Dân kêu trời vì bị cô lập
Bàn giao hơn 3.000 m2 đất ở xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè cho Nhà nước, nơi chôn nhau cắt rốn, để xây dựng mặt bằng tuyến lưới điện cho tuyến đường sắt trên cao của thành phố, gia đình ông Ngô Ngọc Mẫn dời về sinh sống ở khu tái định cư 28 hecta Nhơn Đức (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) cách đó gần 5km.
Cứ tưởng đây sẽ là nơi an cư lạc nghiệp với những hộ gia đình nhường đất làm dự án nhưng thực tế 2 năm cư ngụ ở đây cũng là khoảng thời gian gia đình ông Mẫn và các hộ dân sống trong cảnh bất an, bởi ngập nước, triều cường triền miên.
“Khu này nước ngập và heo hút, cỏ mọc um tùm. Người ta về đây chỉ muốn an cư lạc nghiệp, an toàn. Vừa rồi có tủ điện bị nổ, khi nước ngập thì phải chạy ra coi thử có dám lội nước đi ra không. Ở đây có con nít, lỡ điện rò rỉ thì sao? Di dời gia đình tôi hết chỗ chạy thì đành về đây thôi”, ông Mẫn bức xúc.
Dự án khu dân cư 28 hecta Nhơn Đức triển khai từ năm 2013, do Công ty Dịch vụ Công ích Nhà Bè TP.HCM làm đầu tư dự án và thực hiện đầu tư hạ tầng, có sự liên doanh với Công ty Cổ phần Địa ốc Chợ Lớn và Công ty Cổ phần phát triển nhà Bắc Trung Nam.
Trong số 28 hecta của dự án, có gần 3 hecta với 337 nền đất được dành mục đích tái định cư; phần còn lại dành xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại. Thực tế qua 6 năm đi vào hoạt động, Khu dân cư 28 hecta Nhơn Đức chỉ lác đác hơn chục gia đình. Hạ tầng thiếu sự quan tâm chăm sóc khiến nơi đây biến thành bãi tập kết rác dân sinh bốc mùi hôi thối, cỏ mọc um tùm...
Tình trạng ngập úng thường xuyên khiến đường sá xuống cấp, lộ ra nhiều hố sâu đe dọa người đi đường. Chưa kể cỏ mọc um tùm nhếch nhác tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm khác.
“Lau sậy mọc um rất cao mà rắn rết nữa. Hôm bữa có rắn bò vào vắt ngang nhà, rồi những hôm nước ngập gần đây có mấy em trường tiểu học, trung học vào đây chơi đi học về lại vào đây chơi lỡ mà có chuyện gì thì không biết làm thế nào”, bà Đặng Ngọc Thủy, một hộ dân ở đây lo lắng.
Các hộ dân đã nhiều lần gửi kiến nghị lên chính quyền địa phương, song tình trạng này vẫn chưa được giải quyết. Chính vì vậy, nhiều hộ dân tái định cư đã bỏ đi nơi khác thuê nhà. Số khác đang được thuyết phục di dời bố trí về đây ở cũng không mấy mặn mà...
“Nhà nước đền bù vào đây thì thôi chúng tôi cũng chấp nhận. Nhưng mà yêu cầu nâng con đường này lên để bà con đi tới đi lui cho thuận tiện. Chứ cuộc sống lỡ một ngày có hủ sự thì nước ngập cô lập vậy sao ra vô được. Có chuyện gì thì ai chịu trách nhiệm? Chỉ có dân là phải chịu đựng”, anh Trần Văn Nam, một hộ dân tái định cư chia sẻ.
Chủ đầu tư nói gì?
Theo ông Trương Văn Nhân, Giám đốc Công ty Dịch vụ Công ích Nhà Bè TP.HCM, thực tế khi hình thành dự án không có tình trạng nước ngập. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa nhanh, dự án khu dân cư 28 hecta Nhơn Đức lại nằm trên nền đất trũng ở khu Nam thành phố bị sụt lún nên đã xuất hiện tình trạng bị triều cường tác động.
Chính quyền địa phương và ngành chức năng có giải pháp cấp bách chống ngập cho khu dân cư, song chủ đầu tư đang gặp không ít khó khăn, nhất là vấn đề về tài chính.
Về phản ánh của người dân, ông Nhân cho biết, chủ đầu tư cam kết sẽ khẩn trương xử lý sớm vấn đề này. Trong đó, sẽ tập trung sửa chữa mặt đường những chỗ xuất hiện “hố tử thần”; di dời bãi tập kết rác thải trong khu dân cư; phối hợp với phía điện lực kiểm tra lại toàn bộ hệ thống trụ điện, tủ điện ngầm hóa lẫn lộ thiên tại khu vực này.
Công ty Dịch vụ Công ích Nhà Bè cam kết sẽ có những giải pháp hiệu quả hơn trong thời gian tới để sớm ổn định cuộc sống của người dân.
“Hiện khu này độ dốc hơi lớn, nên ngập nhiều chúng tôi cũng đã khảo sát, thực sự 3 đến 5 tỷ thì có thể làm ngay. Tuy nhiên, để khắc phục triệt để thì ước khoảng gần cả trăm tỷ. Theo đó, huyện Nhà Bè có quan tâm giải quyết, song kinh phí sửa chữa, nâng cấp quá nhiều, cho nên cần có sự hội ý với 2 doanh nghiệp liên doanh là Bắc Trung Nam và Chợ Lớn. Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè cũng có gây áp lực để buộc 2 đơn vị liên doanh cùng tham gia xử lý vấn đề này”, ông Nhân cho biết thêm.
Chính sách tái định cư là để người dân di dời ra khỏi nơi ở cũ đến nơi ở mới, giúp TP.HCM thực hiện chủ trương xây dựng quy hoạch cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, để người dân thực sự yên tâm thì ngành chức năng không thể làm theo kiểu “đem con bỏ chợ”.
Bởi khi người dân bất an về đời sống, không thể an cư lạc nghiệp thì những chính sách của thành phố chưa đạt mục đích đề ra.