Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến chi tiêu quốc phòng của các nước Đông Nam Á

(ĐTTCO) - Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế mà còn tác động đến ngân sách quốc phòng và kế hoạch mua sắm khí tài của nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Tuy nhiên, quan hệ giữa kinh tế và quốc phòng không hoàn toàn thống nhất do sự khác nhau giữa nhận thức về mối đe dọa an ninh và các ưu tiên kinh tế.

Quân đội Indonesia. Ảnh: BI
Quân đội Indonesia. Ảnh: BI

Singapore

Singapore, Indonesia và Brunei cho thấy mối tương quan trực tiếp nhất. Singapore, sau khi trải qua sự sụt giảm kinh tế ở mức 5,4% vào năm 2020 đã sửa đổi mức phân bổ cuối cùng cho ngân sách quốc phòng, với việc cắt giảm 9,5% kinh phí.

Singapore đã kiểm soát thành công dịch Covid-19 ở giai đoạn đầu, nhưng sau đó chứng kiến sự gia tăng đáng kể số ca mắc vào tháng 4/2020 do dịch bùng phát tại các khu nhà ở dành cho người nhập cư. Trong bối cảnh các dự báo kinh tế xấu đi, ngân sách quốc phòng năm 2020 được điều chỉnh giảm đáng kể xuống còn 9,9 tỷ USD, thấp hơn 12% so với so với mức ngân sách năm 2019. Tuy nhiên, quốc gia này được cho là sẽ sớm gia tăng kinh phí quốc phòng tương đương với mức trước đại dịch. Singapore đã lên kế hoạch tăng 13% ngân sách quốc phòng trong năm 2021, nâng mức chi tiêu lên 11,6 tỷ USD.

Rất khó đánh giá tác động của đại dịch đối với hoạt động mua sắm quốc phòng của Singapore vì có tương đối ít thông tin được công bố. Tuy nhiên, doanh thu của  Tập đoàn Chế tạo công nghệ Singapore đã tăng trưởng trong năm 2020 bất chấp doanh thu thương mại của nước này sụt giảm. Vẫn chưa rõ điều này là do các chương trình quốc phòng không bị ảnh hưởng hay do các hoạt động mua sắm quốc phòng được đẩy mạnh. Tuy nhiên, việc nhập khẩu khí tài quân sự của Singapore đã bị ảnh hưởng. Nước này đang chứng kiến sự chậm trễ trong việc tiếp nhận máy bay trực thăng của Pháp và tàu ngầm của Đức.  

Indonesia

Với nền kinh tế tăng trưởng – 2,1% vào năm 2020, Indonesia đã điều chỉnh mức tăng ngân sách quốc phòng thấp hơn so với kế hoạch đề ra.

Indonesia có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất ở Đông Nam Á, trong khi số ca mắc tại nước này cũng tăng lên mức cao nhất vào cuối tháng 1/2021. Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Covid-19, ngân sách quốc phòng của Indonesia đã được điều chỉnh giảm nhiều lần vào năm 2020.

Từ kế hoạch ban đầu là tăng 22% ngân sách quốc phòng so với năm 2019, Indonesia đã điều chỉnh giảm mức tăng là 14,3%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra, nâng chi tiêu quốc phòng lên đến 8,4 tỷ USD.

Đã có một số yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động mua sắm khí tài quân sự của Indonesia, đáng chú ý nhất là sự chậm trễ trong việc bàn giao tàu ngầm nội địa đầu tiên do nước này tự lắp ráp và chế tạo cho lực lượng hải quân và hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Ngân sách quốc phòng năm 2021 của Indonesia được dự trù tăng 10% hoặc 15% so với năm 2020, lên đến 9,7 tỷ USD, trong đó có khoản chi tiêu dành cho việc mua sắm máy bay chiến đấu mới.

Brunei

Brunei có số ca mắc Covid-19 tương đối thấp, một phần do nước này đóng cửa biên giới sớm vào năm 2020. Do ít chịu tác động của dịch bệnh nên Brunei là một trong số ít quốc gia có nền kinh tế không bị suy giảm vào năm 2020.

Dù tăng trưởng GDP vẫn giữ nguyên, nhưng nước này chỉ tăng 15% ngân sách quốc phòng trong năm 2020, thấp hơn mức 24% trong  năm 2019.

Trong khi đó, năm 2021, mặc dù đã lấy lại được đà tăng trưởng kinh tế nhưng Brunei vẫn công bố kế hoạch cắt giảm 16% ngân sách quốc phòng. Brunei đã không thực hiện hoạt động mua sắm quốc phòng nào kể từ thương vụ mua trực thăng Black Hawk vào năm 2011.

Malaysia

Mặc dù kinh tế bị sụt giảm đáng kể vào năm 2020, Malaysia vẫn tăng 1,7% ngân sách quốc phòng, duy trì hiệu quả việc chi tiêu theo điều kiện thực tế. Điều này phản ánh vai trò gia tăng của quân đội trong các nỗ lực ứng phó với đại dịch Covid-19.

Trong năm 2021, dù tập trung vào việc phục hồi kinh tế và nâng cấp dịch vụ y tế, nhưng quốc gia này vẫn quyết định tăng 1,8% ngân sách quốc phòng, lên đến 3,9 tỷ USD.

Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến nhiều chương trình mua sắm quốc phòng của Malaysia, trong đó có thỏa thuận mua tàu sứ mệnh ven biển (LMS) giữa nước này với Trung Quốc. Việc đưa vào vận hành chiếc tàu sứ mệnh ven biển thứ 2 mà Malaysia tiếp nhận của Trung Quốc đã bị trì hoãn gần 1 năm qua.

Chi tiêu quốc phòng của Malaysia đã bị đình trệ kể từ năm 2021, gây ra áp lực đối với hoạt động mua sắm quốc phòng ngay cả trước khi dịch bệnh bùng phát. Bất chấp các mức tăng được thực hiện vào năm 2020 và 2021, chi tiêu quốc phòng của nước này vẫn thấp hơn gần 1 tỷ USD so với năm 2015.

Philippines

Với số ca mắc Covid-19 cao thứ 2 ở Đông Nam Á, Philippines đã trải qua một trong những đợt suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong khu vực vào năm 2020. Nước này chứng kiến sự sụt giảm 9,5% GDP trong năm 2010. Tuy nhiên ngân sách quốc phòng vẫn được giữ ổn định ở mức tương đương với năm 2019.

Sức ép phải cắt giảm chi tiêu do suy thoái kinh tế dường như không làm ảnh hưởng đến ngân sách quốc phòng – vốn được chi phối bởi những lo ngại đáng kể về an ninh, cả trong nước lẫn ngoài nước. Philippines vừa phải nỗ lực trấn áp các nhóm nổi dậy trong nước lại vừa phải giám sát thường xuyên các vùng lãnh thổ ở Biển Đông do mối đe dọa từ bên ngoài.

Trong năm 2020, Philippines đã cố gắng duy trì chi tiêu quốc phòng trên danh nghĩa ở mức 3,7 tỷ USD, dù thực tế con số này giảm 2,4% do lạm phát lên tới 3,4%. Ngân sách quốc phòng năm 2021 được dự trù tăng 15%, lên đến 4,3 tỷ USD, gần gấp đôi ngân sách quốc phòng năm 2014.

Trước đó vào tháng 5/2020, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tuyên bố, nước này sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho các thương vụ mua sắm quốc phòng. Philippines đã gặp nhiều thuận lợi khi hợp tác với các nhà thầu của Israel và Hàn Quốc – hai quốc gia tương đối thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh.

Song do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên một số khoản kinh phí dành cho việc hiện đại hóa quân đội đã được chuyển sang cho cuộc chiến chống Covid-19. Bộ Quốc phòng Philippines dự kiến sẽ nhận lại hầu hết khoản kinh phí này trong năm 2021, nhưng một số dự án, chẳng hạn như chương trình mua tàu hộ tống của Hải quân đã bị đẩy lùi sang giai đoạn 2023-2028.

Các tin khác