Theo đó, thuốc thiết yếu phục vụ bình ổn thị trường gồm 19 nhóm thuốc sản xuất trong nước với 180 mặt hàng, chiếm 50% nhu cầu của các nhóm thuốc thiết yếu mà người dân TPHCM sử dụng trong năm như: thuốc giảm đau - hạ sốt, chống dị ứng, trị tiêu chảy, trị bệnh đau dạ dày, trị ho, thuốc tim mạch, trị tiểu đường, thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc nhỏ mắt, thuốc trị giun, trị thấp khớp, vitamin - khoáng chất, thuốc dùng ngoài, thuốc cải thiện tuần hoàn não, chống rối loạn tâm thần, thuốc từ dược liệu...
Các thuốc bình ổn có giá bán thấp hơn giá bán của sản phẩm cùng loại (cùng hoạt chất) trên thị trường ít nhất 5-10%.
UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Công thương, Sở KH-ĐT xét chọn các đơn vị tham gia chương trình. Thẩm định giá thuốc, kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của các đơn vị tham gia chương trình bình ổn. Chủ động yêu cầu các đơn vị tham gia chương trình bình ổn đăng ký điều chỉnh lại giá khi thị trường có biến động lớn.
Đây là một trong những giải pháp trước mắt với sự can thiệp linh hoạt của nhà nước nhằm bình ổn giá thuốc - mặt hàng thiết yếu nhất, liên quan đến hoạt động chăm sóc sức khỏe toàn dân. Trước thực trạng các bệnh viện công lập liên tục thiếu thuốc thì việc dùng ngân sách trợ giá thuốc cho các đối tượng chính sách, đối tượng được ưu tiên; nhất là những người không có khả năng sử dụng những thuốc có giá thị trường cao hơn giá Bộ Y tế công bố là một chính sách đúng, mang tính nhân văn cao.
Đồng thời thúc đẩy việc kết nối chi trả bảo hiểm y tế (BHYT) qua mạng với hệ thống chuỗi nhà thuốc tư nhân (bằng cách thí điểm cơ chế mua sắm theo giá Min - Max) trên cơ sở giá thị trường được các nhà cung cấp cập nhật linh hoạt và cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để kịp thời cung ứng thuốc khi nhà thuốc bệnh viện thiếu hụt.
Rõ ràng, để thực hiện nhóm giải pháp ngắn hạn này, trách nhiệm cộng hưởng của chính quyền thành phố và doanh nghiệp đóng vai trò quyết định nối lại chuỗi cung ứng thuốc. Cụ thể là chính quyền hỗ trợ về mặt cơ chế như thiết lập cơ sở dữ liệu để nhà cung cấp cập nhật thường xuyên, làm căn cứ so sánh và phê duyệt biên độ giá; có cơ chế thí điểm kết nối chi trả BHYT liên thông qua mạng với hệ thống chuỗi nhà thuốc tư nhân được phê duyệt; đảm bảo không để xảy ra tình trạng công nợ khó đòi; thành phố bù phần chênh lệch giữa giá của Bộ Y tế và giá của thị trường được cập nhập trên cơ sở dữ liệu của thành phố.
Về phía cộng đồng doanh nghiệp, đồng hành trong sự kết nối các nhà cung cấp hoặc tham gia rà soát biểu giá, cung cấp theo khung giá thị trường cập nhật được phê duyệt; doanh nghiệp tham gia dưới hình thức cung cấp thuốc bằng giá quy định hiện hành của Bộ Y tế cho những đối tượng được thống nhất với thành phố…
Về trung hạn, các giải pháp cần được tiến hành căn cơ và có tính linh hoạt hơn. Trong đó tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu mở về giá và nhu cầu thuốc chung tại Việt Nam, mà TPHCM là địa phương thí điểm. Cụ thể cần nghiên cứu đánh giá hệ thống quản lý dữ liệu thuốc - giá, nhu cầu - tại các bệnh viện công hiện nay; phối hợp đối tác công tư trong việc xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu thuốc mở.
Cơ sở dữ liệu này nên được thiết kế mở, công khai, minh bạch cho người dân tiếp cận để đảm bảo việc dự đoán chính xác nhu cầu về thuốc trong tương lai. Cần nghiên cứu đánh giá hệ thống quản lý dữ liệu thuốc (giá, nhu cầu) tại các bệnh viện công với các so sánh, đối chiếu từ nhiều nguồn cung cấp. Làm tốt khâu này sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc đấu thầu thuốc một cách hiệu quả, chính xác hơn trong thời gian tới.
Cuối cùng, là giải pháp dài hạn với ưu tiên rà soát các vướng mắc phần lớn liên quan đến cơ chế, pháp luật để kiến nghị, đề xuất Chính phủ và Quốc hội sửa đổi, bổ sung những quy định phù hợp với đặc thù của ngành y tế cũng như hoạt động thực tế của các bệnh viện công lập, hỗ trợ việc mua sắm, đấu thầu được triển khai nhanh chóng, hiệu quả và tuân thủ pháp luật.