Thế nhưng, nguồn nhân lực nước ta hiện nay đang có sự chuyển dịch bất ngờ: Công nhân bỏ việc bán hàng online, cử nhân chạy xe ôm công nghệ, thạc sĩ làm youtuber hoặc tiktoker... Vì sao như vậy?
Đáng lo ngại…
Tình trạng thất nghiệp của thanh niên hiện nay, nhất là nhóm tuổi 15-24 đang là thách thức đối với nền kinh tế. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp quý I-2023 là 7,61%, cao gấp 3,38 lần tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước (2,25%). Bình quân trong 10 thanh niên có 1 thanh niên thất nghiệp. Số lao động trẻ đang làm việc có nguy cơ mất việc cao gấp 3 lần so với những lứa tuổi lớn hơn.
Lý giải về thực trạng thanh niên thất nghiệp, một số chuyên gia cho rằng một bộ phận thanh niên có ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp yếu, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học thiếu các kỹ năng "mềm", kỹ năng làm việc. Mặt khác, quan niệm về vai trò, tầm quan trọng của nhân lực, nhân lực chất lượng cao đối với phát triển kinh tế xã hội ở các cấp lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp/người sử dụng lao động nhìn chung còn hời hợt, chưa thấu đáo...
Thực tế, trong sự dịch chuyển lao động trẻ, bên cạnh sự dịch chuyển từ nông thôn sang thành thị, từ lĩnh vực công nghiệp sang dịch vụ, nổi lên hiện tượng những tri thức trẻ chấp nhận dịch chuyển sang những nghề mang tính nhất thời. Trên nhiều diễn đàn, đã có không ít ý kiến lo ngại về tình trạng người lao động làm việc không phù hợp với ngành nghề được đào tạo, cũng như với trình độ chuyên môn và tay nghề được đào tạo.
Số liệu thống kê năm 2021 cho thấy, 81,1% lao động có trình độ cao đẳng, 60,4% có trình độ trung cấp và 23,8% có trình độ đại học trở lên, làm các công việc có yêu cầu trình độ chuyên môn kỹ thuật/kỹ năng thấp hơn so với trình độ chuyên môn kỹ thuật được đào tạo. Ngoài ra, có khoảng 35,1% lao động làm các công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật/kỹ năng cao hơn so với bằng cấp của họ.
Đó là những số liệu thống kế từ các cơ quan chuyên môn, còn thực tế có nhiều vấn đề đáng suy ngẫm hơn. Thật ngỡ ngàng, khi chứng kiến ở khu vực bến xe hoặc sân ga có hẳn đội ngũ tài xế xe ôm công nghệ đều là những gương mặt rực rỡ thanh xuân. Chỉ cần dò hỏi, sẽ phát hiện phần lớn trong số họ có trình độ cử nhân hoặc thạc sĩ. Sức trẻ ấy và kiến thức ấy, sao không làm đúng chuyên môn được đào tạo? Có điều gì bất thường chăng?
Phải xem lại cơ chế, chính sách và đào tạo
Không khó để truy ra 2 nguyên nhân chính để nhiều cử nhân hoặc thạc sĩ phải làm shipper. Thứ nhất, họ ái ngại phương pháp tuyển dụng của các cơ quan nhà nước. Quá nhiều lời xì xầm “chạy chọt” và quá nhiều rào cản vô hình để họ được cống hiến với tư cách viên chức. Thứ hai, họ không thích bị trói buộc trong những công việc nhàm chán mà thu nhập cũng ít ỏi.
Cho nên, họ thà chịu dãi nắng dầm mưa để ung dung tự tại mưu sinh theo cách của họ. Từ thực trạng này, có lẽ đã đến lúc phải tư duy mạch lạc hơn về vai trò của cơ chế, chính sách tác động trực tiếp, hoặc gián tiếp thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế nói chung và nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng.
Nói đi phải nói lại, khi các trường đại học nở rộ khắp mọi nơi, chất lượng đào tạo ra sao? Dù muốn dù không, vẫn phải thấy chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam còn thấp, không đáp ứng nhu cầu kỹ năng của thị trường lao động. Theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu được công bố cách đây không lâu, Việt Nam xếp thứ 84/137 quốc gia về kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp đại học; xếp thứ 79/134 về năng lực đổi mới sáng tạo, đứng sau khá xa so với Thái Lan và Malaysia.
Trong báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh PCI cấp tỉnh vài năm gần đây, có điểm chung là nhà đầu tư nước ngoài (FDI) ít hài lòng về chất lượng đào tạo nghề tại các địa phương, họ phải chi nhiều hơn cho việc đào tạo lại lao động mới tuyển vào.
Cơ cấu đào tạo nghề nghiệp còn bất cập, chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng (chiếm 75%), trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm 25%. Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp khó khăn, đặc biệt ở những ngành, nghề kỹ thuật cao, nặng nhọc độc hại, năng khiếu. Học sinh, sinh viên tốt nghiệp có năng lực chuyên môn chưa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn sản xuất, kinh doanh; yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm như tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm, kỹ năng khởi nghiệp.
Còn theo Khảo sát doanh nghiệp của tổ chức GIZ, đánh giá kỹ năng cứng, thái độ làm việc là những nội dung có sự chênh lệch lớn giữa yêu cầu của doanh nghiệp với năng lực hiện có ở người lao động, cần được cải thiện. Hơn nữa, việc triển khai đào tạo nghề nghiệp chất lượng cao như phát triển nghề trọng điểm, trường nghề chất lượng cao và thí điểm đào tạo cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN theo chương trình chuyển giao từ nước ngoài... đều rất chậm.
Nhìn một cách lạc quan, nguồn nhân lực Việt Nam không chỉ trình độ học vấn được nâng cao, mà trình độ chuyên môn kỹ thuật cũng không ngừng được cải thiện. Tỷ lệ dân số có chuyên môn kỹ thuật đã tăng lên đáng kể so với trước đây. Nếu năm 2007 chỉ có 17,7% dân số có chuyên môn kỹ thuật, năm 2020 tăng lên 24%.
Trớ trêu thay, tỷ lệ dân số có trình độ đại học trở lên tăng mạnh nhất, nhưng nguồn nhân lực dồi dào lại dịch chuyển sang những công việc mang tính nhất thời như xe ôm công nghệ, shipper hoặc sản xuất nội dung trên mạng.
Ai làm việc cũng có nhu cầu kiếm tiền và nhu cầu thăng tiến. Nếu trong hoàn cảnh ngặt nghèo, cử nhân và thạc sĩ có thể chạy xe ôm công nghệ hoặc làm youtuber như một giải pháp “gỡ khó”. Thế nhưng, lao động trẻ không thể “chọn việc nhẹ nhàng” theo cách khước từ chuyên môn được đào tạo để nhảy ra “kiếm tiền nhanh”.
Trong cuốn sách “Outliers” (Những người xuất chúng), tác giả Malcolm Gladwell đề xướng một tiêu chí trưởng thành nghề nghiệp: “Bất kỳ ai đã trải qua 10 ngàn giờ thực hành liên tục một công việc trong 10 năm, tương đương 3 giờ rèn luyện mỗi ngày, sẽ trở thành chuyên gia lĩnh vực ấy”. Thử hỏi, cử nhân chạy xe ôm suốt 10 ngàn giờ được gì, còn thạc sĩ làm Youtuber suốt 10.000 giờ được gì?
Chọn nghề để mưu sinh, cũng cần chọn thái độ sống tích cực hơn và thiện chí hướng đến tương lai tốt đẹp hơn.
Thật ngỡ ngàng, khi chứng kiến ở khu vực bến xe hoặc sân ga có hẳn đội ngũ tài xế xe ôm công nghệ đều là những gương mặt rực rỡ thanh xuân. Chỉ cần dò hỏi, sẽ phát hiện phần lớn trong số họ có trình độ cử nhân hoặc thạc sĩ.