Nguồn nhân lực Việt trước ngưỡng cửa 4.0

(ĐTTCO)-Trong CMCN 4.0, viễn cảnh các nhà máy thông minh - trong đó các máy móc được kết nối Internet và liên kết với nhau qua một hệ thống, có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định - có vẻ không còn xa xôi nữa. 
 
Robot sẽ thay thế nhiều phần việc của lao động trình độ thấp trong CMCN 4.0 (Trong ảnh: Kỹ sư Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao TPHCM làm việc với sự hỗ trợ của robot)
Robot sẽ thay thế nhiều phần việc của lao động trình độ thấp trong CMCN 4.0 (Trong ảnh: Kỹ sư Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao TPHCM làm việc với sự hỗ trợ của robot)
Và đây chính là lúc cơ cấu việc làm sẽ thay đổi, khi hàng triệu công việc được thay thế bằng robot và hàng triệu công việc mới sản sinh. 
Lao động giá rẻ không còn là lợi thế
Theo Báo cáo phân tích môi trường kinh doanh (Doing Business Report) của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2016, Việt Nam xếp thứ 90/189 nước tham gia xếp hạng. Với sự tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ buộc phải thay đổi lợi thế cạnh tranh.
Từ năm 2020 trở đi, chúng ta không cạnh tranh với các quốc gia như Trung Quốc, Bangladesh, Malaysia, Ấn Độ hay Mexico mà là với những công ty tự động hóa của Mỹ hay Nhật Bản.
Nhìn cận cảnh vào ngành dệt may - ngành thâm dụng lao động lớn nhất Việt Nam, đã xuất hiện robot làm việc cùng con người trong các nhà máy. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 2/3 trong số 9,2 triệu lao động ngành dệt may và da giày tại Đông Nam Á đang bị đe dọa; cụ thể có 86% lao động ngành dệt may của Việt Nam, 88% lao động của Campuchia và 64% lao động Indonesia bị ảnh hưởng. Cùng với đó là hàng trăm ngàn người đang làm việc trong các hệ thống tổng đài trả lời của ngành viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán… cũng bị đe dọa.
Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an, CMCN 4.0 làm gia tăng nguy cơ mất việc làm, thất nghiệp, nhiều ngành đối mặt thách thức lớn do cạnh tranh khốc liệt. Đã có cảnh báo về việc Việt Nam sẽ mất 5 triệu việc làm vào năm 2020 vì chất lượng nhân lực chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10); đứng thứ 11/12 nước ở châu Á tham gia xếp hạng và số cạnh tranh nhân lực 4,3/10 điểm.
Ngoài ra, các chỉ số khác cũng rất thấp như năng lực cạnh tranh 4,3/10, xếp hạng 56/133 nước; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ trong năm 2015 chỉ đạt 20,3%. Nhân lực Việt Nam còn thiếu kỹ năng mềm như ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, tác phong công nghiệp và tránh nhiệm, đạo đức nghề nghiệp.
Bộ LĐTB-XH đưa ra nhận định, lao động tay nghề thấp, làm trong những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, lắp ráp điện tử, chế biến thủy hải sản, dịch vụ bán lẻ... - nơi có số lượng doanh nghiệp và số lao động đang làm việc đông - sẽ có nguy cơ bị thay thế bởi các quá trình tự động hóa và robot. Đây chính là thách thức lớn nhất đối với nguồn nhân lực Việt Nam.
Cũng theo Bộ LĐTB-XH, những doanh nghiệp sử dụng công nghệ cũ lạc hậu hoặc dựa trên việc sử dụng nhân công trình độ thấp sẽ mất lợi thế cạnh tranh và dần dần bị tụt hậu, dẫn đến phá sản.
 Cơ hội từ những ngành công nghiệp mới
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cần nhìn nhận lạc quan hơn, bởi trong các cuộc cách mạng trước đây, bao giờ cũng có những ngành nghề, việc làm bị mất đi nhưng số lượng việc làm mới, ngành nghề mới được tạo ra còn nhiều hơn thế. “Ai là người nắm bắt được sự thay đổi trước thì người đó sẽ giành được lợi thế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Hơn thế, theo Phó Thủ tướng, không chỉ có ngành nghề mới, việc làm mới, phương thức tổ chức, cung cấp lao động cũng thay đổi hoàn toàn so với trước đây. Khái niệm người làm nghề tự do (freelancer) ngày càng trở nên phổ biến và ngay ở Việt Nam - một nước đang phát triển, theo thống kê của một website (vLance.vn) dành cho cộng đồng freelancer (người làm việc độc lập, không có đơn vị quản lý, trong những ngành nghề mà người làm toàn thời gian chiếm đa số) thì có gần 170.000 người làm việc theo hình thức này.
Bằng chứng là, mô hình kinh tế chia sẻ với hàng ngàn việc làm tự do đã đổ bộ vào Việt Nam từ vài năm nay như Uber, Grab, Airbnb, Triip.me, Travelmob…  Theo bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin (CNTT), hiện kinh tế chia sẻ mới chỉ manh nha phát triển, nhưng việc cho thuê những tài sản ít sử dụng đã và đang tồn tại.
“Tuy nhiên, một khảo sát mới công bố của Công ty Nielsen cho thấy, kinh tế chia sẻ có tiềm năng lớn để phát triển tại Việt Nam. Theo khảo sát, cứ 4 người Việt được hỏi thì có 3 người cho biết thích ý tưởng kinh doanh về mô hình này, chiếm 75%”, bà Việt Anh nói.  
Rõ ràng hơn nữa, Bộ Công thương đánh giá nhu cầu thị trường về nhân lực CNTT sẽ tiếp tục nâng cao, không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng nhân sự. Thống kê của Navigos mới đây cho thấy, số lượng tin tuyển dụng trong ngành CNTT đã tăng từ 6.792 trong năm 2013 lên tới 14.997 trong năm 2016.
Tính riêng trong năm 2016, ngành CNTT luôn nằm trong tốp 5 các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất. Dự kiến, nhu cầu tuyển dụng này được dự đoán sẽ thay đổi mạnh mẽ khi Việt Nam tiến vào kỷ nguyên CMCN 4.0.
Trong năm 2017, các trào lưu công nghệ trên thế giới sẽ có những tác động đến thị trường CNTT tại Việt Nam, bao gồm điện toán đám mây, JavaScript, An ninh mạng, Big Data, Internet of Things và Docker. Kéo theo đó, mức lương dành cho các lập trình viên là tương đối cao so với mặt bằng chung: thu nhập một kỹ sư lập trình tại Việt Nam có thể đạt từ 1.300 - 2.000USD/tháng nếu bắt kịp kiến thức về những công nghệ mới nhất trên thị trường hiện nay.

PGS-TS Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT:

Cuộc CMCN 4.0 với tên gọi “cách mạng số” đang diễn ra rất nhanh và sẽ làm thay đổi toàn bộ diện mạo, tư duy người chủ - người làm thuê, cũng như cách thức làm việc trước đây của con người. Kinh tế số là cơ hội thay đổi vị thế đất nước cũng như vị thế của ngành CNTT ở Việt Nam. Để tận dung cơ hội và thách thức của CMCN 4.0, Việt Nam cần phải thúc đẩy chính sách tạo ra những vườn ươm công nghệ, khuyến khích khởi nghiệp. Quan trọng hơn, cần thay đổi toàn diện giáo dục và đào tạo để Việt Nam có một nguồn nhân lực vừa có tinh thần khởi nghiệp, vừa có năng lực sáng tạo và có dũng khí chấp nhận mạo hiểm khi tham gia cuộc cách mạng này; ứng dụng nhanh nhất những thành tựu mà cuộc cách mạng số tạo ra để nâng cao đột xuất, đột biến cho nền kinh tế đất nước.

PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM:

Giáo dục Việt Nam còn nhiều điều cần tiếp tục phấn đấu nhằm đáp ứng yêu cầu của đất nước, xã hội; cả kiến thức tiên tiến, cập nhật về khoa học - công nghệ mới. Tất cả những vấn đề nêu trên chỉ được giải quyết ở môi trường giáo dục đại học chất lượng cao, bởi đây là nơi hội tụ những trí tuệ xuất sắc nhất, nhờ đó mới có thể tiếp thu, lan tỏa và phổ biến phát triển tri thức của nhân loại trong khoa học - công nghệ, đời sống kinh tế và thúc đẩy tiến bộ xã hội. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước cần đầu tư xứng tầm và có chiều sâu để các trường đại học trọng điểm đi đầu trong công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ, mới tiệm cận với các nước tiên tiến. Từ đó, các trường đại học trọng điểm thu hút nhân tài, trở thành nơi hội tụ của các trí tuệ xuất sắc trong giới khoa học, nghiên cứu và giảng dạy. Đồng thời, các trường đại học trọng điểm tiên phong trong công tác khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ - tri thức và cũng là nơi ươm mầm tài năng của đất nước trong giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế này.

TS Nguyễn Bá Ân, Tổng Thư ký Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh:

CMCN 4.0 là thời cơ vàng đối với Việt Nam. Chúng ta đang có lợi thế về dân số vàng và để tận dụng cơ hội này, phải thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo trong mọi ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế số, xây dựng quốc gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cần đổi mới mạnh mẽ tư duy về quản trị quốc gia phù hợp với xu hướng của CMCN 4.0. Nếu không thay đổi, không có quyết tâm cao nắm bắt cơ hội do cuộc cách mạng sản xuất mới mang lại, Việt Nam có thể tụt hậu xa hơn vì lao động chi phí thấp đang mất dần lợi thế, khoảng cách công nghệ, tri thức nới rộng. Muốn hòa nhập vào cuộc CMCN 4.0, vào nền kinh tế số, yếu tố then chốt là nguồn nhân lực. Chúng ta cần cải cách hệ thống giáo dục - đào tạo để tạo ra công dân toàn cầu; có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển đổi mới sáng tạo, ưu tiên cho đào tạo các ngành khoa học - công nghệ, kỹ thuật và toán. Ngoài ra, cần gắn kết các nghiên cứu khoa học với cơ sở đào tạo đại học, đưa lập trình vào chương trình học từ lớp dưới, phổ cập tiếng Anh, gắn kết doanh nghiệp với các tổ chức giáo dục. Nhà nước cần có hành lang pháp lý đủ mạnh để hỗ trợ khởi nghiệp, hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải bắt đầu từ trường học.
TRẦN LƯU (tổng hợp)

Các tin khác