Theo VASEP, trong quý I, cá rô phi ở Trung Quốc khá khan hiếm nguồn cung, toàn ngành đang phục hồi sau khi nông dân ngừng hoạt động vào năm ngoái do giá thấp. Trong khi đó, Trung Quốc là nguồn cung cá rô phi lớn nhất cho Mỹ.
Nhiều dự đoán cho rằng nguồn cung cá rô phi sẽ phục hồi ở Trung Quốc trong quý II năm nay. Tuy nhiên, nhà cung cấp cá rô phi giống lớn thứ 2 trong khu vực cho biết nguồn cung vẫn thiếu, khiến giá cao.
Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu thô do lượng tồn kho trong ao ở miền nam Trung Quốc tiếp tục giảm. Dự đoán, cá rô phi nguyên liệu sẽ được đưa ra thị trường vào tháng 6 do cá giống thả vào cuối năm ngoái đã đạt kích cỡ thu hoạch. Tuy nhiên, nông dân vẫn thận trọng khi đầu tư vào đàn cá rô phi mới.
Cũng theo VASEP, trong quý I, Mỹ nhập khẩu 19.600 tấn phi lê cá rô phi đông lạnh từ Trung Quốc, trị giá 73,6 triệu USD, giảm 13% về khối lượng và 8% về giá trị so với cùng kỳ.
Chỉ tính riêng tháng 3, Mỹ đã nhập khẩu 1784 tấn phi lê cá rô phi tươi, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng có mức thấp nhất của Mỹ trong 12 năm trở lại đây, chủ yếu là do thiếu hàng từ các nguồn cung chính như Honduras, Mexico và Costa Rica.
Trong suốt 4 năm liên tiếp kể từ năm 2019, Mỹ liên tục duy trì là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá rô phi Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2023, xuất khẩu cá rô phi sang Mỹ sụt giảm mạnh và chỉ đạt gần 1 triệu USD, giảm 71% so với năm 2022 và giảm 75% so với năm 2019.
Trung Quốc và Mỹ là 2 thị trường quan trọng của cá tra Việt Nam. Do nguồn cung cá rô phi tại 2 thị trường này khan hiếm, cá tra có thể là sản phẩm thay thế tiềm năng.
Theo thống kê, tính đến ngày 15-4, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt hơn 495 triệu USD, giảm 1% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc & HK đạt 132 triệu USD, giảm 20%; xuất khẩu sang Mỹ đạt 83 triệu USD, tăng 15%.