Theo thống kê, VN Index bị “đứng hình” 4 lần trong phiên, với 2 lần trong phiên sáng và 2 lần trong phiên chiều.
Đáng chú ý là VN Index bị "đứng hình" khi thị trường có dấu hiệu đảo chiều, cộng với việc không được hủy/sửa lệnh, NĐT không thể đưa ra quyết định hợp lý và kịp thời. Theo phán ánh của NĐT, việc mua hoặc bán ra trong thời điểm này rủi ro rất lớn.
Trong phiên chiều, khi VN Index được trả lại điểm số thật với số điểm giảm bất ngờ lên hơn 40 điểm, nhiều NĐT cả bên mua và bên bán đều cho rằng mình bị “úp sọt”, vì mua cao, bán thấp.
Tuy nhiên, khi thị trường hoảng loạn nhất thì dòng tiền bắt đáy xuất hiện, giúp VN Index không giảm mạnh hơn trong phiên ATC. Chốt phiên 8-6, VN Index giảm 38,9 điểm (tương đương 2,86%) xuống còn 1.319 điểm.
Toàn sàn có đến 321 mã giảm (26 mã giảm sàn), so với 94 mã tăng (8 mã tăng trần) và 40 mã đứng giá.
Nhóm CP thép và tài chính tiếp tục điều chỉnh mạnh trong phiên hôm nay. Như: BID (giảm 3,4%), BVH (giảm 3,1%), CTG (giảm 4,6%), HDB (giảm 5,5%), HPG (giảm 4,2%), MBB (giảm 5,7%), SSI (giảm 5%), STB (giảm 5,5%), TCB (giảm 4%), TPB (giảm 6,5%).
Phía ngược lại, những mã góp phần kìm hãm đà giảm của VN Index gồm có: VJC (tăng 4,6%), VNM (tăng 0,4%), VHM (tăng 0,9%), SBT (tăng 1,4%).
Đáng chú ý, dòng tiền bắt đáy trong những phút cuối giúp thanh khoản HoSE vượt mốc 30.000 tỷ đồng. Cụ thể, giá trị giao dịch của sàn HoSE đạt 924,4 triệu CP, tương đương gần 30.300 tỷ đồng.
Như vậy, nếu tính luôn thanh khoản trên 2 sàn còn lại là HNX và UPCoM thì tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt hơn 37.400 tỷ đồng.