Ùn tắc giao thông chiều về Hà Nội
Từ trưa 2-5, các ngả đường đổ về TP Hà Nội đã đông nghẹt dòng người quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ lễ. Căng thẳng nhất là QL1A, từ khoảng đầu giờ chiều, mật độ phương tiện đã tăng nhanh trên toàn tuyến từ Vinh ra Hà Nội. Trong đó, tình trạng ùn tắc kéo dài diễn ra trên nhiều đoạn, đặc biệt đoạn qua huyện Tam Điệp (Ninh Bình), Hà Trung (Thanh Hóa), Phủ Lý (Hà Nam)...
Tránh ùn tắc trên QL1A, nhiều phương tiện chọn tuyến QL1 để di chuyển nhưng tuyến đường này cũng có mật độ phương tiện cao, ùn tắc kéo dài nhiều đoạn. Tương tự, các tuyến đường từ Hải Phòng, Quảng Ninh về Hà Nội cũng đông nghịt phương tiện, chủ yếu là xe cá nhân đi du lịch.
Đoạn cửa ngõ Hà Nội như cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, đường Vành đai 3 trên cao cũng tắc nghẽn. Nhiều chủ phương tiện phản ánh, thời gian để di chuyển về tới Hà Nội kéo dài gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với ngày thường.
Ùn tắc kéo dài trên đường Vành đai 3, Hà Nội, ngày 2-5
Ảnh: BÍCH QUYÊN
Ảnh: BÍCH QUYÊN
Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong ngày 2-5, tình trạng ùn tắc cũng xảy ra tại khu vực trung tâm TP Hà Nội, TPHCM và các khu vực trung tâm nghỉ dưỡng tại các địa phương như Sầm Sơn (Thanh Hóa), Hạ Long (Quảng Ninh)..., do mật độ phương tiện quá đông, hạ tầng giao thông bị quá tải. Tai nạn giao thông trong ngày giảm 3 vụ , giảm 1 người chết so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, trong ngày đã xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng làm 3 người chết tại Bình Định. Dự kiến trong ngày 3-5, tình trạng ùn tắc giao thông sẽ tiếp tục tái diễn tại các tuyến đường cửa ngõ về TP Hà Nội, TPHCM. Các lực lượng chức năng đã lên phương án tăng cường năng lực, sẵn sàng phân luồng điều tiết giao thông nhằm hạn chế ùn tắc.
Hơn 85.000 lượt hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất
Ngày 2-5, nhiều người dân ở ĐBSCL bắt đầu trở lại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai... để làm việc sau kỳ nghỉ lễ.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, từ hơn 17 giờ ngày 2-5, trên tuyến quốc lộ 1 (đoạn TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) hướng đi TPHCM, hàng ngàn phương tiện nối đuôi nhau, di chuyển khá chậm. Trong khi đó, hướng ngược lại thông thoáng. Riêng khu vực phà Đình Khao (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đến hơn 17 giờ 40 cùng ngày, tình hình giao thông đảm bảo, dù phương tiện có tăng nhiều hơn so với hôm 1-5.
Chiều cùng ngày, lực lượng CSGT 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre phối hợp chặn xe phía Tiền Giang nhằm ưu tiên xe phía Bến Tre qua cầu Rạch Miễu, theo tuyến lên TPHCM và Đông Nam bộ để giải phóng bớt lượng xe ùn ứ. Theo Phòng CSGT Công an tỉnh Bến Tre, dù lượng xe cộ chiều cùng ngày khá đông, nhưng tình hình được kiểm soát, đảm bảo ổn định. Trước đó, Công ty TNHH BOT Cầu Rạch Miễu (Bến Tre) cũng khuyến cáo người dân tránh đi cùng một thời điểm vào các giờ cao điểm từ 14 giờ đến 18 giờ trong ngày 2 và 3-5.
Tại ngã ba An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), lượng lớn phương tiện ô tô, xe tải, xe khách, container cũng đổ dồn về đây để vào cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đi TPHCM gây ùn ứ. Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang, cho biết, chiều 2-5, lượng phương tiện tăng đột biến trở lại, do người dân bắt đầu rời quê lên TPHCM, các tỉnh miền Đông… Do đó, đơn vị đã bố trí lực lượng làm nhiệm vụ 24/24 giờ để phân luồng, điều tiết giao thông đảm bảo an toàn và tránh xảy ra kẹt xe...
Tại tỉnh Long An, trên QL 1 đoạn qua huyện Bến Lức và QL N2..., lực lượng chức năng địa phương vẫn túc trực để điều tiết giao thông nếu xảy ra ùn ứ.
Chiều 2-5, tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều người dân, du khách đã trở lại TPHCM, kết thúc sớm kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 nhằm tránh tình trạng tắc đường, chờ đợi dịch vụ.
Thông tin từ Cảng vụ hàng không miền Nam, trong ngày 2-5, sân bay Tân Sơn Nhất có 627 chuyến bay, với lượng khách đi và đến ước tính trên 85.000 lượt. Để giải quyết tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn cục bộ ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Cảng vụ hàng không miền Nam yêu cầu các hãng hàng không, đơn vị phục vụ mặt đất tăng cường nhân sự hướng dẫn hỗ trợ hành khách, hạn chế tối đa việc hủy chuyến, chậm chuyến...