Ngôi nhà chung văn hóa dân tộc

(ĐTTCO) - Vừa biểu diễn nghệ thuật truyền thống, vừa đảm nhiệm vai trò hướng dẫn giới thiệu về văn hóa của dân tộc mình tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, những nghệ nhân, đại diện đồng bào các dân tộc đến từ nhiều vùng miền sinh sống cảm thấy sự gắn bó với “ngôi nhà chung” này bởi sự thân thiết, tình làng nghĩa xóm đặc biệt nơi này. 

Mang đặc sản dân tộc xuống núi
Làng Văn hóa - Du lịch các Dân tộc Việt Nam được quy hoạch nhằm tái hiện những giá trị văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam. Đây là điểm tham quan lý tưởng cho mọi người trong nước cũng như khách du lịch quốc tế và là biểu tượng sinh động để các nước trên thế giới hiểu được chính sách dân tộc của Việt Nam, đáp ứng các nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh, hoạt động thể thao, dưỡng sinh, văn nghệ của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Khu các làng dân tộc được xây dựng thành quần thể tái hiện các cấu trúc làng, bản của các dân tộc Việt Nam với quy hoạch và kiến trúc dân gian nhằm giới thiệu, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Khu các làng dân tộc có 4 cụm làng tương ứng với các vùng miền mà các dân tộc cư trú.
Từ những ngày đầu khi làng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam mới đi vào hoạt động, những nghệ nhân HTX Vọng Ngàn (tỉnh Hòa Bình) đã mang khung dệt, sợi chỉ, đồ thổ cẩm, hiện vật quý gia truyền như cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống, trang phục… xuống Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì, Hà Nội. Có sự hiện hữu của con người, không gian dân tộc Mường như được “thổi hồn”.
Bếp đã đỏ lửa, những chõ xôi bắc cao vẫn tỏa đều mùi nếp nương thơm ngọt, rượu cần vẫn đợi khách giữa nhà. Du khách phương Nam cũng không cần lên Tây Bắc xa xôi đã có thể biết được hương vị của mắc khén, chẳm chéo, cá nướng… thơm ngon đúng điệu. Còn những người con của xứ Mường giờ đã không còn phải chiều chiều ngóng về quê hương mà yên tâm dệt vải, thêu khăn, làm những mặt hàng thủ công để giới thiệu và bán cho du khách. 
Cách đó không xa, chủ nhân của ngôi nhà Thái giờ cũng tất bật với những công việc giới thiệu văn hóa truyền thống, tổ chức các chương trình trải nghiệm cho du khách, đặc biệt là chuẩn bị những món ăn đặc trưng để mời khách khi tới nhà. Kể từ khi các hoạt động hàng ngày, cuối tuần của đồng bào các dân tộc được duy trì đều đặn tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, nhiều du khách đã biết tới những món ăn đặc trưng của đồng bào Thái, đồng bào Mường.
Điều quan trọng nhất, theo những người phụ nữ Thái, cách nấu dân dã như hàng ngày họ vẫn nấu, nguyên liệu và gia vị đều được mang từ quê hương lên nên đúng vị, mang lại cho du khách cảm giác đang ngồi thưởng thức ngay tại miền núi Con Cuông của xứ Nghệ. Anh Nguyễn Văn Thuật (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, lần nào anh đưa gia đình hay bạn bè lên Làng Văn hóa đều đặt cơm tại đây, để được thưởng thức những đặc sản như thịt gác bếp, lạp xường, cá đồ hoa chuối, cá nướng, xôi bảy màu… dưới nếp nhà sàn. 
Bên nhà dài truyền thống của người Ê Đê là một quán hàng nho nhỏ mà chị H’Nư Niê cùng với những nghệ nhân đến từ Đắc Lắk mở thêm để kinh doanh cà phê, bán hàng thủ công và nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Chị H’Nư Niê chia sẻ, cà phê được lấy từ nương rẫy của gia đình, tự hái, tự rang xay rồi chuyển ra ngoài này để mọi người bán cho du khách, vừa tăng thêm thu nhập vừa giới thiệu đặc sản của Tây nguyên. Khách đến đây đông nhất là học sinh, đi theo đoàn để tìm hiểu về đặc trưng văn hóa, dân ca dân vũ, nghề dệt thủ công… Nhưng cũng có những người đến chỉ để được xem cách rang xay, pha cà phê, rồi thưởng thức ly cà phê đậm đà trong không gian yên bình cuối tuần. 
Ngôi nhà chung văn hóa dân tộc ảnh 1 Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là nơi lưu giữ những phong tục tập quán truyền thống của 54 dân tộc anh em. 
Bên cạnh những sản vật của quê hương, các nghệ nhân còn giới thiệu những chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ… nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

“Là ngôi nhà thứ hai của mình”
Từ tháng 9-2015, đại diện dân tộc Mường, cùng với đồng bào Thái, Ê Đê, Khơ Mú, Khmer, Tày, Dao, Ba Na là những người đầu tiên thực hiện chủ trương tổ chức các hoạt động trải nghiệm hàng ngày tại Làng Văn hóa thay vì được huy động tham gia các sự kiện, chương trình như trước đó. Sau đó là tới đại diện dân tộc RagLai, Tà Ôi, Cơ Tu… chuyển về sinh sống và làm việc ngay trong những không gian làng văn hóa của cộng đồng mình. Những không gian hoang vắng, có phần trống trải, thiếu hơi người trước kia đã được cải tạo, trồng rau nuôi gà, vườn chè xanh mướt giống như ở quê nhà đã khiến cho mọi người cảm thấy gắn bó hơn với cuộc sống nơi đây. 
Đến từ ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Trần Ðề, Sóc Trăng, gia đình nghệ nhân Khmer Lâm Thị Hương là những thành viên xa nhất trong cộng đồng các dân tộc đang sinh sống tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Không gian văn hóa Khmer tại Làng Văn hóa có chùa Khmer và ngôi nhà sàn truyền thống.
Ông Sơn Đel, người bạn đời của nghệ nhân Lâm Thị Hương chia sẻ, cả gia đình chuyển ra đây sinh sống từ giữa năm 2016. Lạ lẫm với mọi thứ, từ khí hậu bốn mùa mưa nắng thất thường của miền Bắc, lạ cả khi sinh hoạt trong nhà sàn - bởi ngay cả ở Sóc Trăng, nhà sàn truyền thống cũng vắng bóng, cũng chưa quen được với “bà con chòm xóm” trong Làng khiến nỗi nhớ nhà, nhớ quê càng thêm da diết.
Nhưng vì gánh trên vai trọng trách là trưởng đoàn Nghệ thuật Rôbăm Bưng Chông, gia đình nghệ nhân Lâm Thị Hương đã động viên cả gia đình cùng nhau ở lại, trở thành người giới thiệu văn hóa của dân tộc Khmer, nghệ thuật múa Rôbăm truyền thống cho du khách trong và ngoài nước tại “ngôi nhà chung” của các dân tộc này. Cũng giống như những ngày ở quê nhà, khi rảnh rỗi, vợ chồng bà Hương cùng con gái, cháu trai lại cùng nhau làm món cốm dẹp, bánh tét, bánh xèo…mang ra thiết đãi khách quý và bạn bè.
“Bán anh em xa, mua láng giềng gần” là điều mà những người đang sinh sống tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam hiểu hơn ai hết. Chị H Lăk MLô (nghệ nhân người dân tộc Ê Đê, Đắc Lắk) đã có 2 năm ăn Tết tại Làng Văn hóa. Mùa lạnh, mọi người quây quần bên bếp lửa tránh rét. Nhiều người đến từ phương Nam giờ đã quen với cái lạnh buốt cắt da cắt thịt mùa đông, cũng không còn lạ gì với cái “nắng Sơn Tây, mây Ba Vì” khắc nghiệt mùa hè.
Chị MLô nhớ 2 cái Tết vừa qua ở lại đón năm mới cùng mọi người. Cũng vẫn quyến luyến chia tay những gia đình về quê đoàn tụ, rồi các nhà cùng nhau gói bánh chưng, rủ nhau đi chợ Tết, hay sang nhà nhau chúc mừng năm mới. Ai cũng mời nhau món ăn ngon hay chia sẻ vui buồn trong cuộc sống để nguôi ngoai đi nỗi nhớ quê hương bản quán.
Ở lâu thành quen, những người hàng xóm mới đến từ mọi miền Tổ quốc cùng sinh sống tại Làng đã tạo nên một cộng đồng đa dạng và đặc biệt, gắn bó với nhau. Nhưng hơn hết, sự gắn bó này đều xuất phát từ trách nhiệm với cộng đồng dân tộc mình, cùng vượt qua những khó khăn và nỗi nhớ nhà, nhớ quê để có thể tái hiện và quảng bá những nét văn hóa quý báu mà cha ông để lại tới với du khách, để nối gần khoảng cách giữa các vùng miền, các dân tộc mà họ đang đảm nhiệm vai trò là những đại sứ.

Các tin khác