Nhà nông thời 4.0

(ĐTTCO) - “Chúng tôi mong muốn trên mâm cơm của mỗi gia đình có dĩa rau sạch, người nông dân chân lấm tay bùn thành chuyên gia nông nghiệp và làm giàu bằng nghề nông”, anh Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tuấn Ngọc, chia sẻ. 

Anh là một trong 2 nông dân của TPHCM vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh và trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022”.


Khởi nghiệp làm nông dân

“Vội vã với những chuyến đi”, đó là nhận xét của hội viên HTX Tuấn Ngọc về giám đốc của mình - nông dân Lâm Ngọc Tuấn. Ngoài thời gian làm việc tại vườn rau xanh của HTX (phường Long Trường, TP Thủ Đức, TPHCM), anh Tuấn đi gặp mặt, giao lưu với nông dân ở các quận huyện, đi các tỉnh thành để tuyên truyền và chuyển giao cách thức trồng rau sạch. Qua đó để học hỏi cách làm hay, kinh nghiệm tốt và lan tỏa thương hiệu rau xanh của HTX Tuấn Ngọc.

92 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14-10-1930 - 14-10-2022): Nhà nông thời 4.0 ảnh 1Anh Lâm  Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX nông nghiệp Tuấn Ngọc, giới thiệu quy trình chăm sóc vườn rau

Bén duyên nghề nông đối với anh Lâm Ngọc Tuấn gắn liền với câu chuyện khởi nghiệp, “tự chuyển mình” thành nông dân của một chàng trai dân thị thành. Sinh năm 1983 ở phường Phước Bình, TP Thủ Đức, cũng như nhiều chàng trai thị thành khác, tốt nghiệp lớp 12, Ngọc Tuấn bước chân vào giảng đường đại học. Ra trường với tấm bằng đại học chuyên ngành tài chính - tín dụng, anh đầu quân, tạo dựng sự nghiệp tại Ngân hàng Agribank, chi nhánh 9. “Tôi học xong, có ngay việc làm tại ngân hàng, thu nhập ổn định. Nhưng hàng ngày, đọc báo, xem tivi thấy nhiều người dân thành phố ăn rau xanh không an toàn. Nhiều hôm, vào bữa cơm, nhìn dĩa rau xanh mướt mà không dám chạm đũa. Ý tưởng làm nông dân để trồng rau sạch ra đời từ đó”, anh Lâm Ngọc Tuấn tâm sự.

92 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14-10-1930 - 14-10-2022): Nhà nông thời 4.0 ảnh 2Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM tham quan, học hỏi mô hình trồng rau tại HTX Tuấn Ngọc

Hành trình từ một nhân viên ngân hàng với sơ mi, cà vạt mỗi sáng thành nông dân trồng rau sạch là sự “lột xác” không dễ dàng. Nhưng, đã quyết là làm, anh Tuấn nghỉ việc ở ngân hàng, khởi nghiệp từ khu đất rộng 1.000m2 bên con đường nhỏ tại phường Long Trường, với sản phẩm đầu tay là rau muống được trồng bằng phương pháp thủy canh. “Lúc đó, không chỉ bạn bè mà cả người nhà tôi cũng nghi ngờ. Nhưng, để bữa cơm người dân thành phố có dĩa rau sạch, mình không lùi bước”, anh Tuấn chia sẻ.

Sản phẩm rau muống sạch của HTX Ngọc Tuấn làm ra được người tiêu dùng lựa chọn. Và thành công này không chỉ có khát vọng trở thành nông dân, mà còn được chắp cánh thêm bởi những người đồng hành. Đó là chuyên gia cơ khí Trần Song Ngọc, Phó Giám đốc HTX Tuấn Ngọc. Những kỹ thuật về giá đỡ, về thiết kế, quy hoạch đúng tiêu chuẩn trồng rau thủy canh đều có bàn tay của anh. “Tôi không biết mình đã thành nông dân chính hiệu từ bao giờ. Cùng với việc điều hành HTX, chúng tôi đã làm chủ từ khâu sản xuất, ươm hạt đến điều chế nước tưới. Kinh nghiệm rút ra, điều quan trọng nhất là nguồn nước và công thức pha chế dinh dưỡng”, anh Tuấn tâm sự.

Thời gian tuy chưa dài, nhưng Lâm Ngọc Tuấn đã xây dựng được thương hiệu uy tín rau xanh của HTX Tuấn Ngọc. Diện tích khu trồng rau của HTX tăng từ 1.000m2 lên hơn 10.000m2, áp dụng công nghệ trồng rau ăn lá theo phương pháp thủy canh hồi lưu, tiết kiệm nước. HTX đã trồng được 2 loại rau xà lách và 10 loại rau, cải khác nhau.

Nhà nông giỏi công nghệ

Dưới sự điều hành, chỉ đạo của Giám đốc Lâm Ngọc Tuấn, HTX nông nghiệp Tuấn Ngọc không chỉ cung cấp cho thị trường TPHCM mỗi năm hàng trăm tấn rau sạch mà tạo được một đội ngũ lao động có kiến thức, trình độ chuyên môn cao. HTX Tuấn Ngọc đi đầu trong áp dụng công nghệ mới để trồng rau xanh. Khu trồng rau rộng cả hécta đều nằm trong nhà kính, kỹ thuật chăm sóc tiên tiến.

Ở đây, từ giám đốc đến hội viên HTX phải thường xuyên nâng cao kiến thức, trình độ để áp dụng công nghệ tin học vào quản lý, chăm sóc vườn rau. Vườn rau được đặt hệ thống cảm biến tự động để đo nhiệt độ, độ ẩm. Những thông số kỹ thuật về vườn rau được lập trình, xử lý kịp thời. Mỗi khi không khí trong vườn thay đổi, thiếu độ ẩm, máy phun sương hoạt động để tăng độ ẩm, nhiệt độ theo đúng quy chuẩn.

Hội viên HTX cho biết, dinh dưỡng cho cây rau cũng được tính toán theo giống rau và chu kỳ, thời gian phát triển. Ở mỗi giai đoạn phát triển của cây, dinh dưỡng sẽ được pha chế theo công thức khác nhau cho phù hợp. Thời gian tăng trưởng của rau thường kéo dài từ 30-35 ngày, riêng rau xà lách kéo dài 45-50 ngày.

Anh Nguyễn Ngọc Tuấn ví von, những hội viên HTX đều là nông dân thời 4.0, làm việc theo quy trình số hóa từ khâu làm đất, gieo hạt đến thu hoạch, đóng gói chuyển đến siêu thị. Rau trồng trong nhà kính có ưu điểm được che chắn, không tiếp xúc với đất, hạn chế lây lan sâu bệnh nên không phải dùng thuốc trừ sâu, nhưng việc chăm sóc phải đúng quy trình. Nguồn nước trồng rau phải sử dụng nước máy hòa với dinh dưỡng theo công thức tự động, rồi chuyển đến các máng trồng. Toàn bộ quy trình sản xuất, thông số dinh dưỡng được cán bộ kỹ thuật kiểm tra thường xuyên và điều chỉnh để đảm bảo điều kiện sinh trưởng tốt. Rau trồng theo phương pháp hiện đại đã cho năng suất gấp 5-6 lần so với trồng rau truyền thống.

“Giá rau sạch cao hơn giá rau trên thị trường khoảng 2 lần, nhưng người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Rau của HTX Tuấn Ngọc hiện đã có mặt tại nhiều siêu thị lớn và được người tiêu dùng lựa chọn, thậm chí trồng không kịp để cung cấp cho thị trường”, Giám đốc Lâm Ngọc Tuấn cho biết.

Giàu lên từ kinh tế xanh

Sản phẩm rau xanh của HTX Tuấn Ngọc đã đứng vững trên thị trường là kết quả 5 năm khởi nghiệp làm nông của chàng trai thành thị nhưng với anh, đó chỉ là thành công ban đầu. “Mong muốn của ban lãnh đạo HTX là mở rộng mô hình làm thay đổi phương thức sản xuất, để nhà nông cùng làm giàu bằng sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch. Nông dân phải biết áp dụng công nghệ mới kỳ vọng làm giàu”, anh Tuấn khẳng định.

Những năm qua, đôi bạn nông dân trẻ Lâm Ngọc Tuấn và Trần Song Ngọc không chỉ nỗ lực xây dựng thương hiệu, mở rộng quy mô sản xuất rau sạch mà còn dành nhiều thời gian chuyển giao công nghệ, cách thức làm ăn mới cho nông dân ở các vùng miền. Nhiều buổi tập huấn, chuyển giao công nghệ đã được mở ở TP Thủ Đức, các quận, huyện trên địa bàn TPHCM đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước như Long An, Đồng Nai, Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk)... Tháng 9 vừa qua, HTX Tuấn Ngọc đã chuyển giao cho Công ty TNHH Agri Connect (tỉnh Long An) hệ thống trồng xà lách vùng nóng, áp dụng công nghệ tự động. Đây là mô hình điểm đầu tiên của tỉnh Long An áp dụng tự động hóa trong nông nghiệp. Toàn bộ sản phẩm rau sạch sẽ được HTX Tuấn Ngọc thu mua để cung ứng cho thị trường TPHCM. HTX Tuấn Ngọc cũng đang tập trung lực lượng để khảo sát, triển khai chuyển giao hệ thống trồng xà lách vùng nóng, áp dụng công nghệ tự động tại tỉnh Đồng Nai.

Thành lập vào tháng 3-2019, HTX nông nghiệp Tuấn Ngọc (số 109 đường số 10, phường Phước Bình, TP Thủ Đức) hiện mỗi năm cung cấp cho thị trường 320 tấn rau sạch các loại, doanh thu mỗi năm 4,9 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 32 hội viên.

Ông Trần Thế Dương, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Hội Nông dân TPHCM, nhận xét, hội viên HTX Tuấn Ngọc không những sản xuất giỏi mà còn giàu lòng nhân ái, chăm lo cho hội viên, cộng đồng. Ngoài tạo điều kiện duy trì thu nhập cho hội viên từ 8-10 triệu đồng/người/tháng, HTX Tuấn Ngọc còn hỗ trợ sửa chữa nhà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ nhiều trường hợp khó khăn trong các đợt bùng phát đại dịch Covid-19.

Năm 2020, Hội Nông dân TPHCM tặng bằng khen cho HTX Tuấn Ngọc vì có thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ nông dân năm 2019. Sở NN-PTNT TPHCM tặng giấy khen HTX Tuấn Ngọc do đạt thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2016-2022. Năm 2021, anh Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX Tuấn Ngọc, được Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tặng bằng khen do tích cực tham gia vận động, ủng hộ Quỹ phòng chống dịch Covid-19.

Các tin khác