Người dân vẫn bức xúc vì vấn nạn SIM rác, cuộc gọi rác

(ĐTTCO) - Người dùng vẫn tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt cuộc gọi không mong muốn. Một trong những lý do chính là việc mua SIM rác vẫn còn rất dễ dàng.
Người dùng nhận được những cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo do SIM rác vẫn được bán tràn lan
Người dùng nhận được những cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo do SIM rác vẫn được bán tràn lan

Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã cập nhật thông tin chính chủ với hơn 11 triệu thuê bao. Trong quá trình này đã khóa và phục hồi khoảng 2,5 triệu thuê bao có thông tin không chính xác.

Những tưởng chiến dịch rầm rộ này sẽ mở ra một môi trường viễn thông lành mạnh hơn, tuy nhiên, người dùng vẫn tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt cuộc gọi không mong muốn, quảng cáo gây phiền toái và cả những cuộc gọi lừa đảo. Một trong những lý do chính là việc mua SIM rác vẫn còn rất dễ dàng, cả từ các cửa hàng và trên mạng xã hội.

Tại một tuyến phố ở Hà Nội chuyên bán SIM điện thoại, tháng 3 năm nay, nhiều người có thể dễ dàng mua SIM đã kích hoạt sẵn ở đây mà không phải xuất trình giấy tờ, căn cước công dân. Cửa hàng đã bị xử phạt và thu hồi SIM vi phạm. Giờ đây, sau 5 tháng, với nhiều nỗ lực chuẩn hóa thông tin thuê bao và thanh tra toàn quốc để loại bỏ SIM rác, việc mua SIM vẫn hoàn toàn dễ dàng như vậy.

Khi tải ứng dụng của nhà mạng về máy điện thoại để kiểm tra thông tin, có thể thấy đó là SIM đã được kích hoạt sẵn với tên một người khác.

Không chỉ mua SIM dễ dàng ở nhiều cửa hàng, SIM còn được bán trực tiếp tràn lan trên các nền tảng như TikTok, Shopee. Thậm chí, người dùng có thể mua số lượng lớn hàng trăm SIM cũng không phải đăng ký bất kỳ giấy tờ gì.

SIM rác vẫn bán tràn làn và có thể mua dễ dàng, do đó, cuộc gọi rác, cuộc gọi quảng cáo vẫn là vấn đề nhức nhối.

Anh Nguyễn Anh Tuấn tại Hà Nội cho biết: "Hiện ngày nào tôi cũng nhận mấy cuộc điện thoại rác liền. Tôi rất khó chịu".

Bà Nguyễn Thị Lan Oanh tại phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: "Cách đây mấy tháng, tôi thấy cả nước đi chuẩn hóa thông tin thuê bao để cho đỡ ảnh hưởng SIM rác, cuộc gọi rác. Nhưng bây giờ, tôi vẫn thấy SIM rác bán ra ầm ầm. Tôi rất mong lãnh đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông nghiêm khắc xử lý các nhà mạng để dứt điểm cho dân chúng tôi đỡ bức xúc".

Như vậy, cuộc chiến với SIM rác vẫn chưa thể có hồi kết.

PGS.TS. Nguyễn Ái Việt - nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Đại học quốc gia Hà Nội - cho rằng: "SIM rác, cuộc gọi rác, sở dĩ nó cứ tồn tại dai dẳng bởi vì có động lực về kinh tế. Nếu bị cắt những cuộc gọi rác, tin nhắn rác thì nhà mạng sẽ bị cắt một doanh thu rất lớn. Trách nhiệm thuộc về nhà cung cấp dịch vụ mạng".

Mỗi ngày, trung bình có 60.000 SIM điện thoại mới được bán ra thị trường. Khi mà người mua dễ dàng mua ở các cửa hàng bán lẻ, không ai đối soát thông tin, giám sát và chịu trách nhiệm về tính chính chủ của SIM thì SIM rác vẫn tha hồ tung hoành. Đây là điều mà cơ quan quản lý cũng đã nhận ra.

Ông Trần Duy Hải - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông - khẳng định: "Các đại lý bán SIM vẫn còn tình trạng SIM kích hoạt sẵn bán ra thị trường. Nếu vẫn còn vi phạm tình trạng đó, tới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đề xuất chặn để không cho bán trên các kênh phân phối đó nữa. Thứ hai là không cho khuyến mại tràn lan, gây ra tình trạng các cuộc gọi miễn phí, giá rẻ, tạo ra các cuộc gọi rác đến khách hàng".

Các tin khác