Đánh giá có sự chủ quan trong phòng, chống dịch trong khi nguy cơ dịch lây lan vẫn hiện hữu, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, không được để dịch quay trở lại. Đặc biệt với hai trung tâm đô thị lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng chỉ đạo phải đeo khẩu trang nơi công cộng.
Đến ngày 19/10, Việt Nam bước sang ngày thứ 47 liên tiếp không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Như vậy các ổ dịch cơ bản đã được kiểm soát, tuy nhiên, nguy cơ dịch xâm nhập luôn thường trực, đặc biệt khi tăng số lượng các chuyến bay đưa công dân Việt Nam và chuyên gia về nước (trong đó có các chuyến bay thương mại, quốc tế). Ngoài ra, thời gian tới là mùa đông, xuân, điều kiện thời tiết thuận lợi cho một số các bệnh truyền nhiễm phát triển, lây lan. Chính vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các cấp, các ngành không được chủ quan trong mọi trường hợp. Mọi cơ quan, đơn vị, địa phương phải có trách nhiệm cao, kiên quyết không để dịch bệnh quay trở lại.
“Một số khối, một số địa phương phải kiên quyết hơn, như khối trường học, chuyển biến là vần đề cần phải làm rõ, thúc đẩy các biện pháp. Hay Hà Nội đã có chỉ thị nhưng chuyển biến dân cư còn chậm.Trong khi Thành phố Hồ Chí Minh khá hơn về việc đeo khẩu trang. Cho nên phải có nhiều giải pháp, đôn đốc kiểm tra mạnh mẽ. Tôi nói vấn đề đeo khẩu trang, nhưng khẩu trang mua ở đâu, nước khuẩn tay ở đó có sẵn, giá bán rẻ không, thuận lợi cho người dân, cho công nhân, học sinh chứ không phải nói một chiều cần phải đeo khẩu trang, nhưng người dân không có sẵn thì sao. Cái đó phải sẵn sàng. Với tình hình dịch bệnh nguy cơ luôn thường trực cho nên Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương một lần nữa nhận rõ nguy cơ bệnh tật, không lơ là mất cảnh giác. Cần nghiêm túc triên rkhai các hoạt động phòng, chống dịch, không để dịch lây lan, bùng phát trở lại, trong đó có việc quản lý chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương phối hợp với Bộ Y tế rà soát, chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, phương án ứng phó với dịch bệnh; thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn, giao ban, diễn tập để chủ động chuẩn bị cho các tình huống xấu xảy ra, trên tinh thần thần tốc, thần tốc hơn nữa để khoanh lại, không để lây lan rộng ra cộng đồng. Đặc biệt với hai trung tâm đô thị lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải đeo khẩu trang nơi công cộng:
“Hôm nay chúng tôi quyết định chủ trương là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải đeo khẩu trang ở đám đông, ra ngoài đường phố, ở khu vực công cộng. Tất cả các địa phương đều phải được phổ biến thông tin cần thiết phòng chống dịch thêm một lần nữa, trước hết khi đi ra ngoài đeo khẩu trang như thế nào, rửa tay sát khuẩn khi tiếp xúc như thế nào. 5K nhưng 2K đầu tiên là quan trọng, dễ vận dụng mà trước hết là Hà Nội. Hai trung tâm lớn nhất nếu để xảy ra lây nhiễm là rất khó ngăn chặn. Thành phố Hồ Chí Minh bước đầu các đồng chí đã triển khai tích cực, nhưng Thành phố Hà Nội các đồng chí phải chỉ đạo mạnh mẽ hơn. Các đồng chí phải chuẩn bị tinh thần này để thúc đẩy đeo khẩu trang ở Thành phố Hà Nội để đảm bảo cảnh giác”, Thủ tướng chỉ đạo.
Tại cuộc họp này, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid 19 cũng thông tin về công tác triển khai “Bản đồ chung sống an toàn với dịch Covid-19” (www.antoancovid.vn) nhằm kiểm soát dịch bệnh trên quy mô toàn quốc. Trước mắt, bản đồ triển khai tại các cơ sở y tế và giáo dục. Hiện, toàn quốc đã có 1.500 bệnh viện, 6.400 khách sạn, 147 Trung tâm cách ly của Quân đội đã được đưa trên hệ thống, ngoài ra Hải phòng cũng có 1.158 trường học tham gia.