Từ ngày 27-4 đến nay, Việt Nam ghi nhận 561 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng kể từ thời điểm xảy ra vụ lây nhiễm chéo giữa lễ tân và đoàn chuyên gia Ấn Độ tại Yên Bái. Sau đó, TPHCM xác định một ca mắc Covid-19 là F1 của bệnh nhân ở Hà Nam.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thành phố cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt bởi rất có thể còn ca bệnh trong cộng đồng chưa được truy vết.
3 nguy cơ gây bùng phát dịch tại TPHCM
Chia sẻ với Zing, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết dù hiện tại thành phố chưa ghi nhận thêm ca dương tính mới, nguy cơ bùng phát dịch tại TPHCM rất cao.
Lãnh đạo HCDC cho biết các nguồn lây nhiễm tại hiện tại đe dọa thành phố gồm lây nhiễm chéo trong khu cách ly, nhập cảnh trái phép và cảng hàng hải.
Tính đến ngày 7-5, TP.HCM đang tổ chức cách ly tập trung cho 2.547 người tại 3 cơ sở cách ly. Trong đó có 4 khu cách ly tập trung của thành phố, 22 cơ sở cách ly tập trung của TP Thủ Đức và quận, huyện với tổng công suất 1.298 giường, 41 khách sạn cách ly có thu phí với 4.458 giường.
HCDC xác định việc lây nhiễm chéo trong khu cách ly có thể xảy ra nếu không đảm bảo điều kiện tổ chức cách ly.
Khoảng cuối tháng 4, TP.HCM kịp thời phát hiện 2 trường hợp nhập cảnh trái phép từ Campuchia và đến Bệnh viện Từ Dũ để điều trị. Giám đốc HCDC nhận định qua sự việc này, thành phố xác định sẽ còn nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép khác khai báo y tế không chính xác.
Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thị Hải Yến, Trưởng khoa Truyền thống - Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, cho biết: "Là trung tâm kinh tế, đầu mối giao thông của cả nước nên mức độ di chuyển của người dân đến và đi khỏi thành phố rất lớn. Thành phố cũng là cửa ngõ giao thông quốc tế với một sân bay và gần 60 cảng hàng hải lớn nhỏ".
Vì vậy, bà Yến đánh giá nguy cơ bùng phát dịch từ người nhập cảnh trái phép là rất lớn.
Bên cạnh đó, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng cho biết cảng hàng hải có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh không khác gì cảng hàng không. Các chuyến tàu quốc tế, qua lại ở nhiều quốc gia khác. Khi cập bến Việt Nam, nguy cơ lây lan dịch có thể xuất phát từ việc tiếp xúc giữa các thuyền viên này (nếu mắc Covid-19 mà không được biết) với người khác (không được phòng hộ hoặc phòng hộ không đúng cách).
Mới đây nhất, ngày 6-5, thành phố đã ghi nhận tàu MD-SUN trở về từ Philippines neo đậu tại Phao số 5, Phước Long, Nhà Bè, có 3 trong tổng số 19 thuyền viên mắc Covid-19. Trước đó, hồi tháng 1, HCDC phát hiện một người trú tại quận 9 đã tự ý thuê ghe chở ra tàu đang neo đậu tại cảng Cát Lái (quận 2), để lén thăm người thân là thuyền viên trên tàu Philippines.
Để kiểm soát nguy cơ lây nhiễm từ các thuyền viên mắc bệnh với các trường hợp làm việc liên quan đến con tàu này, thành phố đã cách ly tất cả thuyền viên và tiến hành điều tra những người làm việc liên quan đến tàu. 74 trường hợp có liên quan đã được cách ly tập trung và có xét nghiệm lần 1 âm tính với SARS-CoV-2.
Ngoài ra, nguy cơ này cũng có thể xảy ra khi thuyền viên tự ý lên bờ hoặc người từ bên ngoài xuống tàu trái phép.
Chia sẻ với Zing, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), cho hay đợt dịch này rất nghiêm trọng với nhiều ổ lây nhiễm, nguồn lây. Đặc biệt, virus tấn công nhiều cơ sở y tế.
"Trên bản đồ dịch tễ hiện tại, mức độ lây nhiễm phân bố rộng rãi ở khu vực các tỉnh phía Bắc, giáp TP. Hà Nội. Điều này khiến người dân các tỉnh phía Nam, trong đó có TPHCM một phần chủ quan. Ngay lúc này, chúng ta cần nâng cao ý thức, nhắc nhở nhau phòng dịch, vì TPHCM chưa thể yên tâm vì luôn có nguy cơ rất cao", bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, bác sĩ Khanh cũng cho biết dù hiện tại, số ca nhiễm nCoV tại Việt Nam đang trên đà tăng mạnh do các khu vực có dịch, F1 đã được khoanh vùng. Do đó, trong vòng khoảng 2 tuần tới, theo đường cong dịch tễ, số lượng ca mắc sẽ đạt đỉnh cao nhất.
"TPHCM chưa có ca lây nhiễm liên quan các ổ dịch tại Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh phía Bắc, nhưng chúng ta cần theo dõi diễn biến dịch thêm 2 tuần, vì có thể còn ca bệnh trong cộng đồng chưa được truy vết. Ngoài ra, nếu trong vòng hai tuần tới, chúng ta có biện pháp can thiệp không tốt hoặc có diễn biễn xấu, dịch có thể bùng phát mạnh hơn. Hai tuần tới có thể là thời gian quyết định mức độ tạm an toàn. Trong 2 tuần này, tất cả phải dùng hành động quyết liệt", ông khuyến cáo.
Trước đó, ngày 29-4, sau khi tỉnh Hà Nam ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng là người đàn ông đã hết cách ly tập trung, TPHCM đã truy vết và xác định một trường hợp tiếp xúc gần (F1) và có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Lực lượng chức năng đã phong tỏa một số con hẻm tại quận Bình Tân và xét nghiệm toàn bộ người liên quan. Hiện, những người này đều âm tính với SARS-CoV-2. Từ sau trường hợp này, thành phố chưa ghi nhận thêm ca mắc mới.
Từ đầu mùa dịch Covid-19 đến chiều 10-5, TPHCM ghi nhận tổng cộng 267 ca mắc Covid-19, trong đó, 244 trường hợp đã điều trị khỏi bệnh, 23 đang điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho biết ngành y tế TPHCM đã chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, vật tư y tế, năng lực xét nghiệm, đảm bảo công suất đạt 15.000 mẫu đơn trong 24 giờ, thậm chí tăng 30.000-40.000 mẫu đơn nếu cần.
Phương án điều trị, cách ly khi dịch lan rộng trong cộng đồng cũng được chuẩn bị như nâng tổng công suất toàn thành phố lên trên 10.000 giường cách ly tập trung; tổ chức phương án điều trị cho 50-100 người bệnh Covid-19, dự trù kế hoạch đảm bảo điều trị cho 100-200 người và khẩn trương xây dựng thêm bệnh viện dã chiến với quy mô 5.000 giường, chuẩn bị cho tình huống có 30.000 ca bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bên canh đó, 52.000 thành viên của tổ Covid-19 cộng đồng được tập huấn và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.