(ĐTTCO) - 75 cửa hàng thuộc hệ thống bán lẻ Bách Hóa Xanh bị cơ quan quản lý thị trường đồng loạt kiểm tra sau nhiều ngày người tiêu dùng tố tăng giá bán hàng thiết yêu giữa đại dịch Covid-19.
Ngày 16-7, nhiều đội quản lý thị trường tại TPHCM đã vào cuộc kiểm tra 75 cửa hàng Bách Hóa Xanh tại các quận 1, 3, 5, 7, 10, Thủ Đức, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Chánh... TPHCM, sau thông tin phản ánh của người tiêu dùng nhà bán lẻ này nâng giá bán hàng hóa thiết yếu. Đặt biệt là nhiều loại rau củ giá cao bất ngờ trong đợt TPHCM giãn cách xã hội, hàng trăm chợ truyền thống phải đóng cửa phòng chống dịch.
Đồng thời với người dùng tố tăng giá bán, phía Bách Hóa Xanh cũng công bố không giữ được 100% giá hàng tươi sống như trước dịch bùng phát ở TPHCM, do chi phí vận chuyển, chi phí kiểm dịch, phòng chống dịch ở doanh nghiệp tăng cao.
Theo đánh giá của cơ quan quản lý thị trường, tại thời điểm kiểm tra, hàng hóa tại các cửa hàng Bách Hóa Xanh ở TPHCM dồi dào, niêm yết giá bán quy định.
Các cửa hàng cũng cho giới hạn số lượng người vào trong mua sắm, cụ thể từ 5 - 10 người trong 1 lượt mua sắm tùy diện tích mỗi nơi. Số lượng khách còn lại sẽ đứng xếp hàng bên ngoài chờ đến lượt, tuân thủ đúng quy định phòng chống dịch bệnh.
Bách Hóa Xanh cũng cung cấp hóa đơn chứng từ đầu vào của hàng hóa đầy đủ, giá cả mỗi ngày được thông báo qua phần mềm quản lý nội bộ QR code.
Đại diện doanh nghiệp này cho rằng những ngày qua, người dân đã đổ xô đến các siêu thị mua thực phẩm vì có tin đồn TPHCM sẽ bị phong tỏa.
Ngoài ra, có những cá nhân, tổ chức đã gom hàng, bán lại với giá cao làm ảnh hưởng đến tình hình thị trường, giá cả nói chung.
Rau củ, thực phẩm tại TPHCM căng thẳng suốt tuần qua, khi người dùng liên tục kéo đến siêu thị mua sắm vì nghe tin đồn thất thiệt.
Lý giải chuyện tăng giá, đại diện Bách Hóa Xanh cho rằng doanh nghiệp tăng bởi lý do khách quan. Nhà cung cấp tăng giá do chi phí vận chuyển tăng, nhân công tăng, tỷ lệ hàng hư hỏng lớn vì thời gian vận chuyển kéo dài, chi phí cho tài xế xét nghiệm...
Cơ quan quản lý thị trường yêu cầu các cửa hàng Bách Hóa Xanh đảm báo số lượng và chất lượng hàng hóa, không kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời, duy trì hoạt động theo đúng thời gian quy định; tuân thủ quy định 5K của Bộ Y Tế; không găm hàng, tăng giá.
Suốt tuần qua, trên mạng xã hội, nhiều người tố Bách Hóa Xanh bán rau củ với giá quá đắt đó. Thậm chí có người còn livetreams (phát trực tiếp) để nói về câu chuyện giá rau củ tại cửa hàng thuộc chuỗi này quá cao. Nhiều người khác cũng để lại hóa đơn mua hàng và kêu gọi tẩy chay Bách Hóa Xanh vì giữa đại dịch, người dân khó khăn nhưng không chia sẻ.
Ngay lập tức, Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động - doanh nghiệp sở hữu chuỗi Bách Hóa Xanh, phát thông báo cho biết khó giữ được giá bán lẻ hàng tươi sống.
Doanh nghiệp thừa nhận chính sách giá bán lẻ áp dụng với một số mặt hàng thiết yếu tại TPHCM đã được điều chỉnh theo sự biến động giá đầu vào tại những thời điểm nhất định. Và khẳng định Bách Hóa Xanh không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh, nhưng cũng không thể bảo đảm 100% việc giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng tươi sống, vì chi phí đầu vào tăng cao.
Cụ thể là thời gian vận chuyển từ vùng trồng về các cửa hàng tăng đáng kể, chi phí vận chuyển tăng trong khi thêm giá xăng tăng. Chi phí nhân sự cũng tăng cao khi hàng ngàn người phải xét nghiệm, đổi chỗ ở cho nhân viên... . Và yếu tố thúc đẩy giá tăng là giá hàng hóa tăng giá từ phía nhà cung cấp.
Trao đổi với báo chí chiều tối 13-7, đại diện Bộ Công thương cho biết đã liên hệ với phía doanh nghiệp, và đã nhận được phản hồi.
Đáng chú ý, trong khi Bách hóa Xanh đưa một loạt lý do tăng giá thì phía Co.op mart, Central Group, Aeon, Vinmart lại gửi thông điệp đến khách hàng yên tâm mua sắm, hàng hóa không thiếu. Doanh nghiệp đã chuẩn bị đủ lượng hàng cung ứng cho nhu cầu 3-6 tháng và cam kết không tăng giá.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng cam kết kéo dài thời gian mở cửa, tăng nhân viên hỗ trợ khách mua sắm. Và để giải quyết nhu cầu tăng cao, một số siêu thị còn tổ chức các xe hàng lưu động phục vụ người tiêu dùng tại các khu đông dân cư, với đầy đủ hàng hóa thiết yếu.