Nguy cơ khủng hoảng nguồn cung lúa mì

(ĐTTCO) - Kể từ tuần cuối tháng 2-2022 cho đến tuần đầu tháng 3-2022, giá lúa mì thế giới đã tăng phi mã do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine. Trên sàn CBOT, các nhà đầu tư đã chứng kiến giá tăng kịch trần nhiều phiên liên tiếp do tình trạng “short squeeze” – còn được gọi là hiện tượng “ép mua” diễn ra đối với các trạng thái bán khống trước đó. 

Tính từ ngày 25-2-2022, giá hợp đồng lúa mì kỳ hạn tháng 5-2022 trên sàn CBOT đã tăng từ mức 859,6 cent/giạ lên mức cao nhất 1.363,4 cent/giạ, tương ứng tăng 58,6% chỉ trong vòng 2 tuần. Mức đỉnh lần này đã vượt qua đỉnh của năm 2008 khi giai đoạn đó ngành nông nghiệp thế giới trải qua mùa vụ thất thu bởi thời tiết La Nina.

“Cú đánh mạnh” vào nguồn cung
Trong báo cáo phát hành vào đầu tháng 3-2022, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã cắt giảm ước tính mức xuất khẩu lúa mì của Nga mùa vụ 2021-2022 xuống còn 32 triệu tấn, giảm 3 triệu tấn so với con số ước tính trong báo cáo hồi tháng 2-2022. Tương tự, xuất khẩu lúa mì của Ukraine cũng dự kiến giảm 4 triệu tấn, xuống còn 20 triệu tấn. Nguyên nhân cắt giảm bởi hoạt động xuất khẩu tại các cảng quan trọng gần khu vực Biển Đen và biển Azov bị gián đoạn hoặc ngưng trệ hoàn toàn kể từ khi xảy ra chiến tranh.
Nguy cơ khủng hoảng nguồn cung lúa mì ảnh 1
Tuy nhiên, mức cắt giảm 3 triệu tấn này của USDA đối với lượng xuất khẩu của Nga có vẻ như vẫn còn khiêm tốn, bởi đó mới chỉ là lượng xuất khẩu giảm do vấn đề logistics khó khăn. Có khả năng trong báo cáo phát hành tiếp theo vào tháng 4-2022, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ tiếp tục cắt giảm thêm ước tính xuất khẩu của Nga, bởi nước này ban hành lệnh cấm xuất khẩu các mặt hàng ngũ cốc như: lúa mì, lúa mạch, ngô và lúa mạch đen. Cụ thể, thời gian ngừng xuất khẩu sẽ diễn ra từ 15-3-2022 đến 31-9-2022. Trong khi đó, theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp Nga, lũy kế xuất khẩu lúa mì của mùa vụ 2021-2022 chỉ mới ghi nhận 26,8 triệu tấn tính đến ngày 10-3-2022, thấp hơn khoảng 22% so với cùng kỳ mùa vụ 2020-2021.

Giá sẽ tăng cao
Nguồn cung không chỉ bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, mà còn bị ảnh hưởng bởi việc sản lượng sản xuất không mở rộng theo kịp nhu cầu tiêu thụ. Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính sản lượng mùa vụ hiện tại ở mức 778,5 triệu tấn. Trong khi nhu cầu tiêu thụ mùa vụ 2021-2022 ở mức 787,3 triệu tấn, tăng khoảng 0,6% so với mùa vụ trước. Như vậy, nếu chưa tính tới yếu tố chiến tranh, sản lượng cũng đã thiếu hụt 8,8 triệu tấn so với nhu cầu.
Nguy cơ khủng hoảng nguồn cung lúa mì ảnh 2
Nguy cơ khủng hoảng nguồn cung lúa mì ảnh 3
Rủi ro hiện tại đối với an ninh lương thực toàn cầu là ở chỗ tầm quan trọng của khu vực Biển Đen đối với nhu cầu nhập khẩu lúa mì của khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Các sản phẩm từ lúa mì được xem là lương thực thiết yếu của người dân nơi đây do vấn đề dân số đông. Và đã từ lâu, khu vực này phụ thuộc vào nguồn cung cấp lúa mì từ Biển Đen. Điều này có tính chất tương tự như sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga. 
Do đó, việc thiếu thốn lương thực dẫn tới giá tăng cao sẽ ảnh hưởng tới đa số người nghèo ở Trung Đông và Bắc Phi, có nguy cơ tạo ra bất ổn xã hội khi liên tưởng tới sự kiện Mùa xuân Ả rập đã diễn ra hồi năm 2010 tại các quốc gia Ai Cập, Tunisia, Yemen… Cơ cấu nhập khẩu lúa mì của Ai Cập (quốc gia nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới) có tỷ trọng hơn 50% là từ Nga và Ukraine. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ (quốc gia nhập khẩu lúa mì lớn thứ 3 thế giới) thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn với tỷ trọng gần 90% nguồn cung đến từ Nga và Ukraine.
Trước tình hình căng thẳng nguồn cung hiện nay, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ đều đã có động thái cấm xuất khẩu ngũ cốc (bao gồm lúa mì) và các hạt lấy dầu để tránh nguy cơ khủng hoảng lương thực trong nước. Tương tự là Algeria (quốc gia nhập khẩu lúa mì lớn thứ 5 thế giới) đã ra lệnh cấm xuất khẩu đối với lúa mì, đồng thời sẽ có nhiều giải pháp hỗ trợ tăng sản lượng lúa mì trong nước cho các địa phương sản xuất.

“Dòng chảy” lúa mì thay đổi trên phạm vi toàn cầu
Ai Cập có khả năng sẽ thay thế nguồn cung từ Nga bằng việc chuyển qua nhập khẩu từ Mỹ và châu Âu. Trong khi đó, Algeria cũng quay lại với nguồn cung lúa mì từ Pháp (quốc gia từ xa xưa được xem là “vựa lúa mì của châu Âu” và là nơi xuất xứ của các thương hiệu bánh nổi tiếng). Trung Quốc cũng có các động thái tăng cường nhập khẩu lúa mì thông qua việc gỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu đối với lúa mì từ Nga; nguyên nhân do sản lượng lúa mì vụ đông của nước này dự kiến giảm khoảng 30% do thời tiết mưa nhiều.
Đối với các quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu lúa mì, hiện tại là cơ hội để tăng thị phần xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo lượng xuất khẩu của Australia sẽ tăng khoảng 7,8% lên mức 27,5 triệu tấn, còn Ấn Độ sẽ tăng 21,4% lên mức 8,5 triệu tấn. Đối với khu vực Bắc Phi và Địa Trung Hải, sự thay thế nguồn cung từ Biển Đen bằng Ấn Độ là một lựa chọn hợp lý bởi mặc dù thời gian vận chuyển lâu hơn, nhưng bù lại có chi phí thấp hơn.
Mối lo hiện tại không chỉ là việc gián đoạn nguồn cung, mà còn là sụt giảm nguồn cung trong mùa vụ tiếp theo 2022-2023 (bắt đầu từ tháng 5-2022). Bởi chiến tranh diễn ra tại Ukraine sẽ làm sản xuất tại nước này ảnh hưởng nặng nề, nguyên do thiếu lao động, thiếu nhiên liệu, thiếu phân bón, diện tích canh tác giảm do bom đạn. Sản lượng lúa mì của Ukraine mỗi năm hơn 30 triệu tấn.
Nếu chiến tranh kéo dài lâu, sản lượng có thể giảm 50% còn 15 triệu tấn, sẽ gây ra mức thiếu hụt lớn đối với thị trường. Trong khi đó, tình trạng thiếu phân bón và giá phân bón cao không chỉ diễn ra tại Ukraine, mà nó là vấn đề đang diễn ra toàn cầu do giá dầu và gas tăng phi mã. Vì vậy, dự kiến giá lúa mì sẽ còn tiếp tục tăng, bất chấp động thái chốt lời gần đây của các nhà giao dịch trên sàn hàng hóa.

Các tin khác