Khi các quan chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) quyết định tổ chức hội nghị thường niên của mình tại Peru, nhiều người đã hy vọng, địa điểm này sẽ tạo ra một cơ sở mang tính biểu tượng mới.
IMF ước tính, số nợ của các thị trường đang phát triển hiện có quy mô gấp đôi |
Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các thị trường mới nổi (trong đó có khu vực Mỹ Latinh) đã có những đóng góp không nhỏ cho động lực tăng trưởng toàn cầu. Hội nghị của IMF và WB diễn ra trong tuần này sẽ là cơ hội để hai thể chế tài chính đánh giá cụ thể về triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới thời gian qua. Đáng chú ý, điều khiến các nhà hoạch định chính sách cảm thấy lo ngại lại không phải là kinh tế phương Tây, mà chính là thể trạng của các thị trường đang phát triển.
Tốc độ tăng trưởng của hàng loạt nền kinh tế mới nổi đã chậm lại rõ rệt, từ Trung Quốc cho đến Peru. Thêm vào đó, đã xuất hiện những dấu hiệu rõ ràng cho thấy các nền kinh tế đang phát triển bắt đầu đứng trước những rủi ro mới về bong bóng tín dụng.
Hệ quả là, cũng như bong bóng tín dụng từng xảy ra tại phương Tây trong thập kỷ trước, bong bóng lần này có thể làm mất ổn định sâu sắc các thị trường đang nổi nói chung và kinh tế toàn cầu nói riêng, cũng như đe dọa xói mòn tâm lý các nhà đầu tư.
Một cách để cảm nhận những rủi ro đang làm môi trường đầu tư và tài chính thay đổi là quan sát những gì đã xảy ra với khoản nợ doanh nghiệp trên các thị trường đang nổi. Một thập kỷ trước đây, số nợ này chỉ ở các mức tương đối thấp, ít nhất so với các đối tác tại thế giới phát triển.
Tuy nhiên, IMF lưu ý trong báo cáo ổn định tài chính mới nhất của mình rằng, trong giai đoạn từ năm 2004-2014, nợ của doanh nghiệp trên các thị trường đang phát triển đã tăng từ mức 4.000 tỷ USD lên 18.000 tỷ USD, trong đó mức tăng này được ghi nhận phần lớn sau năm 2008.
Mặc dù tình trạng vay mượn trong các doanh nghiệp đã tăng tại thị trường Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Chile, Brazil, Ấn Độ và Mexico, song lại sụt giảm tại Nam Phi, Hungary và Bulgaria. Nhìn chung, IMF ước tính số nợ của các thị trường đang phát triển hiện có quy mô gấp đôi so với giá trị tài sản mà họ sở hữu.
Chính điều này đã đặt ra câu hỏi về khả năng liệu các doanh nghiệp tại thị trường đang phát triển có thể trả nợ được hay không, hay khi nào các ngân hàng trung ương tại thế giới phát triển (đáng chú nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) sẽ bắt đầu tăng lãi suất.
Nhà phân tích tại Citi Group, Matt King lưu ý rằng, có hai cách để tạo tiền trên thị trường tài chính: thứ nhất là thông qua động thái của ngân hàng trung ương, như các gói nới lỏng định lượng (QE) nhằm bơm tiền vào hệ thống tài chính; thứ hai là khu vực ngân hàng tư nhân và thị trường tài chính phái sinh nguồn quỹ của ngân hàng trung ương.
Riêng trong cách thứ hai, các chuyên gia của Citi tính toán rằng, 3/4 số tiền của khu vực tư nhân được tạo ra trong vòng 5 năm qua xảy ra tại các nước đang phát triển. Đáng chú ý, kể từ năm 2000, có tới 8.000 tỷ USD đã chảy vào các thị trường đang phát triển. Điều này đặt ra câu hỏi q
uan trọng: Chuyện gì xảy ra khi quy trình hấp thụ tiền mặt của các thị trường mới nổi chậm lại hoặc bị đảo ngược. Một số nhà hoạch định chính sách hy vọng cú sốc này có thể được ngăn chặn bằng động thái của các ngân hàng trung ương tại thế giới phát triển, như kéo dài thêm QE để xoa dịu thị trường. Tuy nhiên, bong bóng thị trường tại các nền kinh tế đang phát triển có thể quá lớn để các ngân hàng trung ương này có thể hàn gắn. Khi đó, thế giới sẽ tiến tới thời điểm “cạn kiệt tín dụng”.
Nếu phân tích này đúng, thì những cảnh báo đó là đáng báo động. Nó cũng làm sáng tỏ hơn lý do tại sao IMF lo ngại về những biến động mới khi Mỹ tăng lãi suất. Cho đến khi đó, mọi ánh mắt vẫn đổ dồn vào các thị trường đang phát triển, bắt đầu từ Hội nghị của WB và IMF trong tuần này tại Peru.