Nhà băng lãi lớn từ đâu?

(ĐTTCO) - Đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều NH công bố kết quả kinh doanh quý I với mức lợi nhuận trước thuế đầy khả quan. Đáng chú ý trong quý này, nhóm các NH TMCP quy mô vừa và nhỏ đã có xu hướng bứt phá về mức tăng trưởng lợi nhuận.

Nhà băng lãi lớn từ đâu?

Những điểm sáng lợi nhuận

Là NH đầu tiên công bố lợi nhuận quý đầu năm, NamABank đã đưa ra một con số tích cực, với mức lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 1.214 tỷ đồng (tương ứng tăng 21,52% so với cùng kỳ năm 2024). Sau đó, nhiều nhà băng đã dần hé lộ kết quả kinh doanh, đều ghi nhận mức tăng trưởng cao trong tháng đầu năm.

Như VietinBank gây ấn tượng về mức lợi nhuận khi lãnh đạo NH cho biết tại đại hội cổ đông, tính đến 15-4, LNTT riêng lẻ ước đạt 9.417 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2024. VPBank cũng thông báo LNTT hợp nhất đạt 5.015 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.

LPBank đã đạt hơn 3.175 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ 2024. MSB đạt 1.630 tỷ đồng, tăng 6,5% so với mức 1.530 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2024. TPBank LNTT hơn 2.100 tỷ đồng, tương đương 26% kế hoạch năm, tăng hơn 40% so với cùng kỳ 2024.

Năm nay, các nhà băng cũng đặt mục tiêu LNTT cả năm khá ấn tượng. ABBank là NH đặt mục tiêu tăng trưởng LNTT cao nhất, với mức tăng 131% so với kết quả thực hiện năm trước, đạt 1.800 tỷ đồng. Kết thúc quý I với mức LNTT đạt được gần 400 tỷ đồng, lãnh đạo NH cho rằng đây là con số có tính khả thi đối với kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Ngoài ra còn có VietBank đặt mục tiêu lãi trước thuế tăng 55% so với năm 2024, đạt hơn 1.750 tỷ đồng. SHB đặt mục tiêu LNTT năm 2025 đạt 14.500 tỷ đồng, tăng trưởng 25%. Tương tự, một số nhà băng khác cũng đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận cao trên ngưỡng 20% như OCB, Eximbank, HDBank, VPBank và VIB.

Lợi nhuận đến từ đâu?

Hồi tháng 3, Công ty Chứng khoán MBS dự báo, trong quý I-2025, lợi nhuận ngành NH tăng trưởng 15% so với cùng kỳ nhờ tín dụng đã bắt đầu tăng tốc ngay từ đầu năm. Hiện số liệu từ các NH đã công bố kết quả kinh doanh tích cực, cũng cho thấy có điểm chung là mức tăng trưởng tín dụng (TTTD) cao hơn so với mức tăng chung của toàn ngành.

Tại VietinBank, đến ngày 15-4, dư nợ tín dụng đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,7%. Đánh giá về triển vọng năm 2025, lãnh đạo VietinBank cho rằng tình hình sẽ khó khăn hơn năm 2024, khi chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ và các biến động toàn cầu gia tăng.

Áp lực điều hành với Chính phủ, NHNN và cả hệ thống tổ chức tín dụng chắc chắn sẽ lớn hơn. Tuy nhiên, lãnh đạo VietinBank vẫn lạc quan về kết quả kinh doanh năm nay, một phần nhờ hoạt động đẩy mạnh giải ngân lĩnh vực đầu tư công.

Cũng trong 3 tháng đầu năm, SHB ghi nhận mức TTTD đến 7%, MSB đạt 8,92%. Song song đó, NamABank tăng 6% so với đầu năm, LPBank tăng 6,2%, tín dụng NH riêng lẻ của VPBank tăng 5,4% so với đầu năm, TPBank đã ghi nhận mức TTTD 3,75% và thu nhập từ lãi đạt mức cao 3.380 tỷ đồng…

Ngoài ra, một số NH bứt phá lợi nhuận nhờ tăng thu dịch vụ và cắt giảm chi phí. Trong đó doanh thu thuần ngoài lãi đạt 3.369 tỷ đồng là điểm sáng của SeABank, góp phần đẩy tỷ trọng tổng thu nhập hoạt động đạt 5.820 tỷ đồng trong quý đầu năm.

TPBank trong quý này cũng ghi nhận mức thu nhập thuần từ dịch vụ 910 tỷ đồng, tăng 27% so với quý I-2024. Còn tại VietABank, cho vay khách hàng đạt 84.910 tỷ đồng, tăng 6,3%. Thu nhập lãi thuần tăng trưởng 13,5% so với cùng kỳ, mang về 612,5 tỷ đồng.

Có một điểm đáng chú ý trong quý I, một số NHTMCP quy mô vừa và nhỏ đã ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn cả nhóm NHTM quy mô lớn. Tại chương trình Data Talk mới đây, ông Lê Hoài Ân, chuyên gia nghiên cứu chiến lược NH chia sẻ, lợi nhuận của NH phần lớn đến từ tín dụng, nhưng các NH thuộc nhóm lớn tăng trưởng không cao bằng các NHTMCP quy mô nhỏ.

Nguyên nhân vì kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, nhu cầu tiêu dùng, mua nhà, mua ô tô… Trong khi đó, một số NHTMCP quy mô nhỏ không cạnh tranh được với NH lớn trong việc cho vay tập đoàn lớn, nên họ đã tìm đến các “ngách”, tìm đến những khách hàng NH lớn không tiếp cận.

Cụ thể là đối với các dự án bất động sản, các doanh nghiệp bất động sản phải tiến hành tái cơ cấu. Bước chuyển này đã diễn ra từ giữa năm 2024, đã mang lại mức TTTD tốt cho nhóm NH quy mô nhỏ trong quý I này.

Song dự báo về tình hình hoạt động chung, ông Lê Hoài Ân cho rằng, danh mục cho vay vẫn là “ẩn số” mỗi năm, vì mỗi NH sẽ phân bổ tín dụng theo cách riêng. Đó chính là yếu tố tạo nên khác biệt lớn về kết quả kinh doanh năm nay.

Đồng thời, biên lợi nhuận (NIM) toàn ngành sẽ tiếp tục xu hướng giảm, trước yêu cầu giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và mỗi NH sẽ có cách riêng để duy trì biên lợi nhuận. Theo đó, việc kiểm soát chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả nhờ công nghệ, sẽ là câu chuyện đáng theo dõi nhất của ngành NH trong năm 2025.

Theo các chuyên gia của FiinGroup, các NHTMCP quy mô lớn đang dẫn đầu về tốc độ TTTD và khả năng huy động vốn, trong khi các NH vừa và nhỏ có thể gặp khó khăn về lợi nhuận và chất lượng tài sản.

Nếu các điều kiện kinh tế vĩ mô không thuận lợi trong năm 2025, sự phân hóa lợi nhuận và chất lượng tài sản giữa các NH sẽ gia tăng mạnh. Các NH có nền tảng vốn yếu, danh mục cho vay rủi ro cao (đặc biệt là bất động sản) sẽ dễ bị tổn thương hơn cả.

Các tin khác