Các giải pháp của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đang phát huy tác dụng. Tín dụng ở lĩnh vực này đã tăng tới 14% trong 5 tháng đầu năm, cao gấp gần 4,5 lần mức tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế. Đây cũng là cơ sở để các nhà đầu tư và người mua nhà quay trở lại vay vốn mua bất động sản sau một thời gian trầm lắng.
Sau nhiều thông tin về giảm lãi suất từ đầu năm, anh Vinh (Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội) đã quay lại sàn giao dịch bất động sản, trước mắt là để nghe ngóng thông tin, sau anh mới tính đến vay vốn mua nhà.
"Về mặt pháp lý, thủ tục đã được gỡ bỏ, nên việc mua nhà của người dân trong những tháng tiếp theo nhiều khả năng sẽ dễ dàng hơn", ông Phan Quốc Vinh, Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội, chia sẻ.
Dù nhiều người mới chỉ dừng lại ở chờ đợi, nghe ngóng, nhưng theo nhiều sàn bất động sản, thông tin giảm lãi suất đã bước đầu khôi phục ý định vay mua nhà ở của không ít người dân. Minh chứng là lượng khách tìm đến các kênh tư vấn gần đây đã tăng khoảng 15 - 20% so với đầu năm.
"Thông thường sẽ có độ trễ khoảng 3 - 6 tháng tùy tình hình. Trong 1 - 2 tháng gần đây, tác động chính sách đầu tiên là yếu tố tâm lý. Khi tâm lý tốt hơn, họ đã bắt đầu chuẩn bị cho gói vay của mình", ông Bùi Quang Cường, Tổng Giám đốc Công ty CP Bất động sản Bầu trời Việt Nam, cho biết.
Ngoài lãi suất, về lâu dài, việc giá nhà giữ ở mức hợp lý là điều kiện then chốt để người dân mạnh dạn vay vốn mua. Bởi dù thị trường bất động sản trầm lắng và liên tục giảm giá mạnh, nhưng riêng giá chung cư vẫn neo ở mức cao. Theo công ty nghiên cứu bất động sản Savills, giá sơ cấp trung bình của căn hộ chung cư hiện vào khoảng 52 triệu đồng/m2, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2022.
"Từ năm 2018 đến nay, trên thị trường, nguồn cung mới rất hạn chế, kể cả với những dự án đã mở bán, đâu đó bản thân người mua vẫn còn những quan ngại về tính pháp lý", bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội, cho hay.
Chính phủ đã liên tục đưa ra các chỉ đạo quan trọng để xử lý những vấn đề của thị trường bất động sản, đặc biệt là tháo gỡ về pháp lý nhằm phát triển có hiệu quả các dự án đáp ứng nhu cầu ở thực của người dân. Qua đó thị trường kỳ vọng sẽ sớm lấy lại đà phục hồi từ sau quý III trở đi.
Bắt đầu giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng
Còn với nhà ở xã hội, tính đến đầu tháng 7, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được danh sách 15 dự án nhà ở xã hội của các tỉnh: Bắc Giang, Trà Vinh và Tây Ninh; trong đó có 5 dự án đã được cấp phép xây dựng. Ngoài ra, Bình Định, Phú Thọ và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã công bố 9 dự án nhà ở xã hội.
Đến nay, một số ngân hàng như: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... bắt đầu giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng, với lãi suất giảm 2%/năm so với lãi suất thương mại và thời hạn giải ngân đến hết năm 2030.
Ngoài ra, số liệu từ Ngân hàng Chính sách Xã hội cho thấy, cả nước đã giải ngân được trên 6.200 tỷ đồng cho khoảng 15.000 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.