Nhà băng tìm cách hút vốn ngoại

(ĐTTCO)-Tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) là mục tiêu chung của nhiều ngân hàng thương mại (NHTM). Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc tìm được NĐT chiến lược khó khăn hơn nhiều, một số nhà băng có vẻ chuộng xu hướng chuyển sang tìm kiếm các NĐT tài chính để tăng thêm vốn điều lệ.
Nhà băng tìm cách hút vốn ngoại
Trong tài liệu phục vụ họp đại hội cổ đông ngày 28-4, OCB cho biết dự kiến tăng thêm 32% vốn điều lệ trong năm nay, từ mức 10.959 tỷ đồng lên 14.449 tỷ đồng. Phương án để thực hiện bao gồm chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%, phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và phát hành riêng lẻ.
Đối với phần phát hành riêng lẻ, NH này dự kiến không chỉ tìm đến NĐT trong nước mà còn hướng đến NĐTNN. Cụ thể, nhà băng này có kế hoạch chào bán 70 triệu cổ phiếu cho NĐT nội lẫn ngoại. Trong trường hợp NĐTNN mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ, NH sẽ trình cổ đông nới room ngoại lên mức tối đa 30%. 
Tương tự OCB, kế hoạch tìm kiếm đối tác ngoại cũng đang được nhiều nhà băng khác ấp ủ. Đầu năm nay, lãnh đạo NamABank đã đề cập đến việc chào bán 143 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tương đương 1.430 tỷ đồng), trong đó sẽ chào bán cho NĐTNN theo tỷ lệ quy định.
VietCapital Bank mới đây cũng thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại NH là 30%. Động thái quyết định room ngoại lên mức tối đa 30% của VietCapital Bank được dự đoán là vì xuất phát từ kỳ vọng hút thêm nguồn vốn từ các NĐTNN. 
Trước nay trong lĩnh vực tài chính NH, các nhà băng không ngừng chạy đua lên kế hoạch tìm kiếm NĐTNN chiến lược và coi đây như là một yếu tố góp phần tạo nên sự thành công trong hoạt động kinh doanh và quảng bá thương hiệu.
Những năm 2005-2007 là thời điểm có nhiều thương vụ bán vốn ngoại thành công giữa NH Việt và các định chế tài chính nước ngoài. Bước sang năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã kìm hãm đà hợp tác này và đến năm 2010 mới hồi phục trở lại.
Dù vậy, sự hồi phục này cũng không kéo dài quá lâu. Từ năm 2013 đến nay, câu chuyện tìm NĐTNN hợp tác chiến lược đã trở lại kịch bản khó khăn.
Thậm chí nhiều NĐT đến từ khu vực châu Âu còn lần lượt rút vốn khỏi các nhà băng khi điều kiện thành lập NH liên doanh, NH 100% vốn nước ngoài hoặc chi nhánh NH nước ngoài tại Việt Nam ngày càng cởi mở khi Việt Nam mở cửa hội nhập. 
Ghi nhận ở thời điểm hiện tại, số lượng NH theo đuổi mục tiêu tìm kiếm NĐT chiến lược có vẻ hạn chế hơn. Ngược lại, kế hoạch phát hành riêng lẻ trong đó bao gồm phát hành cho cả NĐT trong nước và nước ngoài ngày càng sôi động. Nhiều ý kiến cho rằng, lựa chọn hướng đi như vậy có thể sẽ thực hiện nhanh nhu cầu tăng vốn hơn.
Như OCB, để thành công trong thương vụ bán vốn cho NĐT chiến lược Aozora, NH phải mất hơn 2 năm đàm phán trước đó. Thậm chí, có một số nhà băng đặt kế hoạch nhiều năm liền vẫn chưa đạt được. 
Các chuyên gia tài chính cho rằng, khó khăn trong tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài đầu tiên là do tỷ lệ tham gia đầu tư còn bị hạn chế theo quy định của pháp luật Việt Nam không được vượt quá 20% vốn điều lệ của NH.
Với tỷ lệ như vậy, tuy trở thành cổ đông lớn tại NH Việt Nam, nhưng NĐT chiến lược không đủ thẩm quyền quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của NH đó. 
Một nguyên nhân nữa là trước khi việc xác lập giao dịch bán cổ phần, NĐT chiến lược đưa ra hợp đồng soạn thảo theo mẫu tiêu chuẩn quốc tế, nhưng cũng có nhiều nội dung theo hướng có lợi cho họ, trong khi nội dung đó chưa được pháp luật Việt Nam quy định hoặc quy định chưa rõ ràng.
Điều này dẫn đến quá trình thương thảo kéo dài nhiều năm, thậm chí nhiều thương vụ không thể đạt được thỏa thuận cuối cùng. Ở thời điểm này, tìm đối tác hợp tác chiến lược càng khó khăn hơn do tác động tiêu cực của tình hình dịch bệnh. 
Trong điều kiện các giao dịch hợp tác chiến lược tiếp tục đối mặt nhiều hạn chế, xu hướng NH tập trung vào nhóm các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính nước ngoài tìm kiếm lợi nhuận khi thị trường chứng khoán khởi sắc cũng được xem là cách để giải cơn khát vốn của các nhà băng.

Các tin khác