NH rất kỳ vọng cơ hội
Tháng 7-2021, OCB thông báo khóa room ngoại ở mức 22%. Tín hiệu này được cho là nhà băng có những tính toán về việc tiếp tục tìm NĐTNN chiến lược để bán phần vốn còn lại (quy định tổng vốn ngoại ở một NH không quá 30% vốn điều lệ). Không chỉ OCB, khoảng 1 năm nay, việc khóa room ngoại cũng diễn ra phổ biến ở nhiều nhà băng.
Chẳng hạn, Techcombank đang giới hạn sở hữu của NĐT ngoại ở mức 22,4908%. Giữa tháng 8 năm nay, SHB cũng tạm khóa room của các NĐTNN ở mức 10%. Cuối tháng 4-2021, VPBank chốt tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa ở mức 15% để dọn đường cho cổ đông ngoại. Hay hồi cuối năm 2020, HDBank cũng đã điều chỉnh room từ 30% xuống 21,5%, với mục tiêu phục vụ kế hoạch hợp tác với các đối tác chiến lược nước ngoài.
Đối với các NH Việt Nam, việc tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài để nâng cao năng lực tài chính và quản trị là mục tiêu chung. Nhưng từ năm 2013 đến nay, việc tìm kiếm NĐTNN là kịch bản khó khăn, nhiều cổ đông chiến lược nước ngoài cũng đã chia tay NH Việt Nam. Trong đó phải kể đến làn sóng NH nước ngoài thoái vốn khỏi các NH Việt Nam, với tên tuổi lớn như Standard Chartered, HSBC, ANZ, Bank of America, Duetche Bank…
Nếu tính trong vòng 5 năm trở lại đây, ngành NH chỉ có vài thương vụ lớn đáng chú ý như BIDV phát hành riêng lẻ thành công 15% vốn cổ phần cho Hana Bank năm 2019, và OCB bán 15% cổ phần cho đối tác Aozora. Còn lại nhiều NH cũng bắt tay với đối tác ngoại nhưng tỷ lệ sở hữu dưới 5% vốn điều lệ của NH. Điều này cho thấy các NH Việt Nam đang rất “khát” cổ đông chiến lược nước ngoài, rất kỳ vọng sự gia nhập của đối tác chiến lược.
Nhưng lại vướng rào cản
Cái khó nói trên xuất phát từ một câu chuyện cũ nhưng vẫn luôn nóng với các NHTM. Các NHTM không ít lần chỉ ra việc tìm kiếm, lựa chọn các đối tác chiến lược đã khó nhưng đàm phán để đi đến kết quả chung cuộc càng khó hơn, bởi vướng mắc lớn nhất tập trung vào tỷ lệ vốn chủ sở hữu. Theo quy định tại Nghị định 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc NĐTNN mua cổ phần của NHTM Việt Nam có hiệu lực từ ngày 20-2-2014, tỷ lệ sở hữu cổ phần cá nhân nước ngoài không quá 5% vốn điều lệ, và tổ chức nước ngoài không quá 15% vốn điều lệ.
Đồng thời, một NĐT chiến lược sở hữu không quá 20% vốn điều lệ. Tổng mức sở hữu cổ phần của các NĐTNN không vượt quá 30% vốn điều lệ của một NHTM Việt Nam. Quy định này là một rào cản rất lớn, khiến các NĐT chiến lược chưa mặn mà thậm chí rút đi.
Nhìn một cách khách quan, các NĐTNN tham gia vào các NH Việt Nam trước đây phải chấp nhận lợi nhuận rất thấp. Thậm chí có một khoảng thời gian, nhiều NH không chia cổ tức để tập trung tái cơ cấu. Đây là một bất lợi lớn để duy trì hợp tác với cổ đông nước ngoài. Song có thể thời gian đầu, các NĐTNN, cụ thể là các NH nước ngoài tham gia vào các NH Việt Nam với tâm lý chấp nhận một mức lợi nhuận rất thấp để tìm được giá trị gia tăng cho đầu tư của họ trong tương lai.
Cụ thể là sau một thời gian hợp tác, tìm hiểu thị trường, tập quán địa phương, họ đã tách ra hoạt động độc lập khi điều kiện thành lập NH liên doanh, NH 100% vốn nước ngoài hoặc chi nhánh NH nước ngoài ngày càng cởi mở trong bối cảnh kinh tế hội nhập.
Nhưng nguyên nhân sâu xa vẫn là tỷ lệ sở hữu. Một chuyên gia tài chính chia sẻ, với tỷ lệ như quy định, tuy trở thành cổ đông lớn tại NH Việt Nam nhưng NĐTNN không đủ thẩm quyền quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của NH đó, dẫn đến mâu thuẫn giữa cổ đông chiến lược với HĐQT. Vì vậy, cổ đông chiến lược cũ rời đi nhưng cổ đông mới vẫn chưa đến.
Cho nên chuyên gia này nhìn nhận, việc NH khóa room ngoại được giải thích là dành cho kế hoạch hợp tác với NĐT chiến lược trong thời gian tới, nhưng cũng có thể chỉ là chiêu để vẽ nên một “bức tranh đẹp” về tình hình hoạt động. Khóa room ở mức thấp hơn trần tạo ra cảm giác NH giữ room này cho đối tác khác, nhưng có thể thực chất ở bên trong các NĐTNN đã thoái vốn, NH không còn cách nào khác phải giảm tỷ lệ đó xuống và khóa lại để tránh biến động lớn đến giá cổ phiếu.
Ông Nguyễn Quốc Hùng,Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam cho rằng, quy định tỷ lệ sở hữu cổ phần của NĐTNN cần được phân loại theo nhóm. Trong đó, NH đã hoàn thành Basel II, đang tiếp tục nâng cao Basel III có thể nâng tỷ lệ góp vốn cổ đông nước ngoài lên cao hơn tỷ lệ 30% như đã quy định. Song việc nâng tỷ lệ góp vốn phải đảm bảo hài hòa lợi ích, nhu cầu của các NĐT với vai trò quản lý nhà nước.
Rộng hơn, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để Việt Nam đi vào trong hệ thống tài chính toàn cầu, cần phải có ít nhất 1 đến 2 NH tham gia vào các thị trường tài chính lớn như New York, London, Tokyo. Muốn vậy, ngoài việc các NHTM phải có những NH có quy mô rất lớn, tạo được sự tin tưởng của các cổ đông tiềm năng và đặc biệt nữa Việt Nam phải nới room cho các NĐTNN, còn nếu vẫn giữ room như hiện nay sẽ hạn chế việc niêm yết cổ phiếu ra các thị trường tài chính nước ngoài.
Trong khi các nhà băng còn trống room NĐTNN chiến lược, thì lại thu hút dòng tiền từ khối ngoại trên phương diện kiếm lời từ các giao dịch mua bán cổ phiếu đang lưu hành. Theo đó, dư địa room ngoại bị lấp đầy nhưng NH không thu được lợi ích, tác động đến việc huy động vốn từ NĐT chiến lược. |