Ngỡ ngàng với doanh thu 16.000 tỷ đồng, lãi 16,5 tỷ đồng của Lộc Trời

(ĐTTCO) - Năm 2023, CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) ghi nhận mức doanh thu cao nhất trong lịch sử, với hơn 16.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số khiến cho nhà đầu tư (NĐT) bất ngờ đó là lợi nhuận sau thuế chỉ 16,5 tỷ đồng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Ngỡ ngàng với doanh thu 16.000 tỷ đồng, lãi 16,5 tỷ đồng của Lộc Trời

Thoát lỗ trong “gang tấc”

Dù ghi nhận doanh thu cao kỷ lục, nhưng LTG lại rơi vào tình cảnh “trớ trêu” khi lợi nhuận suýt ghi nhận con số âm. Theo báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất kiểm toán năm 2023, LTG ghi nhận lợi nhuận sau thuế 16,5 tỷ đồng, giảm tới 93,8% so với báo cáo tự lập là 265 tỷ đồng.

Như vậy, nếu so với kết quả kinh doanh năm 2022, lợi nhuận năm 2023 của LTG giảm đến 96%. Đây cũng là khoản lợi nhuận thấp nhất của doanh nghiệp này được ghi nhận kể từ khi niêm yết cổ phiếu trên sàn UPCoM. Ở các năm trước, LTG đều ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế hàng trăm tỷ đồng.

Theo giải trình của tập đoàn này, lợi nhuận sau kiểm toán giảm tới gần 249 tỷ đồng xuất phát từ hàng loạt nguyên nhân. Đầu tiên là các khoản giảm trừ doanh thu giảm 19,4 tỷ đồng và giá vốn hàng bán tăng 15,8 tỷ đồng, do loại trừ phần chiết khấu thương mại và giá vốn từ các giao dịch bán hàng trong nội bộ tập đoàn, chưa được phản ánh phù hợp trong BCTC tự lập.

Nguyên nhân thứ 2 là lợi nhuận từ công ty liên kết giảm 315 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 77 tỷ đồng sau kiểm toán, đã giúp LTG thoát lỗ trong năm 2023.

Lợi nhuận thấp vì lý do khách quan?

LTG có lĩnh vực hoạt động chính là sản xuất thuốc bảo vệ cây trồng, kinh doanh hóa chất, hạt giống, bao bì giấy và chế biến gạo phục vụ xuất khẩu. Tập đoàn này hiện chiếm hơn 20% thị phần thuốc bảo vệ thực vật, và là nhà phân phối hạt giống lớn thứ 2 tại Việt Nam.

LTG cũng nằm trong số ít các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo trực tiếp sang các thị trường khó tính như châu Âu và Nhật Bản. Do vậy lương thực là mảng đóng góp chính cho doanh thu, còn mảng thuốc bảo vệ thực vật là mảng mang lại lợi nhuận chính cho LTG.

Theo đại diện LTG cho biết, mức tăng trưởng này đến từ sự đóng góp chủ yếu của ngành lương thực với hơn 11.000 tỷ đồng, chiếm 70% tổng doanh thu (so với mức 55% tổng doanh thu của ngành lương thực năm 2022). Tuy nhiên, do đặc thù của ngành lương thực là biên lợi nhuận gộp luôn ở mức thấp, chỉ từ 2-3%, trong khi đó tỷ lệ đóng góp vào doanh thu cao nhất đã kéo theo sự sụt giảm về biên lợi nhuận.

Dù biên lợi nhuận gộp mỏng, nhưng ngành lương thực là chất dẫn để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ bền vững, là nền tảng để cho các ngành khác trong chuỗi có thể phát triển và bền vững.

Một lý do khiến cho mảng kinh doanh lương thực đi xuống được đại diện LTG “đổ lỗi”, đó là những bất ổn về địa chính trị toàn cầu. Theo LTG, năm 2023, tình trạng bất ổn về chính trị tại nhiều quốc gia trên thế giới dẫn đến sự bất ổn về kinh tế, sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, gây ra lo ngại về an ninh lương thực trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, tỷ giá hối đoái và lãi suất biến động liên tục khiến các doanh nghiệp chịu thêm nhiều áp lực. Từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, cùng với lệnh cấm xuất khẩu của Chính phủ Ấn Độ áp dụng lập tức từ ngày 20-7-2023, giá lúa tươi tại Việt Nam tăng phi mã, cao điểm lên tới trên 10.000 đồng/kg lúa (tăng gần 50% so với giá từ tháng 6-2023), khiến hầu hết các doanh nghiệp lúa gạo đều lao đao do ký hợp đồng xuất khẩu trước.

Thêm vào đó, ảnh hưởng nặng nề bởi El Nino khiến thời tiết khô hạn, ít dịch bệnh, các công ty vật tư nông nghiệp không thể phát huy thế mạnh của mình.

Khó thuyết phục NĐT

Những lý do LTG đưa ra vấp phải nhiều phản ứng từ giới đầu tư, đặc biệt là các cổ đông đang nắm giữ cổ phiếu LTG. Bởi trước đó, tại thời điểm quý IV-2023, khi giá gạo xuất khẩu vẫn đang ở mức cao, nhiều chuyên gia nhận định đây là cơ hội của LTG.

Đơn cử là nhận định từ Công ty Chứng khoán DSC (DSC), doanh thu từ mảng lương thực của LTG dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến đầu năm 2024, nhờ được hưởng lợi từ giá gạo tăng cao và thu hoạch vụ Đông Xuân. Rồi hiện tượng El Nino được dự báo sẽ tiếp tục, khiến cho lượng mưa giảm và nhiệt độ tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng của các quốc gia sản xuất lương thực.

Giá lúa gạo theo đó sẽ vẫn neo cao trong bối cảnh một số quốc gia tiếp tục gia hạn lệnh hạn chế xuất khẩu gạo khiến cho nguồn cung thiếu hụt. Đây là những yếu tố ủng hộ cho LTG để tiếp tục đạt được các hợp đồng xuất khẩu gạo lớn.

Dù vậy, DSC cũng chỉ ra rủi ro LTG đang đối mặt, đó là gánh nặng lãi vay. Theo DSC, trong khi mảng kinh doanh lúa gạo chưa thực sự mang lại hiệu quả với biên lợi nhuận còn mỏng, các mảng kinh doanh còn lại bị thu hẹp, việc đẩy mạnh vay nợ để thúc đẩy mảng lúa gạo đang trở thành “con dao 2 lưỡi” ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của LTG.

Thực tế, rủi ro nợ vay cũng được lãnh đạo LTG thừa nhận trong giải trình mới đây. Theo đại diện LTG, việc lợi nhuận trước thuế giảm hơn 400 tỷ đồng so với năm 2022 do chi phí tài chính tăng cao, đặc biệt chi phí lãi vay lên tới 582 tỷ đồng trong năm 2023 (bằng 2,5 lần mức chi năm 2022).

Nguyên nhân chính do LTG hoạt động trong ngành nông nghiệp theo mùa vụ, nên phải duy trì cơ cấu vốn chủ yếu bằng nguồn nợ ngắn hạn để tài trợ cho các hoạt động thu mua lúa, tỷ trọng nợ dài hạn chiếm rất nhỏ.

Đáng nói, dù đang chịu áp lực lãi vay, nhưng tại cuộc họp ĐHCĐ gần nhất, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc LTG, cho biết nếu có thêm một khoản vốn lớn để đầu tư vào các nhà máy chế biến sâu như chế biến dầu ăn, bột gạo, sản xuất gas… biên lợi nhuận từ các sản phẩm gạo mới có thể tăng lên.

Ngoài gánh nặng lãi vay, LTG còn đối mặt với rủi ro từ các khoản nợ khó đòi tăng gấp 3 trong năm 2023, đạt mức trên 1.000 tỷ đồng. Do đó, LTG phải trích lập dự phòng 564 tỷ đồng cho các khoản nợ khó đòi nói trên.

Các tin khác