Cắm trại, phân khu để sản xuất
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, có đến 60% DN chế biến lương thực thực phẩm trong cả nước hoạt động tại địa bàn TPHCM. Việc tạm ngưng sản xuất của các DN này sẽ dẫn đến nguy cơ đứt gãy thị trường. Nên ngay từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, Hội Lương thực thực phẩm TPHCM đã phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố, triển khai nhiều giải pháp khuyến nghị và hỗ trợ tư vấn DN xây dựng các kế hoạch, phương án ứng phó trong tình huống dịch xấu nhất; trong đó, tập trung cho việc “3 tại chỗ”.
Nhờ vậy khi thành phố có chỉ đạo thì đa phần các DN thành viên ngay lập tức kích hoạt và sẵn sàng, áp dụng ngay các phương án phòng dịch thắt chặt, để vừa bảo vệ người lao động, vừa đáp ứng chuỗi cung ứng sản xuất.
Ghi nhận thực tế trong những ngày qua cho thấy, đối với nhóm thịt heo tươi sống, các DN thành viên đều đã kích hoạt hoàn toàn hệ thống đảm bảo an toàn.
Cụ thể, đại diện Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) đã tổ chức cắm trại tập trung sản xuất cho khoảng 1.500 công nhân từ cuối tháng 6, và dự kiến sẽ kéo dài đến khi tình hình dịch bệnh tại TPHCM được kiểm soát.
Hiện lượng heo giết mổ ở Vissan bình quân 1.200 - 1.300 con/ngày, tương đương 120 tấn/ngày, và đơn vị đảm bảo nâng sản lượng lên cao nhất nếu nhu cầu thị trường tăng.
Tương tự trường hợp Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, tại các trang trại của công ty đã triển khai toàn bộ hệ thống đảm bảo “3 tại chỗ”, và đều quy định các cá nhân mỗi khu không được trao đổi qua lại. Sản lượng thịt heo tươi sống của đơn vị cung cấp cho thị trường từ 350-600 con/ngày.
Đại diện Công ty CP Ba Huân cho biết đã phân nhà máy thành 3 khu để bố trí cho công nhân ăn ở tại chỗ. Riêng với đội vận chuyển và giao nhận được trang bị trang phục bảo hộ để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Toàn bộ nhân viên đã được công ty thuê đội y tế quận 6 về xét nghiệm 2 lần/tuần vào thứ hai và thứ năm. Còn với công ty Vĩnh Thành Đạt, San Hà… thì bố trí nhiều khu ở biệt lập trong nhà máy, nhà kho và khuôn viên của công ty. Các công nhân cũng được khuyến cáo không được qua lại giữa các khu, nhằm ngăn nguy cơ lây nhiễm bệnh nếu chẳng may có trường hợp mắc Covid-19.
Riêng các DN sản xuất, kinh doanh mặt hàng gạo, gia vị, nước chấm, bột mì… việc thực hiện “3 tại chỗ” khá dễ dàng, do các mặt hàng này đều có khả năng trữ với số lượng lớn.
Từ tháng 4 đến nay, các DN đã chủ động duy trì lượng tồn kho lớn, dự trữ đảm bảo đủ cung ứng đến cuối năm.
DN cần được giảm, giãn thuế, lãi suất vay ngay
Theo ý kiến chung của nhiều DN, để bố trí “3 tại chỗ” cho công nhân, DN đã phải chi rất nhiều khoản. Điều này bào mòn gần hết lợi nhuận của DN trong 6 tháng đầu năm nay.
Đã vậy, các DN đang phải đối mặt với chi phí xét nghiệm Covid-19 quá cao. Trung bình, một tài xế xe đi và về từ An Giang để vận chuyển nguyên liệu sản xuất phải tốn 2,7 triệu đồng chi phí xét nghiệm. Chưa kể, chi phí xét nghiệm cho hàng ngàn công nhân tại nhà máy 7 ngày/lần.
Đặc biệt, cần phải chế tài những ngân hàng chưa áp dụng chính sách hỗ trợ vốn cho DN.