Ông Phạm Đức Hải - Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM chủ trì buổi họp báo
Chiều 13-12, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn và các vấn đề dư luận quan tâm dưới sự chủ trì của Phó Ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải.
90% học sinh các khối 9, 12 đi học trở lại
Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, hôm nay là ngày đầu tiên học sinh lớp 9 và 12 đi học trực tiếp trở lại sau một thời gian dài học trực tuyến. Số học sinh lớp 9 đi học trở lại đạt tỷ lệ 90,69%, học sinh khối 12 đạt 93,62%, học sinh khối GDTX lớp 9 đạt 73,6%, lớp 12 đạt 91,17% (không tính huyện Củ Chi).
Số học sinh không tham gia học trực tiếp đa phần là học sinh thuộc diện F0, học sinh trong khu cách ly, học sinh còn ở tỉnh.
Qua khảo sát trước đó, tỷ lệ phụ huynh đồng ý cho con em đến trường là 79% nhưng thực tế, hầu hết các khối đều đạt trên 90% đi học lại.
Ông Dũng cho biết thêm, khi xuất hiện F0 trong các cơ sở trường học thì tổ chức test cho đối tượng là F1. Ngành GD-ĐT và ngành Y tế đã phối hợp hướng dẫn cho các cơ sở GD-ĐT. Mỗi đơn vị cũng đã xây dựng phương án riêng. Khi có xuất hiện ca bệnh, nhà trường sẽ phối hợp với y tế địa phương tầm soát.
Trước mắt, trong 2 tuần thí điểm học sinh 2 khối lớp 9 và 12 đi học trở lại, ngành y tế và giáo dục phối hợp tổ chức tầm soát cho các em. Về lâu dài sở GD-ĐT đã có văn bản gửi UBND TP đề nghị cấp các bộ test nhanh cho các đơn vị quận, huyện và TP Thủ Đức để các đơn vị trường học phối hợp với các đơn vị y tế tổ chức test theo quy định.
Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT
Trong sáng 13-12, Sở GD-ĐT và Sở Y tế đã tổ chức 5 đoàn kiểm tra các cơ sở giáo dục tại 5 địa phương (quận 3, 4, 5, 10 và Gò Vấp). Ngoài ra, Sở GD-ĐT cũng đã tổ chức các đoàn của các phòng chuyên môn để kiểm tra công tác an toàn phòng, chống dịch tại các đơn vị trường học có tổ chức học trực tiếp của các địa phương còn lại.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TPHCM
Trước thực trạng nhiều người dân chủ quan, tụ tập, không đeo khẩu trang nơi công cộng, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TPHCM, cho biết lực lượng công an các quận, huyện và TP Thủ Đức vẫn duy trì tuần tra, kiểm soát lưu động vừa đảm bảo an ninh trật tự vừa phát hiện, xử lý, chấn chỉnh các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch.
Thống kê từ ngày 1-10 đến nay, Công an TPHCM đã tổ chức trên 126 lượt tuần tra, kiểm soát, xử lý trên 87.000 trường hợp, phạt tiền trên 100 tỷ đồng, nhắc nhở 251 người không đeo khẩu trang.
Chưa ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể Omicon
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, Sở Y tế đã có kế hoạch huy động nhà thuốc tư nhân tham gia tư vấn F0. Hiện thành phố có trên 6.500 nhà thuốc phân bố khắp 21 quận, huyện và TP Thủ Đức. Các nhà thuốc này thường tập trung ở tại khu dân cư đông.
Việc kêu gọi, huy động họ tham gia vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 là hoạt động thiết thực trên địa bàn.
Tuy nhiên, không phải tất cả 6.500 nhà thuốc trên toàn thành phố sẽ cấp phát thuốc miễn phí cho F0, mà địa phương nào cần thì Sở Y tế sẽ chỉ định nhà thuốc ở khu vực đó hỗ trợ. "Quy chế phối hợp được xây dựng trên nguyên tắc Sở kiểm soát chặt các túi thuốc, tránh nhập nhằng mua bán thuốc và cấp miễn phí", bà Mai nói.
Ngoài ra, nhà thuốc còn có nhiệm vụ cung ứng thuốc không kê đơn, hoặc có kê đơn (do trạm y tế lưu động hoặc mạng lưới Thầy thuốc đồng hành kê đơn cho người bệnh); vật dụng, thiết bị y tế (các loại sinh phẩm, test nhanh, dụng cụ đo nồng độ oxy trong máu, nhiệt kế...) đã được đăng ký để chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà. Sở Y tế yêu cầu các nhà thuốc bán thuốc và thiết bị đúng giá, đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó, mỗi nhà thuốc sẽ là một tình nguyện viên truyền thông, cầu nối tư vấn và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà. Nếu người bệnh có triệu chứng nghi ngờ đến mua thuốc thì nhân viên nhà thuốc phải cung cấp ngay số điện thoại, hướng dẫn họ hoặc thân nhân liên hệ các trạm y tế cố định, lưu động, tổ chăm sóc Covid-19 tại cộng đồng.
Thông tin về việc giám sát biến thể Omicron xâm nhập vào thành phố, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, hiện các bộ phận chức năng của Sở vẫn đang giám sát chặt chẽ, đặc biệt với nhóm người nước ngoài nhập cảnh thông qua đường hàng không, đường thủy.
Từ ngày 10-12 đến nay, TPHCM ghi nhận 1.072 người nước ngoài đến TPHCM là người nước ngoài và tất cả được khám sàng lọc. Ngành y tế đã phát hiện 19 trường hợp trong số đó mắc Covid-19. Tất cả đã được đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để giải mã trình tự gene và chưa phát hiện chủng mới Omicron.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), đến hết ngày 12-12, tổng số mũi vaccine bổ sung, mũi nhắc đã được triển khai là hơn 14,8 triệu liều. Trong đó, liều bổ sung được tiêm cho 4.448 người thuộc nhóm suy giảm miễn dịch và 7.370 mũi vaccine tăng cường (mũi 3) cho tuyến đầu chống dịch. Hiện TPHCM đang triển khai hoạt động tiêm vaccine cho người lao động quay lại TPHCM làm việc và sẽ "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tìm ra đối tượng chưa tiêm, từ đó sàng lọc và tiêm sớm cho họ.
“Vừa qua, có một tờ báo thông tin nước bạn cấm chuyến bay từ TPHCM đi Hong Kong. Cơ quan chức năng TPHCM đã làm việc, sau khi giải mã trình tự gene của 3 người test nhanh mắc Covid-19 đi từ TPHCM qua Hồng Kong thì đều nhiễm biến thể Delta, không phải Omicron. Tính đến ngày hôm nay, thành phố vẫn kiểm soát chặt chưa phát hiện trường hợp nào mắc biến thể mới này”,bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin. |
Theo ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, có hơn 60.000 người tại TP Thủ Đức thuộc nhóm nguy cơ cao và đang được tiêm mũi nhắc, mũi tăng cường; trên 60% ca tử vong tại địa phương đều chưa tiêm vaccine, trong đó có cả trường hợp không có bệnh nền. Nhiều gia đình có ông bà, cha mẹ lớn tuổi, kèm bệnh lý nền nghiêm trọng như tai biến, bệnh nan y nên có tâm lý sợ tiêm vaccine và có biến chứng nguy hiểm. Thực tế, khi vận động tại địa phương, chúng tôi nắm danh sách người chưa tiêm nhưng vận động khó khăn. |