Nhà mạng không tăng giá, ngân hàng lỗ nên la?

(ĐTTCO)-Việc các ngân hàng "tố" nhà mạng thu phí dịch vụ SMS cao, theo các chuyên gia, không phải do các nhà mạng tăng giá mà là do các ngân hàng đã không còn thu lợi từ dịch vụ này?
Nhà mạng không tăng giá, ngân hàng lỗ nên la?

Ngày 21-2, đại diện một số nhà mạng cho biết dịch vụ tin nhắn SMS của các ngân hàng thuộc loại hình tin nhắn định danh (brandname), đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật và hệ thống mạng cao hơn nên phí dịch vụ cũng phải cao hơn so với tin nhắn thông thường của người dùng điện thoại.

Cụ thể, "đặc thù tin nhắn các ngân hàng yêu cầu SLA (Service Level Agreement - Thỏa thuận mức độ dịch vụ) ở mức cao nhất, do đó nhà mạng phải triển khai trên một hệ thống riêng biệt để luôn đảm bảo dự phòng 1+1 tránh sự cố gây gián đoạn dịch vụ, cũng như có tốc độ xử lý tin nhắn nhanh giúp ngân hàng gửi tin nhắn với số lượng lớn tại một thời điểm.

Thời gian tin nhắn đến thuê bao nhanh (thấp hơn 10 giây). Nhà mạng cũng phải đầu tư nguồn lực nhân sự vận hành cung cấp dịch vụ luôn được ưu tiên và sẵn sàng xử lý kịp thời các yêu cầu của khách hàng... Do đó, đơn giá tin nhắn lĩnh vực ngân hàng cao hơn tin nhắn thông thường", theo giải thích của một nhà mạng. 

Các nhà mạng cũng cho biết mức giá với dịch vụ tin nhắn SMS brandname được áp dụng chung với tất cả các khách hàng có nhu cầu sử dụng chứ không riêng biệt với ngân hàng. Đồng thời, mức giá đã được áp dụng từ nhiều năm nay.

Một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông cho rằng việc các ngân hàng "tố" nhà mạng thu phí dịch vụ SMS cao không phải do các nhà mạng tăng giá mà là do các ngân hàng đã không còn thu lợi từ dịch vụ này, thậm chí phải bù lỗ không hề nhỏ và ngày càng tăng. 

"Trước đây, hầu hết người dùng Việt chủ yếu giao dịch qua ATM, máy POS hoặc đến trực tiếp ngân hàng, rất ít giao dịch trực tuyến. Tuy nhiên, vài năm gần đây, khi thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến và xu hướng không dùng tiền mặt bùng nổ, đặc biệt dưới sự tác động của dịch bệnh COVID-19, lượng SMS gửi từ các ngân hàng cũng "bùng nổ" theo. Nội dung SMS không chỉ còn là thông báo biến động tài khoản mà còn là mã xác thực OTP, quảng cáo, cảnh báo... Khi đó, lượng giao dịch người dân thực hiện càng nhiều, các ngân hàng càng phải trả tiền cho nhà mạng nhiều hơn, trong khi gói thu phí không thay đổi, dẫn đến ngân hàng phải bù lỗ", vị chuyên gia phân tích.

Tranh cãi giữa nhà mạng và ngân hàng xảy ra sau khi người dùng đua nhau hủy dịch vụ SMS banking vì phí "cắt cổ". Ông Nguyễn Quốc Hùng - tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho rằng các nhà mạng sẽ thiệt nếu khách hàng của các tổ chức tín dụng không sử dụng dịch vụ tin nhắn SMS banking nữa.

"Các tổ chức tín dụng với lượng khách hàng lên đến vài chục triệu người đang là khách hàng lớn của các nhà mạng. Nếu không vì quyền lợi của người sử dụng mà giảm mức phí tin nhắn SMS thì chắc chắn các nhà mạng sẽ bị thiệt đầu tiên", ông Hùng nhận định.

Ngân hàng trả cho nhà mạng hàng ngàn tỉ đồng/tháng

Nếu tính mức giá trung bình là 800 đồng/tin nhắn SMS thì mỗi tháng một ngân hàng quy mô lớn sẽ trả cho nhà mạng khoảng 64 tỉ đồng cước phí tin nhắn, tương đương 786 tỉ đồng/năm. Với ngân hàng quy mô nhỏ, cước phí tin nhắn phải trả hằng tháng cho khoảng 20 triệu tin là khoảng 16 tỉ đồng, tương đương 192 tỉ đồng/năm.

Với số lượng 49 ngân hàng tại Việt Nam như hiện nay, ước tính số tiền cước phí mà các ngân hàng phải trả cho nhà mạng có thể lên đến hàng ngàn tỉ đồng/tháng.

Các tin khác