Khó dập cháy do… kiến trúc
Thông báo về thiệt hại của nhà thờ sau vụ hỏa hoạn, Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Pháp Laurent Nunez cho hay cấu trúc của nhà thờ có niên đại 850 năm đã được bảo vệ nguyên vẹn, bao gồm cả tòa tháp chuông phía Bắc. Tuy nhiên, 2/3 đỉnh mái của Nhà thờ đã hoàn toàn bị tàn phá. Trong khi đó, người phát ngôn của Nhà thờ Đức Bà Paris André Finot cho biết các di vật tôn giáo linh thiêng được bảo quản an toàn trong nhà thờ.
Thị trưởng Paris Anne Hidalgo cũng cho biết một số tác phẩm nghệ thuật bên trong nhà thờ đã được bảo toàn và được đưa đi cất giữ ở một nơi an toàn. Trong khi đó, Bộ trưởng Văn hóa Pháp Franck Riester thông báo các tác phẩm nghệ thuật được di dời khỏi nhà thờ do vụ cháy sẽ được chuyển về Bảo tàng Louvre gần đó. Các kiến trúc sư và các chuyên gia có cuộc gặp gỡ trong sáng 16-4 (giờ địa phương) để xác định xem liệu phần khung của công trình kiến trúc này có ổn định hay không.
Người dân cầu nguyện khi chứng kiến lửa bao trùm nhà thờ Đức Bà Paris.
Lý giải về việc đám cháy khó được dập tắt nhanh chóng, các chuyên gia nhận định do cấu trúc khu quần thể này đã hơn 850 năm tuổi, với các khối gỗ nặng và một không gian cao vút, lại thiếu hệ thống phòng cháy chuyên nghiệp nên lực lượng cứu hỏa có rất ít lựa chọn một khi ngọn lửa đã vượt tầm kiểm soát.
Theo Giáo sư khoa học Glenn Corbett của Đại học John Jay, thông thường trong hoàn cảnh như vậy không có nhiều lựa chọn. Cựu chỉ huy lực lượng cứu hỏa Mỹ G. Keith Bryant cho rằng chính những đặc điểm thiết kế tạo nên vẻ đẹp hấp dẫn của công trình này như kích thước lớn và lối kiến trúc Gothic với những bức tường tam điểm và những dầm đỡ bằng gỗ khối lớn lại là “góc chết” cản trở những nỗ lực cứu hỏa. Với một tòa nhà như vậy, lính cứu hỏa gần như không thể dập tắt đám cháy từ bên trong.
Cảnh sát nỗ lực dập tắt đám cháy.
Thay vào đó, họ cần dùng các biện pháp kiểm soát đám cháy từ phía ngoài. Khi ngọn lửa đã bùng cháy tới quy mô như vụ cháy ở Nhà thờ Đức Bà, thì việc phun nước để khống chế là rất khó kể cả khi có sông Seine ngay bên cạnh. Hơn nữa, ở châu Âu, các loại thang cứu hỏa cỡ lớn không thông dụng như ở Mỹ vì đặc điểm các đường phố hẹp hơn và khó để cho các xe thang cứu hỏa cỡ lớn di chuyển.
Quyên góp ngân sách phục dựng
Văn phòng Công tố Paris cho biết đã mở ra cuộc điều tra về nguyên nhân vụ hỏa hoạn theo hướng tai nạn, nguyên nhân có thể liên quan đến công tác phục chế đang tiến hành trong nhà thờ. Theo công tố viên thủ đô Paris Remy Heitz, cơ quan điều tra nước này đang thẩm vấn các công nhân làm công tác tu tạo tại nhà thờ. Quá trình điều tra sơ bộ không phát hiện bất cứ yếu tố nào chứng minh vụ cháy là hành động cố ý.
Khu vực màu đỏ là phần bị phá hủy trong vụ hỏa hoạn.
Theo một số nguồn tin, dường như ngọn lửa đã bùng phát từ công trường cải tạo phần đỉnh mái của nhà thờ với 250 tấn chì. Dự án tôn tạo Nhà thờ Đức Bà Paris, bị xuống cấp nghiêm trọng và nằm trong danh sách 250 di sản của Pháp đang trong tình trạng nguy hiểm, đã bắt đầu từ tháng 8-2018 và dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 10 năm.
Eric Fischer, người đứng đầu quỹ phục dựng nhà thờ Strasbourg 1.000 năm tuổi, cho biết hư hại trong vụ cháy là rất đáng kể và sẽ phải mất vài thập niên để phục dựng Nhà thờ Đức Bà. Trong khi đó, Stephane Bern, người dẫn chương trình nổi tiếng với các chương trình nói về thời Trung cổ và gần đây được chỉ định là đại diện của Chính phủ Pháp về di sản, ước tính việc phục dựng lại sẽ mất tối thiểu 10 - 20 năm.
Tới hiện trường vào tối 15-4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết sẽ phục dựng nhà thờ, đồng thời kêu gọi sự chung tay góp sức của tất cả các tài năng của đất nước trong việc xây dựng lại và phát triển di sản này.
Tỷ phú Pháp Francois-Henri Pinault đã cam kết tài trợ 100 triệu EUR xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà. Gia đình tỷ phú Pháp Bernard cũng cho biết đóng góp 200 triệu EUR. Trong khi đó, Giám đốc Điều hành Total của Pháp, ông Patrick Pouyanne, tuyên bố tập đoàn năng lượng này sẽ đóng góp 100 triệu EUR. Hiệp hội Di sản Pháp, tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ chuyên bảo tồn các kho tàng kiến trúc và văn hóa Pháp, có trụ sở tại thành phố New York, Mỹ, đã công bố một trang web quyên góp tài chính cho dự án phục dựng Nhà thờ Đức Bà.
Trong khi đó, trên trang web GoFundMe, hơn 50 chiến dịch quyên góp liên quan Nhà thờ Đức Bà cũng đã được phát động trên phạm vi toàn cầu. Giám đốc Sở Bảo tàng Bộ Văn hóa Nga Vladislav Kononov cho biết bộ này sẽ đề xuất các bảo tàng và tất cả mọi người dân quan tâm tổ chức quyên góp tiền để phục chế lại công trình văn hóa và lịch sử này…
Được xây dựng trong gần 2 thế kỷ (từ năm 1163 đến 1345), Nhà thờ Đức Bà Paris được xem là công trình đẹp nhất của kiến trúc Gothic nhà thờ Pháp. Hai tòa tháp ở mặt tiền cao 69m và là điểm cao nhất ở Paris cho đến khi tháp Eiffel hoàn thành năm 1889. Mỗi năm, địa điểm này thu hút 12 -14 triệu lượt khách tham quan, tương đương khoảng 30.000 lượt khách mỗi ngày. |
° “Vô cùng bàng hoàng trước những bức hình ngọn lửa nhấn chìm Nhà thờ Đức Bà - một di sản độc đáo của thế giới đã đứng vững từ thế kỷ 14. Mọi tình cảm, suy nghĩ của tôi đều đang hướng về người dân và Chính phủ Pháp”, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres. ° “Trái tim của chúng tôi tan vỡ. Chúng tôi đã liên hệ với các chuyên gia để đánh giá thiệt hại, bảo tồn những gì có thể bảo tồn và xem xét các biện pháp ngắn và trung hạn”, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nhấn mạnh. ° “Đây là tấn thảm kịch đối với nước Pháp, Tây Ban Nha và toàn châu Âu”, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nhấn mạnh. ° “Nhà thờ Đức Bà Paris là một trong những kho báu của thế giới, tâm trí của chúng tôi đang hướng về người dân nước Pháp trong thời khắc đau buồn này”, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama chia sẻ. |