Với việc thiết lập triều đình riêng do hoàng đế đứng đầu, có niên hiệu riêng, quản lý lãnh thổ riêng biệt, sự ra đời, tồn tại và phát triển Nhà nước Đại Cồ Việt của Đinh Tiên Hoàng, đã khẳng định mạnh mẽ nền độc lập, tự chủ của đất nước được khôi phục hơn 1.000 năm Bắc thuộc.
Thắng lợi của một xu thế
Sau khi Ngô Quyền mất năm 944 đã diễn ra trình trạng “loạn 12 sứ quân” hay còn được gọi là “cục diện 12 sứ quân”. Vốn là hào kiệt có nhãn quan chính trị sáng suốt, Đinh Bộ Lĩnh sớm nhận ra sự yếu kém của những người kế tục sự nghiệp của Ngô Quyền ở Cổ Loa, đã liên kết với sứ quân Trần Lãm ở Bố Hải khẩu (Thái Bình ngày nay) để phát triển lực lượng.
Trước thanh thế của ông, một trong những sứ quân hùng mạnh nhất khi ấy là Phạm Phòng Át ở Đằng Châu (Hải Dương ngày nay), người từng chiếm giữ cả một vùng đông bắc rộng lớn, đã dẫn quân về Hoa Lư hợp sức và được Đinh Bộ Lĩnh phong là thân vệ Đại tướng quân. Đối với các sứ quân khác, Đinh Bộ Lĩnh chủ yếu tìm cách thu phục. Trừ một số sứ quân kiên quyết đương đầu như Kiều Công Hãn ở Phong Châu (Phú Thọ ngày nay), Đỗ Cảnh Thạc ở Đỗ Động Giang (Thanh Oai- Quốc Oai, Hà Nội ngày nay)… các sứ quân còn lại đều lần lượt theo về Hoa Lư.
Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời là một dấu mốc lớn trong tiến trình lịch sử dân tộc, là quốc gia độc lập với đầy đủ các tiêu chí sánh ngang với các quốc gia khác. Bên cạnh đó, Đinh Tiên Hoàng đã có những đóng góp lớn lao trong công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Trước hết phải kể đến việc cho đúc và phát hành đồng tiền Thái Bình hưng bảo - đồng tiền cổ nhất của nước ta - không phụ thuộc vào tiền Trung Quốc, thể hiện ý chí độc lập tự cường và chính sách có tầm chiến lược về một nền tài chính độc lập, góp phần to lớn vào sự phát triển của kinh tế hàng hóa. Nhà sử học Vũ Minh Giang |
Hơn thế, việc chấm dứt tình trạng các sứ quân hùng cứ một phương còn đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo dân chúng nên đã được ủng hộ rộng rãi. Sự kiện có ý nghĩa đầu tiên sau khi hoàn thành sự nghiệp thống nhất là việc định đô chính thức đặt tên nước và xưng đế. Sử cũ chép: “Mậu Thìn, năm thứ 1 (968). Vua lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời Kinh ấp về động Hoa Lư, bắt đầu dựng đô mới, đắp thành đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế”.

GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch danh dự Hội khoa học lịch sử Việt Nam, cho biết không phải đến bây giờ mà các sử gia từ xưa đã khẳng định ý nghĩa to lớn của sự ra đời nhà nước Đại Cồ Việt và vai trò của Đinh Tiên Hoàng ở 2 vấn đề:
Thứ nhất, thống nhất được toàn bộ đất nước sau thời kỳ dài loạn lạc, tranh chấp, trực tiếp là cục diện 12 sứ quân, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho đất nước.
Thứ hai, tổ chức bộ máy nhà nước tập quyền hoàn chỉnh với đầy đủ tên gọi, niên hiệu, hệ thống quan lại, phát hành đồng tiền riêng, thiết lập mối quan hệ ngoại giao bình đẳng với phương Bắc… và đặt nền móng cho các triều đại phong kiến về sau duy trì và phát triển lên trình độ cao hơn.

Để khẳng định ngôi vị hoàng đế, một danh xưng thể hiện tinh thần bình đẳng với các hoàng đế Trung Hoa, năm sau (969) ông phong con trưởng Đinh Liễn làm Nam Việt vương.
Một vương triều độc lập, tự chủ và vững mạnh
Trên cương vị đứng đầu một nhà nước chính thức có quốc hiệu riêng, Đinh Tiên Hoàng đặt niên hiệu là Thái Bình thay thế cho niên nhà Tống, tiến hành xây dựng bộ máy chính quyền thống nhất từ trung ương tới các địa phương. Ở Trung ương bắt đầu quy định rõ triều đình tổ chức theo Lưỡng ban (Văn và Võ). Nguyễn Bặc được phong Định Quốc công, được giao quyền đứng đầu hàng quan văn.
Một vương triều độc lập, tự chủ và vững mạnh
Trên cương vị đứng đầu một nhà nước chính thức có quốc hiệu riêng, Đinh Tiên Hoàng đặt niên hiệu là Thái Bình thay thế cho niên nhà Tống, tiến hành xây dựng bộ máy chính quyền thống nhất từ trung ương tới các địa phương. Ở Trung ương bắt đầu quy định rõ triều đình tổ chức theo Lưỡng ban (Văn và Võ). Nguyễn Bặc được phong Định Quốc công, được giao quyền đứng đầu hàng quan văn.

Bên cạnh ông là Lê Hoàn với chức Thập đạo tướng quân được giao trông coi toàn bộ quân đội. Cùng với hai ban, còn có chức Đô hộ phủ sĩ sư, thực chất là quan đứng đầu đội ngũ coi việc luật pháp, hình ngục. Mặt khác, trong bối cảnh khi ấy, nhà Đinh hầu như không dựa vào các giáo lý của đạo Nho để xây dựng chính quyền, chủ yếu trông cậy vào các trí thức Phật giáo, trong số đó phải kể đến các chức đứng đầu hàng tăng quan như Tăng thống do Ngô Chân Lưu đảm trách. Do có vị trí quan trọng ông còn được ban hiệu là Khuông Việt đại sư (Đại sư phò giúp nước Việt). Giúp cho Tăng thống còn có chức Tăng lục được giao cho sư Trương Ma Ni. Ngoài ra còn có cả chức Sùng chân uy nghi cho người đứng đầu Đạo giáo.
Chính quyền mới được xây dựng của nhà nước Đại Cồ Việt là hệ thống tổ chức phức hợp, gồm các bộ phận quan văn, quan võ, quan pháp và các tôn giáo (Phật giáo, Đạo giáo) được sắp xếp khá quy củ. Đây là bộ máy trung ương tập quyền vững mạnh. Để duy trì quyền lực trung ương, nhà Đinh và sau đó cả nhà Tiền Lê đã áp dụng những điều luật và hình phạt rất khắc nghiệt. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vua muốn dùng uy chế ngự thiên hạ, bèn đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong cũi, hạ lệnh rằng kẻ nào trái phép phải chịu tội bỏ vạc dầu, cho hổ ăn. Mọi người đều sợ phục, không ai dám phạm”.
Chính quyền trung ương tập quyền còn dựa trên một lực lượng quân sự hùng mạnh. Khi ấy cả nước chia làm 10 Đạo và quân đội cũng theo đó để chia ra trấn giữ. Người đứng đầu lực lượng vũ trang ấy thường được coi là có vị trí thứ hai sau Hoàng đế (Phó vương).
Trong hoàn cảnh một đất nước hàng năm phải gánh chịu hậu quả do thiên tai, lũ lụt gây ra, lại thường xuyên bị ngoại xâm đe dọa, xây dựng một chính quyền vững mạnh theo hướng trung ương tập quyền phù hợp, đáp ứng với đòi hỏi khách quan. Nhà nước Đại Cồ Việt được xây dựng theo xu thế đó và đã tạo ra phương hướng phát triển của hình thức chính quyền này cho thời kỳ tiếp sau.
Các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn có những cải biến về hình thức và điều chỉnh ít nhiều về hệ tư tưởng, nhưng về đại thể đều là những chính thể trung ương tập quyền mạnh. Các tài liệu sử học đều khẳng định Nhà nước Đại Cồ Việt là nhà nước quân chủ đầu tiên đặt quan hệ bang giao với Trung Quốc, trong lịch sử bang giao của Việt Nam. Năm 970, vua Đinh Tiên Hoàng sai sứ thần sang nhà Tống để kết hiếu giao hảo. Ông cũng là người đầu tiên trong lịch sử nước ta thi hành những biện pháp và nghi thức ngoại giao vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn đối với đế chế Trung Hoa.
Nhà nước Đại Cồ Việt cũng ghi dấu ấn với việc thực thi các chính sách đúng đắn đối với dân tộc thiểu số, tạo điều kiện để các dân tộc chung sống hòa bình, cùng nhau đoàn kết chống lại kẻ thù chung; mở rộng lãnh thổ về phương Nam, tiến hành nhiều cuộc khai phá, di dân để các triều đại sau này tiếp tục hoàn thành trọn vẹn quá trình ấy.
“Cùng với quá trình mở rộng lãnh thổ, đặt quan hệ ngoại giao, phát triển sản xuất cũng như kiên cường đấu tranh bảo vệ độc lập quốc gia và bảo toàn cương giới lãnh thổ trước những cuộc tấn công xâm lược phương Bắc, Đại Cồ Việt là nhà nước đầu tiên xây dựng được hệ thống giao thông đường thủy ven biển và đường biển mở rộng nhất cho tới thời điểm đó, không chỉ thuận lợi cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp, kết nối trong nước mà còn nối thông quốc gia Đại Cồ Việt với Trung Hoa ở phương Bắc và với vùng lãnh thổ ở phía Nam”- PGS.TS Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, nhận xét.