Nhận diện kinh tế các nước ASEAN

Nhận diện kinh tế các nước ASEAN ảnh 1
Việt Nam
2019 là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam hoàn thành 12/12 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Quốc hội giao. Trong đó 5 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu đạt. Đáng chú ý tăng trưởng GDP ước đạt trên 7%, thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của khu vực và trên thế giới.
Đặc biệt, xuất nhập khẩu Việt Nam đạt kỷ lục mới khi vượt mốc 500 tỷ USD. Với kết quả tăng trưởng này, đến năm 2025 GDP bình quân đầu người của Việt Nam khoảng 4.688USD, gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao.
Nhiều chuyên gia dự báo năm 2020 GDP đạt 6,8% (do ảnh hưởng nền kinh tế toàn cầu) và đến năm 2025 nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 28 thế giới và năm 2050 đứng vào top 20 các nền kinh tế lớn trên thế giới. Việt Nam gia nhập ASEAN ngày 28-7-1995.
Indonesia
Indonesia có nền kinh tế thị trường, trong đó chính phủ đóng vai trò chủ đạo, với hơn 164 công ty sở hữu quốc doanh, kinh doanh các mặt hàng cơ bản như dầu mỏ, gạo và điện lực. Lĩnh vực dịch vụ là ngành lớn nhất của nền kinh tế và chiếm 45,3% GDP Indonesia, tiếp theo là công nghiệp (40,7%) và nông nghiệp (14%).
Các ngành công nghiệp chính gồm dầu mỏ và khí thiên nhiên, dệt, may và khai thác mỏ. Sản phẩm nông nghiệp chính gồm dầu cọ, gạo, chè, cà phê, gia vị và cao su. Indonesia là thành viên duy nhất của OPEC tại Đông Nam Á. Indonesia gia nhập ASEAN ngày 8-8-1967. Kinh tế Indonesia được dự báo tăng trưởng ở mức 5,4% năm 2019 và duy trì ổn định trong trung hạn.
Thái Lan
Từ năm 1960 Thái Lan thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội lần thứ nhất và đến nay là kế hoạch thứ 9. Trong chính sách kinh tế vĩ mô, Thái Lan xác định xuất khẩu là động lực phát triển với kim ngạch chiếm 60% GDP.
Trong đó, xác định 5 lĩnh vực ưu tiên gồm lúa gạo; hải sản; ô tô và phụ tùng ô tô; sản phẩm từ cao su và phụ tùng máy móc. Ngành du lịch có đóng góp đáng kể khoảng 5% GDP. Công nghiệp ô tô Thái Lan lớn nhất Đông Nam Á và lớn thứ 9 trên thế giới, có sản lượng hàng năm gần 1,5 triệu xe.
Thái Lan hiện đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo, mỗi năm xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo tinh chế. GDP Thái Lan năm 2019 ước tăng trưởng 3,9% và tăng tốc khi bước sang năm 2020. Tháng 8-2019, Chính phủ Thái Lan đã phê chuẩn gói kích cầu 10 tỷ USD triển khai nền kinh tế 4.0 để thúc đẩy tăng trưởng. Thái Lan gia nhập ASEAN ngày 8-8-1967. 
Singapore
Singapore có nền kinh tế thị trường phát triển cao, được xếp hạng là nền kinh tế mở nhất trên thế giới. Cùng với Hồng Kông, Hàn Quốc và Đài Loan, Singapore là 1 trong 4 hổ kinh tế của châu Á. Nền kinh tế Singapore dựa vào buôn bán và dịch vụ (chiếm 40% GDP).
Một số ngành công nghiệp phát triển cao hàng đầu châu Á và thế giới như cảng biển, đóng và sửa chữa tàu, lọc dầu, chế biến và lắp ráp máy móc tinh vi; là nước hàng đầu về sản xuất ổ đĩa máy tính điện tử và hàng bán dẫn; là nước đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức.
Do sức ép từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc - 2 đối tác thương mại lớn nhất của Singapore - một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh, ước tăng trưởng GDP 2019 chỉ 0-1%. Singapore gia nhập ASEAN ngày 8-8-1967.  
Malaysia
Trong số các nước Ðông Nam Á, Malaysia (gia nhập ASEAN ngày 8-8-1967) được đánh giá luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. GDP Malaysia tăng trưởng trung bình 6,5% mỗi năm, là nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN, thứ 14 châu Á và thứ 38 trên thế giới. Chế tạo là lĩnh vực then chốt của công nghiệp Malaysia.
Thương mại quốc tế của Malaysia rất thuận lợi do nằm sát tuyến đường tàu thủy qua eo biển Malacca. Malaysia là nước xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên và nông sản, dầu mỏ. Malaysia nằm trong số các nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới về thiết bị bán dẫn, điện tử, sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông, đồng thời là nhà sản xuất và xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới. Tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Malaysia ước đạt 4,9%, tăng nhẹ so với mức 4,72% năm 2018.
Philippines
Tăng trưởng kinh tế của Philippines ước đạt 6,7% trong năm 2019, cao nhất trong các nước ASEAN-5. Các lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế của Philippines gồm nông nghiệp và công nghiệp, đặc biệt chế biến thực phẩm, dệt sợi và quần áo, các bộ phận điện tử và ô tô.
Ngành khai thác mỏ cũng có tiềm năng lớn, sở hữu lượng dự trữ lớn chromite, niken, đồng. Gần đây các khí gas tự nhiên đã được tìm ra và thêm vào nguồn dự trữ năng lượng. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Philippines gồm sản phẩm bán dẫn và điện tử, thiết bị vận tải, hàng may mặc, đồng, dầu mỏ, dầu dừa và quả.
Goldman Sachs ước đoán năm 2050 Philippines sẽ là nền kinh tế lớn thứ 14 thế giới. HSBC cũng cho rằng Philippines sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 châu Á và lớn nhất Đông Nam Á vào năm 2050. Philippines gia nhập ASEAN ngày 8-8-1967.
Myanmar
Gia nhập ASEAN ngày 23-7-1997, Myanmar là một trong những nền kinh tế kém phát triển nhất thế giới, hàng thập niên ở trong tình trạng trì trệ, quản lý kém và cấm vận quốc tế. Myanmar thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết, trao đổi hàng hóa chủ yếu qua biên giới với Thái Lan.
Các ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận như kim cương, dầu khí và lâm nghiệp bị kiểm soát chặt chẽ. Các ngành công nghiệp khác gồm sản phẩm nông nghiệp, dệt may, sản phẩm gỗ, vật liệu xây dựng…
Từ năm 2011, Myanmar thi hành chính sách cải cách nhiều mặt như chống tham nhũng, sửa luật đầu tư nước ngoài và thuế, tự do hóa ngành bảo hiểm, miễn visa cho công dân nhiều nước… đã gặt hái được kết quả khả quan.
Tăng trưởng GDP của Myanmar năm 2019 ước 6,3%. WB dự báo GDP Myanmar năm 2020 tăng 6,6%, năm 2021 là 6,7%  và năm 2022 là 6,8%.
Brunei
Brunei (gia nhập ASEAN ngày 7-1-1984) là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 ở Đông Nam Á, trung bình 180.000 thùng/ngày; đồng thời là nhà sản xuất khí hóa lỏng lớn thứ 4 thế giới. Sản xuất dầu thô và khí thiên nhiên đóng góp khoảng 90% GDP quốc gia. Brunei có nền kinh tế quy mô nhỏ song thịnh vượng.
Nhờ tài nguyên dầu mỏ, vàng, người dân Brunei được cấp nhà miễn phí, miễn phí tiền học, bệnh viện. Cơ cấu nền kinh tế gồm công nghiệp chiếm 46%, nông nghiệp 5% và dịch vụ 49% GDP. Brunei phụ thuộc nặng vào nhập khẩu các mặt hàng như nông sản, ô tô và sản phẩm điện tử.
Hàng nhập khẩu đáp ứng 60% nhu cầu lương thực của Brunei, trong đó khoảng 75% đến từ các quốc gia ASEAN. Brunei nằm trong top 10 nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới với  80.335USD/người. GDP năm 2019 của Brunei ước tăng 6,67%.
Lào
Lào hiện là nước nghèo nhất Đông Nam Á, kinh tế phụ thuộc nhiều vào đầu tư và thương mại với các nước láng giềng. Nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa, sử dụng khoảng 85% dân số và đóng góp khoảng 51% GDP, với các sản phẩm khoai tây, rau xanh, cà phê, đường mía, thuốc lá, ngô, vải, chè, lạc, gạo; trâu, lợn, gia súc, gia cầm.
Một số ngành xuất khẩu giá trị cao của nông nghiệp như cao su, gỗ còn bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Các ngành công nghiệp chủ yếu là khai khoáng, chế biến nông, lâm sản, thủy điện và vật liệu xây dựng.
Các ngành công nghiệp mang tính chuyên hóa về kỹ thuật như cơ khí chế tạo, điện tử gia dụng, viễn thông... phát triển chậm. Ước tăng trưởng GDP 2019 của Lào 6,5%, cao hơn mức 6,3% năm 2018.  Lào gia nhập ASEAN ngày 23-7-1997.
Campuchia
Campuchia là quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế ổn định trong 20 năm qua. GDP của Campuchia ước tăng 7% trong năm 2019 và 6,8% trong năm 2020; GDP bình quân đầu người ước tăng 4,4% trong năm 2019 và 4,2% vào năm 2020. Du lịch là 1 trong 4 trụ cột quan trọng của nền kinh tế Campuchia, đóng góp 12,7% GDP.
Năm 2019 nước này đón khoảng 7,5-8 triệu lượt du khách quốc tế đem lại doanh thu trên 5 tỷ USD. Nhiều nghiên cứu của các tổ chức uy tín trên thế giới được công bố, cho rằng Campuchia có trữ lượng lên đến 2 tỷ thùng dầu và 10.000 tỷ m3 khí đốt.
Campuchia đang hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Campuchia gia nhập ASEAN muộn nhất, ngày 30-4-1999.

Các tin khác