Người già ở tập trung có là xu hướng?

(ĐTTCO) - Công dân toàn cầu ngày càng già hóa. Tiến trình này nhanh hay chậm ở mỗi quốc gia, vùng miền có khác nhau, nhưng dường như chưa quốc gia nào tránh được. Nguyên nhân chính do thế hệ trẻ không muốn kết hôn, hoặc kết hôn rất muộn và sinh ít con, hoặc không sinh đẻ. 
Viện dưỡng lão Thiên Đức ở Đồng Nai.
Viện dưỡng lão Thiên Đức ở Đồng Nai.
Trong khi đó, tuổi thọ lại càng dài ra, tức người già ngày càng nhiều hơn, do chế độ dinh dưỡng, y tế và điều kiện sống tốt hơn. Trước tình hình này, các nước như Mỹ, Canada, Nhật Bản và các nước châu Âu, sau này lan đến Trung Quốc và Đông Nam Á, hướng tới việc xây dựng các trung tâm, viện dưỡng lão, dành cho người già. Mô hình này có cái lợi là tập trung các cụ lại để dễ chăm sóc, đầu tư tiền tạc, vật tư kể cả việc hậu sự. 
Việc tập trung các cụ lại để chăm sóc xuất hiện ở Sài Gòn trước năm 1975, sau 1980 ở một số tỉnh thành có trung tâm chăm sóc người cao tuổi. Nếu là của Nhà nước, chủ yếu là chăm sóc các bà mẹ có công không nơi nương tựa, các bà các chị là thương binh nặng. Còn nếu của tư nhân hay các chùa, nhà thờ, là các trung tâm nuôi dưỡng từ thiện, người già sống trong đó tùy thuộc vào lòng từ tâm của bá tánh.
TPHCM hiện có khoảng 12 nơi như thế, chủ yếu là hoạt động nhân đạo, như Trung tâm Nuôi dưỡng người già Thị Nghè, Viện Dưỡng lão nghệ sĩ nghèo. Còn ở Hà Nội, ra đời vào năm 2010 đến nay thủ đô có khoảng 15 trung tâm dưỡng lão được tổ chức chuyên nghiệp của tư nhân, hoạt động theo cơ chế thị trường, thu phí người vào ở. Trong số này nhiều trung tâm có trình độ ngang bằng với khu vực Đông Nam Á về trang thiết bị, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và chế độ chăm sóc. 
Tuy nhiên, các trung tâm dưỡng lão không phải chỉ là mấy cái nhà, mấy chục cái giường và dăm người nấu ăn, mà phải là tổ hợp có đầy đủ các phân khu chức năng và hạng mục đảm bảo được đời sống của người già. Vì thế đầu tư ban đầu rất lớn, các trung tâm này đều là của tư nhân, không có bao cấp nên phải hạch toán kinh tế có lãi, nên số tiền để gửi người vào sống ở đây không hề nhỏ, thấp nhất 8-12 triệu đồng/người/tháng (ở chung 6 người phòng), trung bình 15-20 triệu đồng/người/tháng (2-4 người phòng) và cao hơn 25 triệu đồng/tháng (một mình hay 2 vợ chồng).
Chi phí này không bao gồm các phí tổn khác như bấm huyệt, phục hồi chức năng hay chăm sóc người có bệnh, yếu. Số tiền này không hề nhỏ, với những người về hưu trung bình 4-5 triệu đồng/tháng phải có sự trợ giúp của con cái. 
Mới đây Hà Nội có 2 công trình dành cho người già được đánh giá cao và nghe nói đã đặt gần kín chỗ. Ngày 12-7, Công ty TNHH Tổ hợp Y tế Phương Đông tổ chức khởi công Viện dưỡng lão Phương Đông Asahi tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, quy mô 7.000m2, thiết kế theo phong cách hiện đại, với tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng. Cơ sở này mô phỏng theo phong cách Nhật Bản từ kiến trúc, cảnh quan đến phương thức hoạt động cơ chế quản lý và toàn bộ trang thiết bị nhập từ Nhật Bản. 
Công trình thứ 2 là 2 tòa nhà cao tầng hiện đại Meraki Residences nằm trong Khu đô thị Ecopark dành cho người lớn tuổi của Tập đoàn Ecopark. Meraki Residences được bao quanh bởi một công viên rộng lớn. Tại đây cư dân được chăm sóc sức khỏe 24/7, với các gói thăm khám định kỳ bởi đội ngũ 100% bác sĩ Nhật Bản. Đặc biệt, hệ thống cấp cứu sẽ kết nối với bệnh viện trong vòng 5 phút, thông qua các nút bấm khẩn cấp được trang bị quanh tòa nhà và trong từng căn hộ.
Một số ý kiến cho rằng như thế sẽ tạo ra khoảng cách và phân hóa giàu nghèo ngay cả khi về già. Nhưng quan điểm này không được ủng hộ cho lắm, bởi Việt Nam đã bước hẳn vào kinh tế thị trường, nên việc đáp ứng nhu cầu cho một bộ phận người dân có tiền là điều không tránh khỏi. Còn với nhà đầu tư bất động sản, họ nhận thấy đầu tư xây dựng và khai thác nhà dưỡng lão là một phân khúc thị trường đầy tiềm năng, nên thời gian gần đây nhiều đại gia địa ốc quan tâm đến đối tượng này, nhất là các nhà đầu tư phía Nam.
Một số nơi gần biển như Bà Rịa-Vũng Tàu, Phan Thiết, hay núi cao như Đà Lạt, Bảo lộc được các nhà đầu tư xí chỗ chuẩn bị cho ra đời các trung tâm dưỡng lão. Theo các đại gia, đầu tư vào đây là “đầu tư cho chính mình”, vì ai rồi cũng già, cũng như phong trào đầu tư xây dựng “thành phố vĩnh hằng” diễn ra từ năm 2000. 
Tuy nhiên mô hình nhà dưỡng lão tập trung này cũng có những mặt chưa hoàn thiện. Điều đầu tiên là đất dành cho trung tâm dưỡng lão không dễ kiếm, bởi nó không chỉ lớn mà phải không quá xa trung tâm các thành phố. Kinh nghiệm cho thấy các trung tâm dưỡng lão ở quá xa, con cái khó bề thăm nom thường xuyên, không nhận được sự tiếp ứng của các bệnh viện chuyên ngành ở trung tâm thành phố.
Kế đó là chi phí quá cao, bảo hiểm xã hội và lương hưu với không tới. Cuối cùng là các cụ kéo nhau vào nhà dưỡng lão sẽ tạo ra sự đứt gẫy giữa các thế hệ, con cháu không nhận được tình cảm và kinh nghiệm từ các thế hệ cha ông.
Nhận thấy những khiếm khuyết này, khoản hơn 10 năm trở lại đây, Singapore đã thay đổi chiến lược phát triển trong việc chăm lo cho người cao tuổi. Bên cạnh việc phát triển nhà dưỡng lão họ chú trọng nhiều hơn đến hệ thống chăm sóc tại gia và cộng đồng. Singapore tập trung đào tạo các bác sĩ lão khoa và nhân viên điều dưỡng để theo dõi và chăm lo sức khỏe người già tại nhà.
Singapore triệt để sử dụng hệ thống thăm khám sức khỏe từ xa qua hệ thống mạng internet. Các gia đình có người già đều được lắp đặt camera có độ phân giải cao, màn hình tương tác. Mỗi ngày bác sĩ đều thăm khám sức khỏe qua hệ thống Meditele (hệ thống này con cái ở nơi làm việc vẫn theo dõi cha mẹ 24/24), nếu có gì bất thường bác sĩ đến ngay. Những người già không tự chăm sóc được có điều dưỡng đến chăm sóc theo giờ. Các chung cư, khu dân cư đều có khoảng sân, chỗ chơi của người già đến tụ tập nói chuyện, chơi cờ, tập dưỡng sinh. 
Mô hình chăm sóc người già tại cộng đồng cũng đang được thực hiện rất tốt ở Đài Loan và các thành phố của Trung Quốc như Thiên Tân, Quảng Châu… Việt Nam đi sau cần rút kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước, kết hợp hài hòa giữa 2 loại hình tập trung và tại gia để tạo ra hệ sinh thái cho người già sống vui, lành mạnh và tích cực. 

Các tin khác