Nhân lực du lịch: Nước đã đến chân

Vào năm 2015, thỏa thuận ASEAN về tự do luân chuyển nguồn nhân lực ngành du lịch giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á được triển khai thì yêu cầu về chất lượng đào tạo của nguồn nhân lực trong nước càng cao hơn nữa. Đây là vấn đề bức thiết vì "nước đã đến chân".

Vào năm 2015, thỏa thuận ASEAN về tự do luân chuyển nguồn nhân lực ngành du lịch giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á được triển khai thì yêu cầu về chất lượng đào tạo của nguồn nhân lực trong nước càng cao hơn nữa. Đây là vấn đề bức thiết vì "nước đã đến chân".

Thiếu nhân lực chuyên nghiệp

Theo Tổng cục Du lịch, hiện nay mỗi năm toàn ngành Du lịch cần thêm gần 40.000 lao động nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm. Trong đó chỉ có hơn 12% có trình độ ĐH, CĐ, còn lại là trình độ trung cấp, sơ cấp và cộng tác viên.

Cụ thể tại TPHCM, số lượng lao động hiện cung cấp cho ngành Du lịch của TPHCM mới chỉ chiếm 60% nhu cầu và chất lượng lao động qua đào tạo bài bản mới chỉ chiếm 40%.

Khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cho thấy khoảng 30-45% hướng dẫn viên (HDV) du lịch, điều hành tua, 70-80% nhân viên lễ tân nhà hàng, khách sạn tại TPHCM không đạt chuẩn ngoại ngữ.

Nguyên nhân của tình trạng này theo ông Tôn Thất Hòa, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch TPHCM cho biết, chương trình đào tạo du lịch mới chỉ chú trọng đến lý thuyết, thiếu điều kiện thực hành. Nhiều HDV du lịch dù được đào tạo dài hạn ở các trường ĐH, CĐ nhưng khi được tuyển dụng làm việc hầu hết các DN lữ hành đều phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung kỹ năng nghề nghiệp và ngoại ngữ.

Yêu cầu bức thiết

Toàn ngành Du lịch hiện có khoảng 500.000 lao động trực tiếp và gần 1 triệu lao động gián tiếp, tuy nhiên, đến năm 2015, các con số tương ứng là 650.000 và 2 triệu.

Nhu cầu nhân lực ngành Du lịch năm 2014 đã được dự báo tăng 40% so năm 2013, trong đó nhu cầu nhân lực quản lý điều hành tăng khoảng 25%.

Đặc biệt, khi vào năm 2015, thỏa thuận ASEAN về tự do luân chuyển nguồn nhân lực ngành Du lịch giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á được triển khai thì yêu cầu về chất lượng đào tạo của nguồn nhân lực trong nước càng cao hơn nữa. Đây là yêu cầu bức thiết vì "nước đã đến chân".

Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị Marketing, Saigontourist cho biết, hiện nay số lượng hướng dẫn viên (HDV) cho những mùa du lịch cao điểm mà Saigontourist cần là hơn 300 người trong khi đó, số lượng HDV chính thức của Công ty chỉ còn gần 200 người.

Vì vậy, để tháo gỡ trước mắt tình trạng thiếu lao động nói chung và sự thiếu hụt bộ phận HDV nói riêng, Saigontourist đã phải sử dụng đội ngũ cộng tác viên, là những sinh viên đang học tại các trường đào tạo của du lịch hoặc những khoa ngoại ngữ của các trường ĐH, CĐ hoặc các nhân viên làm tại các ngành nghề khác sẽ được ký hợp đồng hợp tác thời vụ với Saigontourist.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt (TPHCM) việc sử dụng cộng tác viên chỉ là giải pháp trước mắt, còn để phát triển nguồn nhân lực trong ngành du lịch theo chiến lược dài hạn cần có sự gắn kết và phân tích thị trường lao động, nhu cầu cung của nhân lực trong ngành và đồng thời chú trọng đầu tư vào việc đào tạo chất lượng nguồn nhân lực theo hướng gắn với nhu cầu của DN.

Theo đó, DN du lịch phải có sự gắn kết với cơ sở đào tạo, cùng phối hợp đào tạo sao cho sinh viên có được nhiều cơ hội trải nghiệm thực tế công việc ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.Bên cạnh trang bị cho các em những kiến thức chuyên môn, còn phải chú trọng phát triển kỹ năng nghề (kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý và sắp xếp công việc…) và đặc biệt là khả năng ngoại ngữ.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng phục vụ nhất là đối với các du khách quốc tế, ngành Du lịch cần đưa ra các tiêu chí chuẩn trong lực lượng HDV. Theo đó, cần phân định trình độ, tiêu chuẩn bằng cấp giữa HDV du lịch quốc tế và HDV du lịch nội địa. Đây cũng chính là cơ sở để các cơ sở đào tạo đưa ra giáo trình, chương trình đào tạo cho phù hợp với từng loại hình cụ thể.  

Tổng cục Du lịch Việt Nam đã đưa ra bộ "Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam" làm tài liệu chuẩn phục vụ việc giảng dạy tại các cơ sở đào tạo du lịch, phần nào đáp ứng được nhiều yêu cầu của nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, bộ tài liệu chuẩn này chưa được áp dụng rộng rãi trong các loại hình cơ sở đào tạo du lịch. Nhiều ý kiến cho rằng, các trường cần sớm áp dụng các tiêu chí chung đào tạo nhân lực ngành Du lịch làm cơ sở để hoàn chỉnh, thống nhất giáo trình giảng dạy.

Các tin khác