Dự án đường cao tốc Bắc-Nam dài 2.063 km, có điểm đầu từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) và điểm cuối ở thành phố Cà Mau là công trình cao tốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. Thế nhưng, dự án trọng điểm này đang đứng trước nguy cơ vỡ tiến độ bởi các chỉ số giá vật liệu của địa phương không bám kịp thực tiễn khiến nhà thầu than thở: “Làm càng nhiều càng lỗ...”
Làm thế nào để giải bài toán “bão giá” nguồn vật liệu cho nhà thầu đang là câu hỏi lớn đặt ra đối với cơ quan quản lý.
Các nhà thầu “sức cùng lực kiệt” thế nào?
Các nhà thầu thi công trên dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 hiện đang rơi vào tình cảnh “sức cùng lực kiệt” trước thực tế giá các loại vật liệu tăng phi mã trong hai năm vừa qua.
“Thở ôxy” cầm chừng
Dù tiến độ thi công cầu Núi Đọ (gói XL14 cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 hoàn thành trước 30/12/2022) đạt 80% và nhanh hơn 2 tháng so với cam kết trong hợp đồng, ông Lê Văn Quốc, Phó giám đốc Ban điều hành Vinaconex-Trung Nam E&C vẫn bày tỏ lo lắng khi “bão giá” vật liệu đã càn quét dự án trong thời gian dài vừa qua.
“Các loại nguyên nhiên liệu tăng giá đột biến khiến nhà thầu gặp vô vàn khó khăn trong công tác đảm bảo tài chính và đang thua lỗ nặng. Hơn nữa, công tác thi công đang bước vào giai đoạn hoàn thiện mặt đường, chi phí huy động để mua vật tư lớn lại công thêm sức ép về giá cả càng khiến nhà thầu khó khăn chồng chất,” ông Quốc nói và cho biết riêng hạng mục cầu Núi Đọ, nhà thầu đã lỗ 50 tỷ đồng.
Theo ông Quốc, tính đến tháng Sáu, giá đất đắp theo hợp đồng ký chỉ 84.762 đồng đã tăng tới 215.000 đồng (tăng 153,6%); giá cát vàng (xử lý đất yếu, sản xuất bê tông xi măng) lúc ký 126.600 đồng nay đã vọt 363.636 đồng (tăng 187,23%); giá nhựa đường lúc ký 11.590 đồng/kg, giờ vọt lên 16.800đồng/kg (tăng gần 45%); giá đá sản xuất bê tông nhựa thời điểm ký là gần 188.239 đồng/m3 giờ đã tăng lên 254.545 đồng/m3 (tỷ lệ tăng giá 35,2%); giá nhiên liệu dầu diezel lúc ký là 11.227 đồng/lít thì hiện nay đã "leo thang" lên 27.282 đồng/lít (tăng phi mã 143%), xi măng thời điểm ký chỉ 852 đồng/kg hiện đã lên tới 1.255 đồng/kg (tăng 47,3%)… Ngoài ra, giá nhân công tăng 30% nhưng không được điều chỉnh.
“Giai đoạn tới, nhà thầu cần dòng tiền lớn vì bắt tay thi công bê tông nhựa, dự án chỉ còn 5 tháng nữa phải hoàn thành và phải giải ngân 800 tỷ đồng nên cần dòng tiền lớn. Với giá cả vật liệu quay cuồng như hiện nay sẽ lo ngại thiếu hụt dòng tiền,” ông Quốc than thở.
Ông Nguyễn Bá Sỹ, Giám đốc điều hành liên danh nhà thầu VINACONEX và miền Trung trực tiếp chỉ huy thi công gói thầu XL03 cao tốc Nghi Sơn-Diễn Châu thừa nhận, các đợt tăng giá nguyên vật liệu như vừa qua ảnh hướng đến việc thi công nhà thầu do mọi tính toán tài chính đảo lộn. Chi phí biến động giá trội lên 30% tài chính làm nhà thầu hết sức khó khăn.
“Dù quyết tâm thi công là có nhưng nhà thầu cũng gồng mình để thực hiện trong khi đơn giá thanh toán cho khối lượng hoàn chỉnh theo hợp đồng không đủ để mua vật tư, vật liệu,” ông Sỹ chia sẻ.
Là nhà thầu đảm nhiệm thi công hàng loạt gói thầu lớn trên cao tốc Bắc-Nam như 03-XL cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây, XL-04 Vĩnh Hảo-Phan Thiết, XL-14 Mai Sơn-Quốc lộ 45,… ông Nguyễn Hữu Tới, Phó Tổng giám đốc Vinaconex cho hay, tại dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết, giá trị hợp đồng gói thầu XL04 là 2.809 tỷ đồng (trừ dự phòng), chỉ riêng chi phí biến động giá vật liệu xây dựng (chưa tính chi phí biến động máy thi công, nhân công) so với giá trị hợp đồng hiện đã khoảng 468 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 16,7%), trong khi tỷ lệ bù giá theo công thức hợp đồng đến nay trung bình được 8%.
Hay như gói thầu số 3 đoạn Phan Thiết-Dầu Giây, giá trị phần việc Vinaconex là 1.603 tỷ đồng (trừ dự phòng), chỉ riêng chi phí biến động giá vật liệu xây dựng (chưa tính chi phí biến động máy thi công, nhân công) so với giá trị hợp đồng hiện đã khoảng 626 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 39%), tỷ lệ bù giá theo công thức hợp đồng đến nay trung bình được 3,8%.
“Tính trung bình cả 5 gói thầu mà Tổng công ty Vinaconex đảm nhận thi công cao tốc Bắc-Nam, chỉ riêng chi phí biến động giá vật liệu xây dựng (chưa tính chi phí biến động máy thi công, nhân công) tăng 21,3%, nếu tính cả biến động máy thi công, nhân công khoảng 28%, trong khi đó tỷ lệ bù giá theo công thức hợp đồng đến nay trung bình các gói thầu được 6%,” ông Tới thông tin.
Đồng loạt “kêu cứu”
Trước viễn cảnh này, lãnh đạo 20 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội các nhà thầu thi công cao tốc Bắc-Nam vừa đồng loạt ký gửi văn bản kiến nghị Ủy Ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ liên quan xem xét giải quyết bất cập, tháo gỡ khó khăn hỗ trợ nhà thầu thi công, nhà đầu tư thực hiện cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020.
Trong văn bản kiến nghị, Hiệp hội các nhà thầu cao tốc Bắc-Nam cho rằng ngay sau khi khởi công các dự án thành phần, nhà thầu phải đối mặt với tình trạng nhiều loại vật liệu chính biến động tăng đột biến và liên tục leo thang lên mặt bằng giá mới.
“Cộng các biến động một số vật tư, vật liệu chính (chưa tính biến động máy thi công, nhân công) tăng khoảng 20-30% so với giá trị hợp đồng trừ dự phòng,” Hiệp hội các nhà thầu phản ánh đồng thời cho biết với biến động quá lớn, đơn giá thanh toán cho khối lượng hoàn chỉnh theo hợp đồng không đủ để mua vật tư, vật liệu.
Hiện, các nhà thầu còn tham gia thi công đồng thời một số dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam và đều trong tình trạng mất cân đối nghiêm trọng. Mặc dù nhà thầu đã rất cố gắng xoay xở dòng tiền, dồn mọi nguồn lực cho dự án nhưng sự mất cân đối dòng tiền lũy kế trong hơn một năm qua là quá lớn. Doanh nghiệp rơi vào suy kiệt tài chính và đang trên bờ vực phá sản.
“Thực tế, trong 3-4 tuần trở lại đây, tại nhiều dự án thành phần, các nhà thầu đã không thể duy trì tiến độ, cường độ công việc cao như giai đoạn trước, nếu không có các giải pháp kịp thời của các cấp có thẩm quyền trong thời gian ngắn sắp tới, nguy cơ vỡ tiến độ là hiện hữu,” Hiệp hội các nhà thầu lo lắng.
Theo đại diện Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), hiện đối với dự án cao tốc Bắc-Nam có thể chia ra làm hai nhóm nhà thầu gồm nhóm 1 vẫn còn khả năng thi công và có thể thi công hoàn thành bắt kịp tiến độ. Riêng nhóm thứ 2 tiến độ thi công trì trệ có dấu hiệu thiếu hụt tài chính nghiêm trọng dẫn đến khó hoàn thành gói thầu theo hợp đồng.
“Tuy nhiên, các nhà thầu đang thi công trên cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 phải xác định trách nhiệm của mình đối với công trình quan trọng quốc gia. Đây là công trình lựa chọn nhà thầu bằng hình thức đấu thầu nên các nhà thầu phải quyết tâm cao nhất hoàn thành dự án đúng tiến độ. Chính phủ cũng đã đưa ra chủ trương là những nhà thầu nào không đáp ứng yêu cầu đối với giai đoạn 1 thì sẽ xem xét không cho tham gia các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2,” đại diện Cục Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông chia sẻ.
Tại báo cáo trong cuộc họp trực tuyến Chính phủ ngày 4/7/2022, Bộ Giao thông Vận tải cũng nhận định giá nhiên, vật liệu thời gian qua có biến động lớn ngoài khả năng dự báo của các bên liên quan. Việc tính toán chi phí trượt giá theo công thức điều chỉnh giá thông thường chưa bù đắp được mức độ biến động giá khiến nhà thầu thua lỗ và thiếu hụt tài chính, ảnh hưởng đến tiến độ dự án...