợ xấu, sử dụng vốn không mục đích, phương án đi vay không hiệu quả…
Hiện tại, DN đã quá khó khăn, nền kinh tế đang cần trợ lực để phục hồi. Vậy nên các NH quy mô lớn, chiếm thị phần tín dụng cao trong hệ thống vẫn duy trì được lãi lớn, có lẽ cần có sự đồng cảm hơn, không nên “khoanh tay” nhìn DN ngày càng yếu đi vì lãi suất cao, mà cần mạnh tay giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cộng đồng DN trong năm 2024.
Bởi lẽ, câu chuyện nền kinh tế và DN gặp nhiều khó khăn nhưng các NH vẫn lãi lớn liên tiếp, đã từng được đặt ra chất vấn các năm gần đây.