TPHCM vừa đưa vào thử nghiệm cổng thông tin dữ liệu mở của thành phố tại địa chỉ http://data.hochiminhcity.gov.vn.
Theo ông Võ Minh Thành, Trưởng phòng Công nghệ thông tin (Sở Thông tin và Truyền thông), trước mắt thành phố thử nghiệm cung cấp thông tin về cơ sở khám chữa bệnh và chứng chỉ hành nghề y. Về lâu dài, tại cổng thông tin này sẽ có dữ liệu về nhiều lĩnh vực khác, để cung cấp các thông tin về y tế, giao thông, đầu tư, môi trường, khí hậu…
Cũng theo ông Võ Minh Thành, việc phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở nêu trên cùng với việc xây dựng kho dữ liệu dùng chung là một trong 4 nhiệm vụ trọng tâm của đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh (giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025), đang được tập trung thực hiện.
Bên cạnh phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, TPHCM cũng bắt đầu đưa vào hoạt động Kho dữ liệu dùng chung (tại Công viên phần mềm Quang Trung) giai đoạn 1.
Các cơ sở dữ liệu (CSDL) một cửa điện tử, CSDL khiếu nại tố cáo, CSDL đường dây nóng, CSDL đất đai, CSDL y tế, CSDL về người dân (dân cư, hộ tịch), về doanh nghiệp (đăng ký doanh nghiệp, thuế)… từ các sở/ngành đã được tích hợp về Kho dữ liệu dùng chung.
Thành phố cũng xây dựng các ứng dụng để khai thác các dữ liệu này phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, định hướng chiến lược. Chính quyền TPHCM kỳ vọng, từ việc liên thông, chia sẻ dữ liệu này sẽ rút ngắn thời gian xử lý công việc, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Một nhiệm vụ quan trọng khác của đề án là việc xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh. Theo kế hoạch, trước tiên TP sẽ tích hợp đồng bộ dữ liệu hình ảnh của các hệ thống camera hiện hữu ở một số địa bàn trọng điểm.
Về việc này, UBND TP vừa phê duyệt kế hoạch xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng.
Trước hết, sẽ tích hợp dữ liệu hình ảnh từ camera của Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, Công an TPHCM và hệ thống camera một số quận (dự kiến quận 1, quận 5, Phú Nhuận, quận 12…) về Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (đặt tại Văn phòng UBND TP).
Trung tâm này cũng là nơi tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp, cứu hộ cứu nạn thông qua một đầu số viễn thông; mở rộng Cổng thông tin 1022 thành Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức…
Đặc biệt, trung tâm cũng tổng hợp các nguồn thông tin, dữ liệu quan trọng, giúp giám sát, phân tích đánh giá chất lượng dịch vụ và xây dựng cơ chế, chính sách, định hướng phát triển TPHCM.
Đối với nhiệm vụ xây dựng Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội, TPHCM thành lập Phòng Mô phỏng dự báo kinh tế - xã hội trực thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP (HIDS). Phòng này sẽ phân tích, dự báo và mô phỏng xu hướng phát triển một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội; xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế. Thực tế, một số hoạt động chuyên môn về mô phỏng dự báo đã được thực hiện (cho các năm 2018, 2019, 2020)…
Theo UBND TPHCM, qua một năm triển khai đề án xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh đã có một số sản phẩm cụ thể. Tuy nhiên, việc xây dựng đô thị thông minh là một quá trình liên tục, mang tính chất “mở”, phù hợp với công nghệ hiện đại trong cả tương lai. Điều này đòi hỏi sự chung tay từ các nguồn lực xã hội. Vì vậy, chính quyền TPHCM mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp, hiến kế từ người dân và doanh nghiệp, để triển khai hiệu quả đề án.