S&P 500 và Nasdaq Composite có phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/2024
Khép phiên, chỉ số S&P 500 tiến 1.58% lên 5,522.30 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 2.64% lên 17,599.40 điểm. Đây là phiên giao dịch tốt nhất kể từ tháng 2/2024 đối với 2 chỉ số này. Chỉ số Dow Jones thêm 99.46 điểm, tương đương 0.24%, lên 40,842.79 điểm.
Tại mức đỉnh trong phiên, Dow Jones đã tăng 455.30 điểm, tương đương 1.1%. S&P 500 và Nasdaq Composite đều lần lượt tiến 2.1% và 3.2% trước khi giảm bớt mức tăng này.
Trong cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào chiều thứ Tư, ông Powell cho biết nếu dữ liệu tiếp tục mang lại niềm tin cho ngân hàng trung ương rằng lạm phát đang chậm lại, thì cơ quan này sẵn sàng để hành động.
“Nếu đáp ứng được tiêu chí đó, việc hạ lãi suất chính sách có thể được đưa ra ngay trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 9,” ông Powell cho biết.
Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) tỏ ra lạc quan hơn một chút trong tuyên bố sau cuộc họp, nói rằng trong những tháng gần đây, đã có thêm nhiều tiến triển trong việc đưa lạm phát xuống gần mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.
Dữ liệu việc làm được công bố vào sáng thứ Tư cũng ám chỉ nền kinh tế đang chững lại và hỗ trợ nỗ lực giảm phát của ngân hàng trung ương. Theo báo cáo mới nhất của ADP, tăng trưởng việc làm khu vực tư nhân chậm lại hơn nữa trong tháng 7/2024 do tốc độ tăng lương giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm.
Các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn đã khởi sắc trở lại vào thứ Tư. Cổ phiếu Nvidia bứt phá 12.8%, xoá bớt một phần mức sụt giảm trong tháng này khi ghi nhận phiên giao dịch tốt nhất kể từ ngày 22/02/2024. Cổ phiếu nhà sản xuất con chip tăng vọt nhờ kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo từ công ty đối thủ Advanced Micro Devices đã khơi dậy sự lạc quan trong không gian chất bán dẫn. Các cổ phiếu công nghệ khác như Apple, Meta Platforms và Amazon cũng tăng. Tuy nhiên, cổ phiếu Microsoft mất hơn 1% do doanh thu đám mây hằng quý gây thất vọng.
Ngay cả khi lĩnh vực công nghệ hồi sinh vào thứ Tư, Nasdaq Composite vẫn khép lại tháng 7 với sắc đỏ, giảm 0.8%. S&P 500 tiến 1.1% trong tháng qua, còn Dow Jones vọt 4.4%, đánh dấu tháng tăng tốt nhất kể từ tháng 12/2023 trong bối cảnh nhà đầu tư chuyển sang các cổ phiếu mang tính chu kỳ của thị trường.
Căng thẳng tại Trung Đông chưa có hồi kết
Dầu WTI cũng nhận được sự thúc đẩy từ việc dự trữ dầu và xăng tại Mỹ sụt giảm, một tín hiệu tích cực cho nhu cầu. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm 3.4 triệu thùng trong tuần trước, còn dự trữ xăng sụt 3.7 triệu thùng.
Kết phiên, hợp đồng dầu WTI tiến 3.03 USD, tương đương 4.05%, lên 77.76 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent thêm 2.11 USD, tương đương 2.68%, lên 80.74 USD/thùng.
Vụ ám sát ông Haniyeh càng gây ra nhiều bất ổn hơn về thoả thuận ngừng bắn tiềm năng ở Gaza giữa Israel và Hamas. Ông Haniyeh là nhà đàm phán cấp cao trong các cuộc đàm phán.
Các thị trường dầu mỏ cho đến nay đã hấp thụ được những cú sốc từ sự leo thang căng thẳng từng chút một ở Trung Đông, vốn thỉnh thoảng trở nên trầm trọng hơn do sự gián đoạn thương mại vì các cuộc tấn công hàng hải của Houthi gây ra và bởi các đợt xung đột trực tiếp giữa Israel và Iran hoặc Hezbollah.
Một số chuyên gia phân tích tỏ ra nghi ngờ về khả năng leo thang căng thẳng mới nhất sẽ đẩy giá dầu lên cao trong dài hạn, nói rằng tác động hỗ trợ sẽ không kéo dài trừ khi sự leo thang hơn nữa rõ ràng đe doạ đến sản lượng trong khu vực.
Biến động giá dầu diễn ra đúng lúc một Uỷ ban kỹ thuật của OPEC+ dự kiến có cuộc họp vào ngày 01/08 và đánh giá việc tuân thủ hạn ngạch sản lượng của từng thành viên. Mặc dù Uỷ ban này không có thẩm quyền điều chỉnh chiến lược sản xuất chính thức của liên minh, nhưng Uỷ ban có thể triệu tập một cuộc họp cấp bộ trưởng chính thức để thực hiện việc đó, nếu hoàn cảnh thị trường cho phép.