Ngày 1-2, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM cùng Thường trực UBND TPHCM, chủ trì Hội nghị Tổng kết công tác chăm lo Tết Quý Mão và tình hình kinh tế - xã hội tháng 1, nhiệm vụ giải pháp tháng 2-2023. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, dự hội nghị.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác chăm lo Tết Quý Mão và tình hình kinh tế-xã hội tháng 1, nhiệm vụ, giải pháp tháng 2-2023. Ảnh: VIỆT DŨNG
Nỗ lực cao hơn kế hoạch đề ra
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ sự trân trọng và hoan nghênh các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức cá nhân đã chung tay lo một cái tết rất bình yên cho Thành phố. “Điều lành mạnh nhất” là tết này không có các đoàn chúc tết lãnh đạo, cấp trên, mà dành sức chăm lo những đối tượng cần được chăm lo. Đồng chí cũng đánh giá cao bản lĩnh, sự trưởng thành của người đứng đầu các sở ban ngành, địa phương khi trình bày những nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới mà không than thở, đổ lỗi hay đề xuất những vấn đề thuộc trách nhiệm của mình.
Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị các cơ quan xem xét, nghiên cứu lại những việc không còn hợp lý, như việc đánh giá để chi thu nhập tăng thêm cần hình thức phù hợp hơn. Theo đồng chí, trong xã hội biến động bất định hiện nay, đòi hỏi con người và cán bộ công chức phải đặt cuộc sống trong ba chiều: chiều hiện thực – chiều tình cảm, lòng trắc ẩn – chiều đổi mới sáng tạo. Đồng thời phải quan tâm công tác dự báo, nắm chắc tình hình chuẩn bị cho những tình huống cần ứng phó, không bị động, không chủ quan vì những thành tích tốt đẹp đã có.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy TPHCM cũng chỉ đạo cần nhanh chóng đưa các hoạt động trở lại bình thường, tạo không khí sôi nổi ngay từ đầu năm. Theo đồng chí, năm 2023 dự báo sẽ có nhiều khó khăn thách thức, nhưng mục tiêu tăng trưởng Thành phố đặt ra cho năm nay là 7,5-8%. Trong khi, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị vừa thông qua giao chỉ tiêu tăng trưởng bình quân cho TPHCM là 8-8,5%. Những năm đầu nhiệm kỳ, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, tăng trưởng của TPHCM âm, năm 2022 tăng trưởng hơn 9%, nhưng cộng lại trung bình các năm mới chỉ đạt hơn 3%, như vậy TPHCM còn “nợ” rất nhiều. Điều đó đòi hỏi thành phố phải nỗ lực, phấn đấu rất nhiều.
Trong số các giải pháp, đồng chí lưu ý đến đẩy mạnh đầu tư xã hội. Còn khu vực nhà nước phải cam kết nỗ lực tối đa để hoàn thành nhiệm vụ đầu tư công, làm cơ sở dẫn dắt, làm vốn mồi, thực hiện những công trình mà xã hội không thể huy động được. Bên cạnh đó là những biện pháp về mặt tinh thần, phát huy khí thế, ổn định tâm lý, củng cố lòng tin để nhà đầu tư an tâm.
Đề cập đến sự bùng nổ mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, trong đó có chat GPT vừa ra đời gây sốt trên thế giới, Bí thư Thành ủy TPHCM lưu ý đây thực sự là thử thách để mỗi người khẳng định giá trị của mình.
Bí thư Thành ủy TPHCM cũng yêu cầu cần sớm triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 31, tập trung quyết liệt vào những cơ chế chính sách vượt trội của TP để thực hiện đúng vai trò đầu tàu mà Bộ Chính trị giao cho TPHCM. Bên cạnh đó cần quan tâm văn hóa, xã hội song hành kinh tế, trong đó cũng cần chú trọng đến công tác phòng chống dịch Covid-19.
Giải ngân thấp, Chủ tịch UBND TPHCM giảm bậc thi đua
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khái quát một số bài học kinh nghiệm từ công tác chăm lo Tết Quý Mão 2023. Đó là sự chủ động phối hợp, xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh. Một số việc đã làm tốt như xây dựng không gian đẹp, góc phố xuân cần được phát huy, duy trì không chỉ trong dịp tết. Chợ hoa trên bến dưới thuyền cũng có thể kéo dài thời gian hoạt động để phục vụ người dân và du khách như một nét văn hóa đặc trưng của thành phố. Với những hạn chế như hoạt động chiếm lòng đường, vỉa hè, hoạt động karaoke ồn ào, cờ bạc, đốt pháo… cần có kế hoạch xử lý ngay.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Về tình hình kinh tế - xã hội, đồng chí Phan Văn Mãi nhìn nhận, kết quả tháng 1 đã cho thấy vệt khó khăn kéo dài từ quý IV-2022 đang tiếp diễn. Nếu ứng xử tốt, những khó khăn này sẽ dịu đi trong quý II-2023, nếu không khó khăn sẽ kéo dài tới hết quý II. Do vậy, ngay trong tháng 2 này, TPHCM cần hành động ngay để rút ngắn thời gian khó khăn, sớm đưa kinh tế-xã hội phục hồi trở lại.
Trong những hạn chế kéo dài, đồng chí đặc biệt đề cập đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công. TPHCM đã thực hiện nhiều giải pháp trong năm 2022 và mong muốn đạt được 76%, và chỉ tiêu phấn đấu trên 80% nhưng kết quả đến ngày 31-1 cũng chưa đạt được 70%. Các đơn vị giải ngân đạt tỷ lệ thấp, tập trung các ban sử dụng vốn rất lớn như Ban quản lý dự án các công trình giao thông, ban quản lý đường sắt đô thị…, có những chủ đầu tư giải ngân 0 đồng.
“Bản thân tôi, chị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở KH-ĐT, Phó Giám đốc sở phụ trách đầu tư công và các trưởng ban của các ban lớn, người đứng đầu các chủ đầu tư giải ngân 0 đồng thì không được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022 và tôi tự nhận giảm bậc xếp loại”, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết và khẳng định trong năm 2023 sẽ tăng cường việc đánh giá thi đua này để siết kỷ cương kỷ luật đầu tư công, từ đó dẫn dắt cho đầu tư xã hội.
Cụ thể hơn, với các dự án đã được phân bổ vốn, đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu các chủ đầu tư đến cuối tháng 2 phải báo cáo lại kế hoạch triển khai, đảm bảo cuối năm giải ngân xong. Đến tháng 7, nếu không rõ kế hoạch triển khai, UBND TPHCM sẽ điều vốn sang dự án khác. Với các dự án còn trong danh mục dự phòng, Sở KH-ĐT phối hợp các cơ quan đơn vị chuẩn bị kỹ hồ sơ để tháng 3-2023, UBND TPHCM đề xuất kỳ họp chuyên đề HĐND TPHCM để phân bổ vốn kịp trong nửa đầu năm. TPHCM cũng sẽ tiếp tục vận hành 3 tổ công tác về mặt bằng, dự án vốn lớn và ODA.
Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị các sở ban ngành, quận huyện và TP Thủ Đức triển khai đầy đủ các nhiệm vụ được giao, bám sát tình hình, dự báo và linh hoạt ứng phó. Thực hiện chủ đề năm 2023, đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu các đơn vị, địa phương rà soát lại công việc, nhất là việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp, phân nhóm, đôn đốc và giám sát kết quả thực hiện, quản lý chặt chẽ đầu vào,đầu ra công việc.
Đồng chí cũng chỉ đạo tập trung triển khai các giải pháp đồng hành doanh nghiệp. Trong tháng 2, UBND TPHCM sẽ tổ chức gặp gỡ đại diện doanh nghiệp thông qua hiệp hội các ngành nghề, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp bất động sản để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Tương tự, đồng chí yêu cầu quận huyện, TP Thủ Đức, các ngành thuế, hải quan, quy hoạch, kế hoạch, xây dựng, tài nguyên môi trường cũng cần gặp gỡ chuyên đề để giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh thêm một số công việc cần tập trung trong tháng 2, như giảm nghèo, lễ giao nhận quân, tổng kết công tác đối ngoại… Đặc biệt, trong tháng 2 cần hoàn tất chuẩn bị để Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Bên cạnh đó phải hoàn thành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 31, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị. Đồng thời rà soát, đăng ký các công trình sẽ khởi công, hoàn thành trong năm 2023, các công trình chào mừng 50 năm ngày thống nhất đất nước.
Với 59 đề án được các đơn vị đăng ký theo tinh thần Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo vì lợi ích chung, trong tháng 2, Thường trực UBND TPHCM cũng sẽ rà soát lại để có được những đề án thực sự có ý nghĩa, tâm huyết, tạo động lực phát triển cho Thành phố.
Các đại biểu dự Hội nghị Tổng kết công tác chăm lo tết Quý Mão và tình hình kinh tế-xã hội tháng 1; nhiệm vụ, giải pháp tháng 2-2023. Ảnh: VIỆT DŨNG
TPHCM: Hơn 1.229 tỷ đồng chăm lo tết
Báo cáo công tác chăm lo tết, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, dịp tết này, TPHCM đã chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho hơn 612.000 lượt đối tượng diện chính sách có công, chính sách xã hội, hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và các đối tượng khác với tổng kinh phí hơn 687 tỷ đồng. TPHCM cũng quan tâm chăm lo tết cho hơn 136.000 cán bộ công chức, viên chức khu vực hành chính sự nghiệp với số tiền hơn 245 tỷ đồng.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tặng bằng khen cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, chăm lo tết. Ảnh: VIỆT DŨNG
Tổng kinh phí chăm lo Tết Quý Mão 2023 là hơn 1.229 tỷ đồng, tăng hơn 167 tỷ đồng so với Tết Nhâm Dần 2022. Điểm mới của năm nay là TPHCM đã bổ sung đối tượng chăm lo là người trực tiếp tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 đang sinh sống tại TPHCM, trẻ em mồ côi, UBND 312 phường xã, thị trấn. Mức chi cho cán bộ, viên chức, người lao động cũng tăng từ 1,5 triệu đồng/người lên 1,8 triệu đồng/người.
TPHCM còn đảm bảo tình hình chi trả lương thưởng, ổn định lao động, quản lý thị trường, đảm bảo nguồn hàng hóa dồi dào. Các mặt an ninh trật tự, vận chuyển hành khách được đảm bảo. Nhìn chung, TP đã nỗ lực chăm lo, đảm bảo tết an vui, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm đến mọi nhà, mọi người.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tặng bằng khen cho các đơn vị đạt thành tích xuất sắc công tác tổ chức, chăm lo tết. Ảnh:VIỆT DŨNG
Về kinh tế - xã hội tháng 1, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, trong tháng 1, thành phố đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 28%); doanh thu du lịch tăng 16,8% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư đạt khoảng 179,04 triệu USD, tăng 73,8% so với cùng kỳ, trong đó, có 50 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 86,86 triệu USD, tăng 127,8% so với cùng kỳ.
Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TPHCM Trần Kim Yến tặng bằng khen cho các quận huyện đạt thành tích xuất sắc công tác tổ chức, chăm lo tết. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bên cạnh đó cũng có một số khó khăn, như một số doanh nghiệp không có đơn hàng và đơn hàng từ thị trường thế giới giảm dần và tình trạng có thể kéo dài đến giữa 2023. Thu ngân sách chỉ đạt khoảng 10,53% dự toán năm và giảm 13,13% so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm cả về số lượng và số vốn đăng ký so với cùng kỳ… phần nào phản ánh, cảnh báo những khó khăn trong quá trình phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong năm 2023.