Bà Okonjo-Iweala là người phụ nữ đầu tiên và cũng là người châu Phi đầu tiên được tín nhiệm giao chiếc "ghế nóng" này, ở một thời điểm WTO đối mặt quá nhiều thách thức. Chưa kể tới dịch bệnh Covid-19, những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là trở ngại lớn cho những nỗ lực cải tổ hay điều hành tổ chức này.
"Tôi hiểu nghèo là như thế nào"
Bà Ngozi có một lý lịch không giống với bất cứ ai trong số 6 nhà lãnh đạo nam giới tiền nhiệm tại WTO. Nhiều người cho rằng động lực để bà Okonjo-Iweala vươn lên mạnh mẽ như vậy là bởi bà thấu hiểu cái nghèo thực sự như thế nào. Cha mẹ du học nước ngoài, bà đã ở với người bà trong suốt thời thơ ấu mãi tới năm lên 9 tuổi mới gặp lại họ.
"Cha mẹ tôi vắng nhà trong suốt gần 10 năm trước khi tôi gặp lại họ. Tôi đã làm mọi việc của một bé gái ở thôn quê phải làm, từ lấy nước, ra đồng cùng bà với đủ thứ việc vặt. Tôi đã thấy cái nghèo là gì, cảm nhận trực tiếp cái nghèo đó", đó là những chia sẻ của bà Okonjo-Iweala với Đài BBC từ năm 2012.
"Tôi có thể chịu được khổ sở. Tôi có thể ngủ trên sàn nhà lạnh bất cứ lúc nào", bà nói.
Có lẽ tuổi thơ gian khó đã hun đúc sự kiên định và độc lập ở người phụ nữ này, giúp bà mạnh mẽ hơn khi kinh qua rất nhiều vị trí quản lý về sau. Rời bỏ cuộc sống tiện nghi ở Washington, bà trở về quê hương Nigeria bắt tay thực hiện những cải cách lớn chống tham nhũng và minh bạch hóa hệ thống tài chính khi đảm nhiệm ghế bộ trưởng tài chính.
Khi bà quyết định công khai các khoản ngân sách được chi hằng tháng cho chính quyền địa phương làm đường hay duy trì các trường học công, bệnh xá ở nông thôn, rất nhiều quan chức đã "mắc cỡ" như thế nào. Bà cũng là người đã xây dựng hệ thống giúp loại bỏ danh sách hàng ngàn công nhân và người về hưu được lập khống để rút ruột ngân sách nhà nước.
Nhưng những nỗ lực cải cách và xóa bỏ nạn tham nhũng trong ngành nhiên liệu đã đẩy bà vào một trong những trải nghiệm đau đớn nhất năm 2012. Khi đó, mẹ bà - bà Kamene Okonjo, 82 tuổi, một bác sĩ y khoa và giáo sư xã hội học về hưu - đã bị bắt cóc ngay tại nhà riêng ở miền nam Nigeria.
Bắt cóc là chuyện phổ biến tại Nigeria. Những kẻ bắt cóc mẹ bà Okonjo-Iweala yêu cầu bà phải tuyên bố từ chức bộ trưởng tài chính trên truyền hình và sau đó nộp tiền chuộc cứu mẹ. Khi ấy bà đã cân nhắc nghiêm túc việc từ chức, song cha bà kiên quyết cho rằng không cần như vậy.
Cuối cùng, do không thể gây sức ép, những kẻ bắt cóc đã phải trả tự do cho mẹ bà. Dù thế, trải nghiệm nặng nề này vẫn là kỷ niệm đau lòng tới mức khi nhắc lại chuyện này trong cuộc phỏng vấn với trang Axios đầu tháng 6 năm nay, giọng bà đã lạc đi.
Nhà hoạt động vì quyền phụ nữ của Nigeria, bà Josephine Effa-Chukwuma, rất ấn tượng với người đồng hương của mình. "Bà ấy làm phụ nữ chúng tôi tự hào - bà nói - Bà ấy trung thực, minh bạch và có trách nhiệm".
Nhà lãnh đạo mới của WTO từng có thời gian là thành viên hội đồng quản trị Công ty Twitter, chủ tịch liên minh vắc xin Gavi và là đặc phái viên chống Covid-19 của WHO. Sau khi kinh qua rất nhiều vị trí công tác ở các lĩnh vực khác nhau, bà từng nhận xét vui rằng dường như phụ nữ ít tham nhũng hơn đàn ông.
"Phụ nữ thường trung thực hơn, thẳng thắn hơn, tập trung cho công việc hơn và ít "cái tôi" hơn. Tôi không biết có một cái gì gọi là bản năng nữ giới không, nhưng việc điều hành nền kinh tế đôi khi cũng giống như điều hành một gia đình vậy", bà đã nói vậy với tờ Independent (Anh) từ năm 2006. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi phụ nữ là một trong những ưu tiên lớn trong chương trình làm việc của bà trên cương vị mới tại WTO.
Bà Okonjo-Iweala sinh năm 1954 tại Nigeria.
Bà lấy bằng cử nhân kinh tế học tại ĐH Harvard (1973 - 1976) và bằng tiến sĩ tại Viện Công nghệ Massachusett năm 1981.
Bà làm việc 25 năm tại Ngân hàng Thế giới, từng giữ chức giám đốc điều hành giai đoạn 2007 - 2011.
Bà từng làm bộ trưởng tài chính Nigeria 2 lần vào các năm 2003 - 2006 và 2011 - 2015. Ngoài ra, bà có một thời gian ngắn làm bộ trưởng ngoại giao Nigeria năm 2016.
Bà trở thành Tổng giám đốc WTO vào tháng 3-2021.
Năm 2020, bà Okonjo-Iweala được tạp chí Forbes vinh danh là Nhân vật xuất sắc của năm ở châu Phi. Trước đó, năm 2015 tạp chí Fortune bình chọn bà là một trong 50 nhà lãnh đạo thế giới xuất sắc nhất. Tạp chí Forbes bình chọn bà là một trong 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới trong 4 năm liên tiếp.