Nguy cơ thuốc bảo vệ thực vật

(ĐTTCO) - Sự kiện một tòa án ở Hoa Kỳ ra phán quyết Tập đoàn Monsanto phải bồi thường cho một người làm vườn gần 290 triệu USD trong vụ kiện liên quan đến thuốc diệt cỏ Roundup do tập đoàn này sản xuất, đang khiến dư luận lo lắng về các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), trong đó có thuốc diệt cỏ lâu nay Việt Nam vẫn nhập về sử dụng.

 

Nguy cơ thuốc bảo vệ thực vật
Thuốc diệt cỏ có chứa glyphosate diệt trừ được hầu hết loại cỏ đa niên và cỏ hàng niên. Đặc biệt thuốc có hiệu quả cao và kéo dài đối với một số lọai cỏ khó diệt như cỏ tranh, cỏ mắc cỡ, lau sậy, cỏ ống.
Glyphosate có tác động lưu dẫn, có thể xâm nhập bên trong thân qua bộ lá và các phần xanh của cây cỏ rồi di chuyển đến tất cả các bộ phận của cây (kể cả rễ và thân ngầm) nên diệt cỏ rất triệt để và hữu hiệu trong việc ngăn cản cỏ mọc trở lại. Hoạt chất diệt cỏ glyphosate hiện được 160 quốc gia sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.
Glyphosate trở thành tâm điểm của dư luận thế giới từ tháng 3-2015, khi Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) trực thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), công bố kết luận phân loại cho glyphosate là nhóm 2A, tức nhóm có khả năng gây ung thư cao cho người sử dụng, nhiều quốc gia trên thế giới đã tẩy chay loại thuốc này. Theo đó, các nước Hà Lan, Thụy Điển và Pháp đã kiên quyết không cấp phép sử dụng thuốc diệt cỏ chứa glyphosate tại châu Âu.
Còn các nước Argentina, Sri Lanka, Colombia đều ban hành lệnh cấm sử dụng các sản phẩm chứa glyphosate trên toàn lãnh thổ. 
Trong khi đó, tại Việt Nam, glyphosate là chất phổ biến trong các loại thuốc diệt cỏ bày bán tràn lan và cũng là loại hóa chất có trong danh mục thuốc BVTV được cấp phép sử dụng. Đây là nhóm thuốc diệt cỏ lớn, trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam và hiện đã có 94 công ty đăng ký 126 loại thuốc thương phẩm đơn chất glyphosate, 7 công ty đăng ký 7 thuốc thương phẩm dạng hỗn hợp của glyphosate với các hoạt chất khác như 2.4D, paraquat… Đặc biệt, hiện nay tại Việt Nam, các sản phẩm thuốc BVTV có hoạt chất glyphosate hầu hết đều do Monsanto phân phối các doanh nghiệp. 
Vấn đề cần quan tâm lúc này là, trái ngược với kết luận của IARC, 3 cơ quan khác thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), gồm Cơ quan đánh giá chủ lực, Cơ quan hướng dẫn về chất lượng nước uống và Cơ quan quốc tế về an toàn hóa chất, đều thống nhất rằng glyphosate không phải chất gây ung thư và không có rủi ro đối với sức khỏe con người.
Cả 3 cơ quan này đều dựa trên nguyên tắc đánh giá rủi ro sản phẩm. Sau đó, Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu cũng đưa ra kết luận glyphosate không có khả năng gây ung thư cho con người. Thêm vào đó, năm 2016, nhóm làm việc chung của FAO/WHO về dư lượng thuốc BVTV (JMPR) cũng đưa ra kết luận rằng glyphosate không tiềm ẩn bất cứ rủi ro gây ung thư nào đối với con người. Bản thân IRAC sau đó cũng thừa nhận phân loại của họ đưa ra có thể gây hiểu lầm.
Hiện nay cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát, kiểm định và cấp phép cho các loại thuốc BVTV nhập khẩu vào thị trường nội địa là Cục BVTV (Bộ NN-PTNT). Được biết, từ năm 2015 khi có sự tranh cãi ở châu Âu về việc thuốc diệt cỏ có nguy cơ gây ung thư hoặc ảnh hưởng tới sức khỏe của người sử dụng trực tiếp cũng như người tiêu dùng các sản phẩm nông sản, cơ quan này đã báo cáo lãnh đạo bộ và từ tháng 4-2016 đến nay Bộ NN-PTNT đã xem xét và quyết định dừng cho đăng ký mới nhập khẩu loại thuốc diệt cỏ này.
Và hiện tại, Cục BVTV đang theo dõi sát các vụ việc liên quan đến glyphosate. Nếu có đủ bằng chứng chứng minh ảnh hưởng sức khỏe con người, cơ quan này sẽ loại bỏ glyphosate ra khỏi danh mục thuốc BVTV được sử dụng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, điều dư luận quan ngại là trong 5 năm qua, Việt Nam đã chi mỗi năm khoảng 500 triệu USD để nhập khẩu thuốc BVTV và nguyên liệu sản xuất thuốc BVTV từ Trung Quốc. Trong số thuốc BVTV được nhập khẩu, thuốc diệt cỏ chiếm 48% (19.000 tấn), thuốc trừ sâu chiếm 32% (16.400 tấn), thuốc điều hòa sinh trưởng cây trồng khoảng 900 tấn.
Năm 2017, một công bố của Công ty Nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, thị trường thuốc BVTV tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình 6,8%/năm trong giai đoạn 2017-2022. Ước tính giá trị thị trường thuốc BVTV của Việt Nam sẽ đạt 1,266 tỷ USD vào năm 2022.
Vì thế, yêu cầu đặt ra lúc này là ngoài tiếp tục theo dõi diễn biến vụ việc của Tập đoàn Monsanto để có quyết định cuối cùng về sử dụng thuốc diệt cỏ có chứa hoạt chất glyphosate, cơ quan chức năng cần xem xét nghiêm túc hoạt động nhập khẩu và sử dụng các loại thuốc BVTV hiện nay. Bởi những năm gần đây, mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng 70.000 tấn thuốc thành phẩm trên đồng ruộng. 99% thuốc BVTV tại Việt Nam được nhập khẩu từ nước ngoài, chỉ một lượng nhỏ được sản xuất trong nước, trong đó các doanh nghiệp nhập nguyên liệu thuốc BVTV từ Trung Quốc chiếm 85-90%.
Do đó, việc rà soát toàn bộ danh mục thuốc BVTV để loại bỏ những loại thuốc có hoạt chất gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường là vấn đề cấp bách.

Các tin khác