Sau hơn 4 tháng kể từ ngày đặt cọc và chờ đợi, chị Quỳnh Trân (quận Bình Thạnh, TP.HCM) mới nhận chìa khóa trao tay chiếc Toyota Cross vào cuối tháng 3 này. Theo dự tính, chị Trân lẽ ra đã nhận được xe ngay trước Tết để du xuân nhưng rồi đại lý liên tục thông báo giao trễ qua Tết rồi kéo dài tới cuối tháng 3 mới giao xe.
Cũng chung cảnh khan hàng, kéo dài thời gian giao là mẫu xe Toyota Raize ra mắt thị trường Việt Nam hồi cuối 2021. Do lượng xe nhập về các đại lý nhỏ giọt, khách đặt trước xe trước Tết Nguyên đán nhưng đến nay nhiều người phải tiếp tục chờ đến tháng 4 hoặc tháng 5 mới nhận được xe.
Giám đốc một đại lý Toyota tại TP.HCM nhận định nhiều dòng xe vẫn tiếp diễn khan hàng từ nay đến cuối năm 2022. Số lượng xe phân bổ về đại lý giảm, chương trình khuyến mãi sẽ không tốt được như trước.
Các đại lý Ford cũng cho hay hiện không đủ xe Explorer giao cho khách. Anh Đức, nhân viên bán hàng tại Ford Phú Mỹ (TP.HCM), cho hay: "Loại xe này showroom chỉ nhập được 6 chiếc, trong khi có 40 người đặt cọc. Nếu khách đặt hàng ở thời điểm này thì ít nhất phải cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 mới có hàng", anh Đức cho biết.
Theo khảo sát tại các đại lý xe hơi, nhiều loại xe nhập đang ở vào cảnh thiếu hàng như Ford Explorer, Toyota Land Cruiser Prado, Hyundai Palisade, Pajero Sport, Triton nhập từ Thái Lan.
Nhưng không chỉ xe nhập khẩu mà xe lắp ráp trong nước cũng đang đối diện với tình trạng khan hàng, thiếu xe. Mới đây, Thaco Auto (nhà sản xuất, phân phối ôtô Kia tại Việt Nam) đã điều chỉnh thời gian giao hàng cho đại lý với mẫu xe Kia Sonet, Kia Seltos cho các đơn hàng đặt mua giai đoạn tháng 1-2022 sẽ được giao vào tháng 4 và tháng 5.
Theo Thaco, đại dịch kéo dài từ năm 2019 đến nay làm đứt gãy chuỗi cung ứng linh kiện của các tập đoàn sản xuất ôtô trên thế giới, trong đó có Tập đoàn Kia, qua đó cũng phần nào tác động trực tiếp đến kế hoạch sản xuất và giao xe của Kia Việt Nam.
Nhiều hãng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe tại Việt Nam thừa nhận tình trạng chung mà doanh nghiệp gặp phải là thiếu xe để bán. Đến năm 2022, các doanh nghiệp thực sự ngấm đòn bởi linh kiện, phụ tùng dự trữ ở mức cạn kiệt.
Đại diện Ford Việt Nam cho biết Tập đoàn Ford toàn cầu đang nỗ lực để tìm kiếm, bổ sung nguồn cung linh kiện. Tình hình chưa mấy khả quan do tác động từ nhiều sự kiện bất ổn như chiến sự ở Ukraine. Trong khi đó, Ukraine là một trong những thị trường cung ứng dây điện với số lượng lớn trên toàn cầu, đặc biệt là châu Âu. Chính sách "zero COVID-19" của Trung Quốc đã đẩy chi phí logistics tăng lên gấp 10 lần, khiến doanh nghiệp cũng chật vật với bài toán chi phí.
Bà Trương Thị Chí Bình, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), cho biết một chiếc ôtô có khoảng 30.000 linh kiện. Phần lớn linh kiện sản xuất xe hơi tại Việt Nam là nhập khẩu. Cả nước chỉ có 20 - 30 doanh nghiệp sản xuất được linh kiện đạt tiêu chuẩn lắp ráp, nhưng giá thành cao hơn các nước trong khu vực từ 10 - 20%.