Nguy cơ mất tiền vì đất dự án trên giấy

(ĐTTCO)-Vào nửa đầu năm 2011, lợi dụng tình hình giá đất leo thang, nhiều tổ chức, cá nhân đã vẽ ra các dự án trên giấy, sau đó phân lô, bán nền, nhận tiền cọc với số tiền lớn. Đây cũng là bức xúc của bà Trần Thị Thanh Vân (ngụ phường 12, quận Bình Thạnh, TPHCM), khi làm đơn tố cáo một công ty bất động sản (BĐS) có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản. 
Dự án Tân Hưng Center ở Suối Da, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú chưa được cấp phép
Dự án Tân Hưng Center ở Suối Da, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú chưa được cấp phép

Hợp đồng một đằng, làm một nẻo

Do có nhu cầu mua đất, ngày 13-5-2021, bà Trần Thị Thanh Vân ký hợp đồng đặt cọc với Công ty Bình Minh mua lô đất số 19 có diện tích 1.110,9m2 (gắn liền với tài sản trên đất) thuộc dự án Tân Hưng Center IV tại ấp Suối Da, xã Tân Hưng (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) với số tiền 580 triệu đồng.

Phương thức thanh toán là đợt 1 đặt cọc 50 triệu đồng; đợt 2 từ 30 - 60 ngày thanh toán 520 triệu đồng khi ký chuyển nhượng tại văn phòng công chứng; đợt 3 từ 45 - 60 ngày thanh toán số tiền 10 triệu đồng khi nhận sổ hồng.

Trước 13-7-2021 (ngày hết hiệu lực của hợp đồng nhận cọc), phía Công ty Bình Minh liên tục buộc bà Vân chuyển thêm 100 triệu đồng để gia hạn ngày công chứng, nhưng bà Vân từ chối.

Bà Vân còn nhận được yêu cầu của Công ty Bình Minh là từ 10 - 15 ngày phải chuyển số tiền đợt 2 (520 triệu đồng) cho công ty, nếu không nộp sẽ bị mất tiền cọc; còn việc ký chuyển nhượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi nào hết dịch Covid-19 sẽ thực hiện.  

Chúng tôi tìm đến trụ sở Công ty Bình Minh nhưng nơi này đóng cửa do TP Thủ Dầu Một đang giãn cách xã hội, liên lạc qua điện thoại hỏi mua đất ở dự án tại ấp Suối Da thì được người của công ty trả lời đã bán hết.

Tiếp tục gọi vào số điện thoại tại website công ty, nhân viên pháp lý trả lời: không làm việc với cơ quan báo chi, bởi không nắm được pháp luật liên quan đến đất đai. Nhân viên này biện minh, theo luật đất đai thì được nhận cọc 10%, nhưng người bán mới ký hợp đồng đặt cọc đóng 50 triệu đồng.

Nhân viên này cũng đổ lỗi cho nhân viên kinh doanh không phân biệt được tờ trước hay tờ trong của sổ đất, do đó đã cung cấp thông tin về giấy tờ pháp lý lô đất không chính xác (bìa của lô đất là một vị trí khác, nhưng ruột bên trong lại là một vị trí khác). 

Có dấu hiệu lừa đảo khách hàng?  

Sau khi nhận thấy có dấu hiệu không minh bạch, bà Vân làm việc với cán bộ địa chính xã Tân Hưng thì được biết, lô đất trồng cây lâu năm này không chuyển sang đất thổ cư được.

Nghĩ mình cùng nhiều người đã mắc bẫy do tin vào lời của nhân viên công ty là “sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ tiếp tục chuyển sang đất thổ cư cho khách hàng” nên bà Vân đã làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan CSĐT Công an huyện Đồng Phú.   

Qua tìm hiểu của PV, ở xã Tân Hưng chỉ có duy nhất một dự án khu dân cư là Tân Hưng Center của Công ty CP Đầu tư Dịch vụ địa ốc Hưng Thịnh Phát (trụ sở chính tại số 173/5, Khu Y4, phường An Phú, thị xã Thuận An). Dự án nằm trên đường liên ấp Suối Đôi - Suối Da chia làm 2 khu đất, cách nhau bởi một con đường tự mở nối với đường mòn chạy thẳng vào các lô cao su phía sau, đã được phân lô, với mỗi nền đất chừng 200m2. 

Chúng tôi đã liên lạc điện thoại với lãnh đạo UBND xã Tân Hưng và được xác nhận: Trên địa bàn xã không có dự án khu dân cư - kinh doanh BĐS Tân Hưng Center IV. Số liệu của Sở Xây dựng tỉnh Bình Phước cũng cho thấy, đến nay toàn tỉnh chỉ có 38 dự án khu dân cư được phép chuyển quyền sử dụng đất cho người dân.

Đáng chú ý, khu dân cư Tân Hưng Center IV không có trong danh sách này và ngay cả dự án Tân Hưng Center đã được phân lô ở trên cũng chưa được cấp phép xây dựng. Từ các thông tin thu thập được cho thấy, Công ty Bình Minh đã “tự vẽ” dự án Tân Hưng Center IV để bán cho bà Vân và việc hối thúc khách hàng chuyển tiền đặt cọc khi chưa ký hợp đồng công chứng, càng cho thấy vụ việc có dấu hiệu lừa đảo khách hàng. 

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Tri Đức, Giám đốc Công ty Luật 360 (TPHCM), phân tích, hồ sơ quan trọng nhất khi mua bán dự án BĐS là đồ án, quy hoạch, vị trí, sàn giao dịch..., nhưng bên bán không cung cấp đầy đủ, rõ ràng, thúc ép khách hàng chuyển tiền là có dấu hiệu khuất tất và mờ ám, không loại trừ đây là thủ đoạn lừa đảo được các đối tượng giăng ra để chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Hình thức mua bán BĐS trong vụ việc này giống với các cách thức đã được Công ty Địa ốc Alibaba sử dụng để quảng cáo, phân lô bán đất nền ở TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đã bị cơ quan CSĐT Công an TPHCM khởi tố vụ án hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Do đó, vụ việc cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi của người mua và về phía khách hàng cần kiểm tra kỹ pháp lý của dự án để tránh nguy cơ mất tiền vì mua đất dự án “ảo”.

Các tin khác