Mức thuế lên đến gần 50%
Theo đó, từ ngày 4-7 tới, chủ sở hữu các công ty xe điện Trung Quốc như MG, SAIC, sẽ đối mặt với mức thuế cao nhất là 48%. Geely, công ty liên doanh với Volvo, đối mặt với mức thuế 20%. Mức thuế 17,4% sẽ được áp dụng cho các thương hiệu BYD, bao gồm cả xe Dolphin và Seal ra mắt tại EU vào năm ngoái. Các công ty sản xuất xe điện nước ngoài hợp tác với các công ty Trung Quốc sẽ phải đối mặt với mức thuế 21%.
Xe điện chuẩn bị được đưa lên tàu xuất khẩu tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX
Các mức thuế này nhằm chống lại sự trợ giá dành cho ngành sản xuất xe điện của Trung Quốc, giúp xe điện xuất khẩu của nước này có giá rẻ hơn so với các đối thủ toàn cầu. Quyết định áp thuế của EU được đưa ra sau cuộc điều tra kéo dài 9 tháng về cáo buộc trợ cấp không công bằng đối với xe điện chạy pin (BEV) của Trung Quốc.
Châu Âu là điểm đến chính cho xuất khẩu xe điện của Trung Quốc. Theo tổ chức nghiên cứu Rhodium Group, năm 2023, giá trị nhập khẩu xe điện từ Trung Quốc vào EU đạt 11,5 tỷ USD so với 1,6 tỷ USD vào năm 2020. Về lý thuyết, các công ty Trung Quốc vẫn phải cung cấp bằng chứng để phản bác các cáo buộc trợ giá của EU. Nếu thành công, EU có thể giảm bớt thuế cho xe điện của Trung Quốc nhập khẩu vào khối.
Ủy ban châu Âu mong muốn giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán trước khi thuế quan tạm thời có hiệu lực vào ngày 4-7 và để tránh sự trả đũa từ Trung Quốc với các sản phẩm từ EU. Nếu người tiêu dùng đặt mua xe trước ngày này và giá đã được ấn định thì không bị ảnh hưởng.
Trung Quốc sẽ đáp trả
Theo Reuters, EU cho rằng mọi giai đoạn của quy trình sản xuất xe điện tại Trung Quốc, từ mỏ sản xuất lithium dùng trong pin đến vận chuyển xe đến EU đều được nhà nước trợ cấp ở cấp quốc gia, khu vực và địa phương và dành riêng cho từng trường hợp.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lin Jian cho biết, cuộc điều tra của EU là “trường hợp điển hình của chủ nghĩa bảo hộ” và thuế quan sẽ gây tổn hại cho hợp tác kinh tế Trung Quốc - EU, cũng như sự ổn định của chuỗi sản xuất và cung ứng phương tiện trên toàn cầu.
Ông Lin Jian tuyên bố, Bắc Kinh sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để “bảo vệ vững chắc” các quyền và lợi ích của mình. Bắc Kinh đã tiến hành một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với hầu hết rượu do Pháp sản xuất nhập khẩu vào Trung Quốc; thông qua một đạo luật vào tháng 4 để tăng cường khả năng đáp trả nếu Mỹ hoặc EU áp đặt thuế quan đối với hàng xuất khẩu của nền kinh tế số 2 thế giới.
Theo các nhà phân tích, phản ứng của Bắc Kinh đối với thuế quan có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại (với châu Âu), điều này sẽ gây tổn hại lớn đến khu vực vẫn phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng do Trung Quốc thống trị, ảnh hưởng đến mục tiêu cắt giảm khí thải của EU.
Bộ trưởng Giao thông Đức, Volker Wissing cho rằng, thuế quan trừng phạt của Ủy ban châu Âu đánh vào các công ty Đức liên doanh với Trung Quốc vì Trung Quốc là thị trường quan trọng đối với các nhà sản xuất xe Đức - đặc biệt là Volkswagen có liên doanh với Công ty SAIC của Trung Quốc.