Có dầu thô, có nhà máy lọc, vẫn thiếu xăng?
Đó là nghịch lý gây bức xúc dư luận suốt mấy tháng nay, khi giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao. Giá xăng trong nước đang ở mức gần 30.000 đồng/lít sau 7 lần tăng giá liên tiếp. Mỗi lần xăng chuẩn bị tăng giá là tình trạng khan hiếm xảy ra trên diện rộng. Nhiều cửa hàng xăng treo biển hết hàng, hoặc bán định mức.
Xăng dầu tăng cũng khiến cho hàng loạt tàu cá nằm bờ vì ra khơi cầm chắc lỗ. Trên thị trường, hàng hóa tiêu dùng, cước vận tải đều được điều chỉnh theo mức giá mới. Đáng nói, tình cảnh này xảy ra khi VN có nguồn dầu thô, có 2 nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất, chiếm tới khoảng 70% thị phần xăng dầu trong nước. Thế nhưng, cuối năm 2021, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất vì vấn đề tài chính, dẫn đến nguồn cung bị thiết hụt. Đây cũng chính là khởi nguồn cho tình trạng khan hiếm xăng dầu kéo dài cho đến hiện nay.
Tại cuộc họp với PVN mới đây, đặt vấn đề về tình trạng phải nhập khẩu dầu thô để lọc hóa trong khi lại xuất khẩu dầu thô, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các bộ, ngành có biện pháp tháo gỡ vướng mắc này, “dứt khoát phải đổi mới, nếu vướng ở cơ chế, chính sách thì sửa cơ chế, chính sách”.
Theo Phó thủ tướng, hiện giá dầu thô đang ở mức cao trong khi VN vẫn đang xuất khẩu phần lớn dầu thô, nhưng lại phải nhập khẩu chủng loại khác để chế biến, và tổng công suất của cả hai nhà máy lọc dầu cũng chỉ đáp ứng 70% nhu cầu thị trường trong nước.
“Trữ lượng dầu khí của nước ta đứng thứ 26 thế giới (khoảng 1,5 tỉ m3), nhưng sản lượng khai thác hiện nay chỉ đứng thứ 34 thế giới. Như vậy, tốc độ hiện thực hóa tiềm năng dầu khí chưa cao. Vì vậy, cần phải đưa được nguồn tài nguyên này vào phục vụ nền kinh tế hiệu quả nhất, phải chế biến sâu hiệu quả nhất”, Phó thủ tướng chỉ ra và nhấn mạnh: “Không thể có chuyện trong cùng tập đoàn mà vừa khai thác, xuất khẩu dầu thô, trong khi đơn vị khác lại phải đi nhập khẩu dầu thô để chế biến”.
Do đó, Phó thủ tướng yêu cầu PVN khẩn trương đầu tư xây dựng dự án tại Khu công nghiệp Long Sơn để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu xăng dầu trong nước.
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang nhập khẩu dầu trong khi VN xuất khẩu dầu thô cũng là vấn đề gây chú ý |
Từ đầu xác định dùng dầu loại khác?
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy năm 2021, VN xuất khẩu hơn 3,1 triệu tấn dầu thô, với giá trị xuất khẩu là trên 1,76 tỉ USD. Song cũng trong năm này, chúng ta nhập khẩu hơn 9,9 triệu tấn dầu thô với giá trị nhập khẩu là trên 5,15 tỉ USD. Lượng dầu thô nhập khẩu chủ yếu phục vụ cho 2 nhà máy lọc hóa dầu là Nghi Sơn và Dung Quất.
Theo tìm hiểu, dù Nhà máy lọc dầu Dung Quất có công suất lọc 6,5 triệu tấn dầu thô mỗi năm, trong khi sản lượng dầu PVN khai thác hằng năm hơn 10 triệu tấn, song nhà máy này vẫn nhập khẩu khoảng 20% nhu cầu dầu thô về để chế biến.
Một cán bộ thuộc PVN thừa nhận trong 5 năm lại đây, lượng nhập khẩu dầu thô của Nhà máy Dung Quất trung bình khoảng 20% năm, còn lại 80% là từ nguồn trong nước. “Mấy năm gần đây, việc thăm dò, khai thác dầu của PVN khó khăn hơn, nếu cứ phải phụ thuộc vào một nguồn trong nước thì nhà máy rất dễ bị động”, vị này phân tích.
Trong “kế hoạch xuất khẩu than” năm nay, Tập đoàn than khoáng sản được xuất khẩu tối đa 2 triệu tấn, gồm 800.000 tấn than cám loại 1, 2, 3 và than cục là 1,2 triệu tấn. Còn Tổng công ty Đông Bắc được xuất tối đa 30.000 tấn than cục.
Lãnh đạo Nhà máy Dung Quất cũng chia sẻ khi thị trường thuận lợi thì việc vừa mua trong nước lẫn thế giới là bình thường. Song trong bối cảnh khủng hoảng nguồn cung hiện nay, Nhà máy Dung Quất không phải lúc nào muốn mua là có ngay nên đã thảo luận với tập đoàn về việc có cơ chế ưu tiên cho nhà máy mua dầu trong nước, nhằm làm sao tối ưu việc sử dụng nguồn tài nguyên trong nước.
“Cũng như giống như than đá có loại trong nước dùng không hết thì ta xuất khẩu, bán được giá. Còn than dùng cho nhiệt điện thì vẫn nhập, tức là vừa xuất vừa nhập vẫn bình thường. Vấn đề là làm sao tăng chế biến sâu cho hiệu quả, cho nên Dung Quất đang có kế hoạch nâng cấp để tăng chế biến sâu cũng như nâng công suất nhằm tận dụng nguồn dầu trong nước là vì vậy”, vị này so sánh.
Chuyên gia kinh tế Ngô Văn Tuyển cũng nhấn mạnh khai thác dầu thô của VN 5 năm qua đều dao động quanh ngưỡng hơn 10 triệu tấn/năm. Trong khi công suất của Nhà máy lọc dầu Dung Quất là 6,5 triệu tấn dầu thô/năm còn Lọc hóa dầu Nghi Sơn dù công suất 10 triệu tấn/năm, nhưng từ đầu xác định dùng dầu nhập khẩu loại khác thì “ta xuất khẩu dầu thô là đương nhiên”.
TS Bùi Đức Thụ, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho biết vấn đề sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên là đề bài rất lớn và Quốc hội luôn đặt ra cho Chính phủ. Tuy nhiên, tính kinh tế và kỹ thuật cũng cần được phân tích một cách kỹ lưỡng.
“Ví dụ tôi biết từ chỗ thiết kế ban đầu là Nhà máy Dung Quất dùng dầu mỏ Bạch Hổ, nhưng trong bối cảnh nguồn từ mỏ này giảm nhanh thì nhà máy đã cải tiến kỹ thuật để lọc thêm một số chủng dầu ngọt tương tự. Nhưng cũng chỉ là thêm 2 - 3 loại chứ không thể quá nhiều loại vì như thế sẽ rất tốn kém cho đầu tư. Hay việc lọc các loại dầu nặng, nhiều lưu huỳnh còn đi kèm câu chuyện đầu tư xử lý môi trường”, ông Thụ nói.
Trong khi đó, phân tích về việc xuất và nhập trong bối cảnh hiện tại, ông Thụ cho hay do tính chất các chủ thể kinh tế khác nhau chứ không phải “hoàn toàn chỉ là PVN” nên rất khó để rạch ròi. “Bên khai thác cũng là liên danh với nước ngoài theo các cam kết chứ không đơn thuần chỉ phía VN. Còn bên nhập ngay như Dung Quất cũng là công ty cổ phần nên việc mua bán cũng có quy định”, ông Thụ nói.
Theo nhu cầu của nền kinh tế
Lấy biểu đồ của ngành dầu khí, ông Tuyển cho hay năm 2013 là năm Nhà máy Dung Quất nhập khẩu nhiều nhất, còn từ năm 2015 đến nay thì lượng nhập chiếm tỷ lệ nhỏ hơn.
“Trong cơ chế thị trường kinh doanh dầu thô, nếu bán được lúc giá cao và mua lại được lúc giá tốt thì cứ luôn là tốt. Hoặc là lúc dư thừa mà không sử dụng được thì phải bán đi. Hoặc là việc khai thác có trục trặc không đủ sản lượng cần thiết thì phải mua vào”, ông Tuyển nói.
Tương tự, với ngành than, Bộ Công thương cho hay năm 2021 xuất khẩu than của VN đạt 1,9 triệu tấn (vượt gần 4% kế hoạch năm). Ở chiều ngược lại, năm ngoái VN cũng nhập khẩu gần 1,4 triệu tấn, chỉ đạt 36,5% kế hoạch năm bởi các nhà máy điện than bị giảm huy động, nhường chỗ cho năng lượng tái tạo tăng nhanh.
Ngày 14.3, TS Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia năng lượng, cũng khẳng định hằng năm, Chính phủ, Bộ Công thương đều có chủ trương chấp thuận cho 2 doanh nghiệp nhà nước được xuất khẩu than, với sản lượng từ 1 - 2 triệu tấn trong khi Tập đoàn điện lực VN (EVN) và các nhà máy điện vẫn nhập nhiều.
“Việc xuất - nhập là theo nhu cầu của nền kinh tế, của các ngành kinh tế và giá cả để làm sao cho hiệu quả. Ví dụ ta nhiệt điện nhiều, mà nhiệt điện thì lò hơi cao, cần những loại than đốt phải có ngọn lửa bốc. Trong khi than của mình thì thành phần chất bốc thấp, thành phần carbon nhiều hơn nên khó đốt, song đó lại là than tốt, nhiệt lượng cao. Cho nên khi bán than đó thì giá cao hơn, dùng cho luyện thép, còn than cho điện ta có thể nhập với giá rẻ hơn. Chỉ khi nào cùng một loại mà ta xuất thấp, còn doanh nghiệp trong nước phải nhập cao hay xuất đi chủng loại khiến sản xuất trong nước thiếu nguyên liệu thì mới có vấn đề”, ông Sơn phân tích.
Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia, trong khi trữ lượng của than không thể tái tạo. Ngành than cũng bất cập trong việc cân đối cung cầu, nên mới xảy ra chuyện vừa xuất khẩu vừa nhập khẩu.